Theo
ông Nguyễn Trường Thiên - Giám đốc xí nghiệp: "Trước khi tham gia SXSH,
vấn đề đáng ngại nhất của xí nghiệp là việc xử lí chất thải rắn và khí
thải chưa được đầu tư đúng mức trước khi thải ra môi trường.
Trung bình
mỗi năm, xí nghiệp thải ra hơn 3.000m3 nước thải và 80 tấn
chất thải rắn (vỏ mây thải) chưa được xử lý ra ngoài môi trường. Đáng
ngại hơn, nước thải còn chứa nhiều hóa chất nguy hiểm như H2O2, NaOH, SiO2…
Bên cạnh đó, một lượng lớn khí và bụi phát tán ra không khí trong quá
trình sản xuất cũng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người lao động và
môi trường xung quanh".
Năm
2008, doanh nghiệp được Sở Công Thương Quảng Nam lựa chọn là một trong
những đơn vị đầu tiên của Quảng Nam được hỗ trợ từ Hợp phần sản xuất
sạch hơn trong công nghiệp (CPI) để ứng dụng những giải pháp SXSH. Để
triển khai các giải pháp SXSH, bước đầu, xí nghiệp đã thành lập một đội
SXSH để xem xét, xác định các trở ngại đồng thời phân tích, chọn lựa
các giải pháp tối ưu để tiết kiệm năng lượng, tài nguyên đồng thời bảo
vệ môi trường nơi sản xuất. Sau đó, xí nghiệp đã lựa chọn một loạt các
giải pháp để triển khai SXSH, trong đó, các giải pháp này chủ yếu tập
trung vào việc thay thế hệ thống tẩy mây, xây dựng hệ thống xử lí nước
thải, hệ thống sấy mây, thiết kế nắp đậy bể luộc mây, lắp đặt hệ thống
thu gom hút bụi…
Bắt
đầu bằng những giải pháp quản lý nội vi đơn giản và ít tốn kém, xí
nghiệp đã đạt được những kết quả bất ngờ. Cụ thể, trước đây, để cắt
mây, công nhân xí nghiệp thường vừa đo, vừa cắt rồi dùng gas để uốn
mây. Tuy nhiên, chỉ bằng một thay đổi đơn giản là đo, cắt xong rồi mới
uốn, xí nghiệp đã tiết kiệm được 40% tiền gas. Bên cạnh đó, với việc
lắp thêm các tấm nhựa chiếu sáng tự nhiên để tận dụng ánh sáng mặt trời
cho sản xuất, thay thế đèn sợi đốt bằng đèn compact, xí nghiệp đã tiết
kiệm được hàng chục triệu đồng tiền điện mỗi tháng.
Khi
bước vào giai đoạn 2 với những giải pháp đòi hỏi sự đầu tư lớn hơn, xí
nghiệp cũng tiếp tục thu được những kết quả khả quan. Cụ thể, trước
đây, xí nghiệp có 7 bể tẩy mây, bao gồm cả bể tẩy mây xám và tẩy mây
trắng với dung tích mỗi bể là 3m3, tẩy theo mẻ, mỗi mẻ tẩy
được 130kg mây nguyên liệu. Do bể tẩy sử dụng nhiều hóa chất và tẩy ở
nhiệt độ thường nên thời gian tẩy mây thường kéo dài (30 giờ/mẻ). Bên
cạnh đó, do được làm bằng xi măng nên bể thường bị hóa chất ăn mòn. Do
vậy, xí nghiệp đã đầu tư thay thế mới hệ thống tẩy mây bằng inox, có hệ
thống gia nhiệt. Sự thay đổi này đã giúp lượng hóa chất được sử dụng để
tẩy mây giảm 40%, thời gian tẩy mây giảm đi một nửa. Riêng ở khâu tẩy
mây này, ước tính mỗi tháng, xí nghiệp tiết kiệm được 30 triệu đồng chi
phí sản xuất.
Bên
cạnh những lợi ích về kinh tế, xí nghiệp cũng thu được những lợi ích
môi trường đáng kể từ những giải pháp này. Cụ thể, sau 2 năm triển khai
các giải pháp SXSH, xí nghiệp đã giảm được 3,7 tấn CO2 phát thải, giảm 1.300 m3 nước thải và 10.800kg hóa chất thải vào môi trường mỗi năm.
Đánh
giá về những hiệu quả của SXSH mang lại cho xí nghiệp, ông Thiên khẳng
định: "Không đơn thuần là những hiệu quả về kinh tế hay môi trường,
SXSH còn mang lại những kết quả đáng ghi nhận hơn cho xí nghiệp như
khẳng định thương hiệu, nâng cao uy tín của xí nghiệp, đặc biệt đối với
các thị trường nước ngoài. Cho nên, sau khi kết thúc hợp phần, xí
nghiệp cũng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để duy trì những kết
quả đáng ghi nhận đã đạt được thời gian qua".
Hoàng Anh