Thứ bảy, 23/11/2024 | 23:39 GMT+7
Tiền thân là nhà máy dệt Vĩnh Phú, năm 2000 Công ty TNHH Trí
Đức (Việt Trì, Phú Thọ) tách ra tự thành lập dây chuyền thiết bị khép kín kín
từ kéo sợi, dệt, nhuộm đến hoàn tất sản phẩm. Không chấp nhận công nghệ lạc
hậu, luôn có ý
thức bảo vệ môi trường nên từ năm 2003 nhà máy đã chủ động thực hiện đánh giá
sản xuất sạch hơn cho quy trình sản xuất. Song song với đó, các giải pháp tiết
kiệm năng lượng cũng được doanh nghiệp này ứng dụng thành công.
Ông Khuất Đăng Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trí Đức cho biết, máy móc và các thiết bị trong dây chuyền sản xuất của nhà máy nhìn chung là chưa thật đồng bộ, nhiều chủng loại khác nhau do được đầu tư dần theo quá trình phát triển. Rất nhiều động cơ cũ được lắp đặt và vận hành từ những năm 1971. Do thiết bị, hệ thống cung cấp năng lượng không đồng bộ, nhiều chủng loại cho nên hiệu suất sử dụng chưa được phát huy tốt.
Để khắc phục công ty đã đầu tư lắp đặt đưa vào sử dụng nhiều
thiết bị tiết kiệm năng lượng như lắp biến tần cho máy dệt khí; sử dụng bóng
đèn tiết kiệm điện hay lắp tụ bù công suất phản kháng cho các Trạm biến áp. Với
những giải pháp đó công ty đã tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất, vận hành ổn
định đồng thời tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tiến hành kiểm toán năng lượng doanh nghiệp này còn tìm thêm
được nhiều cơ hội tiết kiệm năng lượng giúp giảm hơn nữa chi phí sản xuất. Tính
toán bước đầu cho thấy công ty có thể tiết kiệm khoảng 310 nghìn Kwh/năm tương
đương 325 triệu đồng. Thực hiện tất cả các giải pháp đề ra công ty cần đầu tư
455 triệu đồng, sau 1,4 năm có thể thu hồi.
Đơn giản như biện pháp đối với hệ thống chiếu sáng, chỉ cần thực hiện thay thế công nghệ tiết kiệm điện, tiềm năng tiết kiệm chi phí đã trên 11 triệu đồng/năm. Tại Công ty TNHH Trí Đức trước đây việc thay thế bóng đèn T10 – 40 W bằng bóng T8 – 36 W đã được thực hiện tuy nhiên số lượng bóng đèn công suất lớn, hiệu suất thấp vẫn còn nhiều. Sau khi kiểm toán chi tiết, với phương án nêu ra ước tính mỗi năm nhà máy có thể giảm tiêu thụ 10,7 nghìn Kwh/năm.
Tại khu vực xưởng dệt thoi của nhà máy nhiều động cơ cũ được lắp đặt từ những năm 1970. Các động cơ này hầu hết là sử dụng nguồn điện có điện áp là 380V. Trải qua hơn 30 năm hoạt động liên tục, đến nay hiệu suất của động cơ đã giảm. Mặt khác việc động cơ chạy liên tục trong thời gian dài trong tình trạng non tải cũng làm giảm hiệu suất của động cơ. Thay thế các động cơ chạy non tải bằng các động cơ hiệu suất cao có công suất thích hợp giúp nhà máy tiết kiệm trên 24 nghìn Kwh tương đương khoảng 25 triệu đồng/năm.
Tại khu vực xưởng dệt, với 64 động cơ đang hoạt động mặc dù nhà máy đã đầu tư cuốn lại 32 động cơ trục chính song mức tiêu thụ năng lượng hiện tại vẫn ở mức cao. Giải pháp đề xuất là lắp thêm vào mỗi động cơ chính của máy một biến tần điều khiển tốc độ động cơ theo yêu cầu của từng loại sản phẩm. Qua phân tích, giải pháp nêu trên có thể mang lại lợi ích kinh tế lên tới trên 215 triệu đồng trên năm, sau 1 năm có thể hoàn lại vốn đầu tư.
Ngoài ra các giải pháp như cải tạo hệ thống hơi, hệ thống
nén khí cũng giúp nhà máy có thể tiêt kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Lắp các
động cơ hiệu suất cao cho khu vực xưởng hồ sợi nhà máy cũng tiết kiệm khoảng 15
triệu đồng/năm. Đặc biệt, theo các chuyên gia kiểm toán, công tác quản lý năng lượng tốt có vai trò rất quan trọng giúp sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ngoài đề xuất lắp đặt đồng hồ đo đếm để kiểm
soát mức tiêu thụ điện năng cho từng khu vực các chuyên gia đề nghị nhà máy nên
thành lập Nhóm quản lý năng lượng
với người phụ trách riêng về tiết kiệm năng lượng, chịu trách nhiệm trước ban lãnh
đạo về việc thực hiện sử dụng năng lượng hiệu quả.
Trong quá trình phát triển công ty TNHH Trí Đức luôn quan
tâm tới môi trường và vấn đề sử dụng năng lượng. Hiện nay công ty đang cố gắng
giảm lượng khói thải ra từ lò hơi, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng. Ban
giám đốc đang xây dựng từng bước hoàn thiện các danh mục các dự án đầu tư tiết
kiệm năng lượng như đầu tư 30 máy dệt khí công nghệ hiện đại, kết hợp đầu tư 30
biến tần cho các máy này, cuốn lại 32 motor cho 32 máy dệt kiếm, đầu tư hệ
thống tụ bù.
Trần Linh