Thứ ba, 05/11/2024 | 10:34 GMT+7
Nhằm giảm các chi phí đầu vào, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, nhiều doanh nghiệp (DN) Đồng Tháp đã quan tâm đến việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL). Qua kiểm toán năng lượng thí điểm cho một số DN thuộc nhiều nhóm ngành khác nhau trên địa bàn, các chuyên gia nhận định, tiềm năng giảm chi phí năng lượng trong DN còn rất lớn.
Tiềm năng TKNL lớn
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thời gian qua Trung tâm Khuyến công tư vấn và phát triển công nghiệp Đồng Tháp đã tiến hành triển khai nhiều chương trình, dự án thực hiện TKNL tại thành phố. Trong đó phải kể đến là hai dự án có quy mô lớn là “ Hỗ trợ thực hiện chính sách năng lượng quốc gia ở các tỉnh, thành phía Nam” - ANEP II do cơ quan Quản lý năng lượng và môi trường Pháp (ADEME) và Văn phòng TKNL Bộ Công Thương tài trợ và dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Bộ Khoa học Công Nghệ thực hiện dưới sự giám sát của UNDP và được tài trợ bởi quỹ môi trường toàn cầu GEF.
Thực hiện hai dự án trên cùng với sự tư vấn của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về TKNL (ENERTEAM), thời gian qua nhiều DN thuộc một số ngành công nghiệp mũi nhọn trên địa bàn đã được lựa chọn thực hiện kiểm toán năng lượng để đánh giá tiềm năng TKNL.
Ông Lê Hữu Dư, Phó giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, kết quả kiểm toán năng lượng cho thấy các DN trên địa bàn có tiềm năng tiết kiệm chi phí năng lượng rất lớn. Cụ thể, tiềm năng TKNL trong các ngành đông lạnh, chế biến thủy sản, chế biến lương thực, sản xuất nước đá tại Đồng Tháp khoảng 185 TOE (tấn dầu quy đổi) tương đương có thể giảm phát thải ra môi trường 1.078 tấn CO2.
Tại DN tư nhân Duy Hưng Thịnh (xã Tân Quy Tây, Thị xã Sa Đéc), với đặc thù là cơ sở xuất khẩu gạo, sử dụng nhiều máy xay sát, hàng năm chi phí năng lượng lên tới gần 900 triệu đồng chủ yếu là than và điện. Qua thực hiện kiểm toán năng lượng, các chuyên gia đã đưa ra 6 giải pháp giúp DN này giảm chi phí. Các giải pháp bao gồm cải tạo chiếu sáng, giải pháp quản lý năng lượng, lắp biến tần, sử dụng động cơ hiệu suất cao, cắt giảm những bồ đài sử dụng không cần thiết và tách tấm 2,3 trước công đoạn lau bóng.
Với 6 giải pháp đó, ước tính mỗi năm DN có thể giảm chi phí năng lượng khoảng 152 triệu đồng do tiết kiệm 139 nghìn Kwh điện năng. Theo tính toán, mức vốn đầu tư cần thiết là 204 triệu đồng, sau 1,3 năm có thể thu hồi. Không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất, thực hiện các giải pháp đề ra mỗi năm DN còn góp phần giảm khoảng 60 tấn Cacbon ra môi trường xung quanh.
Cũng tương tự XN Chế Biến Lương Thực Cao Lãnh có cơ hội tiết kiệm khoảng 85 triệu đồng đồng/năm thông qua giảm tiêu thụ trên 113 nghìn Kwh điện tương đương gần 10 nghìn tấn dầu quy đổi.
Công ty CP XNK Sa Giang (khu công nghiệp Sa Đéc) là DN có sản phẩm chính là bánh phồng tôm các loại. Năm 2009 chi phí năng lượng điện và than của DN này là trên 4 tỷ đồng để sản xuất ra gần 3,9 triệu kg sản phẩm. Kết quả khảo sát, phân tích cơ hội tiết kiệm năng lượng cho thấy, thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả điện năng công ty có thể giảm chi phí 150 triệu đồng/năm. Đa phần các giải pháp được đưa ra đều không đòi hỏi mức vốn đầu tư cao, DN có thể thực hiện với tổng thời gian thu hồi vốn chỉ khoảng 1 năm. Chẳng hạn, biện pháp quản lý năng lượng được nhận định mang lại hiệu quả cao nhất cả trước mắt và lâu dài với cơ hội tiết kiệm 85 triệu đồng mà chỉ cần đầu tư 40 triệu đồng, 5 tháng sau đã thu hồi vốn.
Qua khảo sát thực tế và kiểm toán năng lượng tại Cty TNHH – SX – TM – DV Đông Thành (xã Tân Thành, huyện Lai Vung) Trung tâm Khuyến công tư vấn và phát triển công nghiệp Đồng Tháp và ENERTEAM cũng đã đề xuất cho DN này nhiều giải pháp TKNL. Theo đó, các giải pháp TKNL có thể đem lại cơ hội giảm tiêu thụ trên 180 nghìn Kwh điện năng mỗi năm tương đương gần 16 tấn dầu quy đổi, đem lại giá trị tiết kiệm gần 170 triệu đồng/năm.
Cần đẩy mạnh hơn nữa
Với việc triển khai mạnh mẽ các dự án TKNL mà đặc biệt là hai dự án kể trên, có thể nói trong thời gian qua Đồng Tháp là đơn vị làm tốt và khá thành công. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận so với thực tế số lượng DN đang hoạt động trên địa bàn thì những đơn vị được lựa chọn tham gia dự án vẫn là con số quá nhỏ.
Ý
kiến chung của các DN được hỗ trợ kiểm toán năng lượng thì sở dĩ việc thực hiện
TKNL tại DN còn hạn chế không phải do DN chưa quan tâm mà do DN còn thiếu thông
tin đồng thời nhiều DN cũng ngại đầu tư vì lo tốn kém và hiệu quả không cao.
Ông Mai Văn Đối, Phó giám đốc TT khuyến công & tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp cho rằng, chỉ với số ít DN đã được kiểm toán năng lượng mà tiềm năng TKNL đã lên tới hàng tỷ đồng/năm. Vậy với số lượng lớn đang hoạt động, nếu thực hiện tốt công tác TKNL, mỗi năm toàn địa bàn có thể giảm chi phí lên tới con số rất lớn. Nếu không mạnh dạn đầu tư, DN sẽ không thấy được lợi ích của mình.
Ông Đối cũng khẳng định, với kết quả của các DN đã được kiểm
toán thì đa phần các giải pháp đề ra đều không quá khó để thực hiện do mức đầu
tư thấp. Hơn nữa, các giải pháp ban đầu chỉ tập trung hướng đến cải tạo trên cơ
sở trang thiết bị có sẵn nên với nội lực hiện có DN hoàn toàn có thể triển
khai. Để hỗ trợ DN các hoạt động tư vấn, tập huấn đã được TT khuyến công &
tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp thường xuyên tổ chức.
Các chuyên gia khuyến khích DN tích cực tham gia thực hiện TKNL vì lợi ích riêng của DN và vì mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Theo đó, nếu quá khó khăn trong vấn đề vốn đầu tư, ban đầu DN nên thực hiện các giải pháp nhỏ, cần vốn ít, từ đó mới dần tính đến các giải pháp phức tạp hơn.
Trần Liễu