Thứ tư, 15/01/2025 | 21:37 GMT+7

Có thể tiết kiệm được 10-20% năng lượng trong chế biến thủy sản

12/09/2010

Thay đổi cách sử dụng năng lượng cũng như tận dụng chất thải từ chế biến thủy sản để phát điện có thể giúp tiết kiệm từ 10-20% năng lượng trong sản xuất, giúp DN thủy sản giảm giá thành, phát thải khí nhà kính và tận thu nhiên liệu.

Hiện Việt Nam có khoảng 17 triệu ha nước ngọt và nước lợ, trong đó có khoảng 3.260km bờ biển, tạo thành một vùng đặc quyền kinh tế rộng khoảng 1 triệu km2. Bên cạnh đó, với trên 350 DN chế biến thủy sản và trên 113 lao động đang làm việc trong ngành thủy sản, tổng sản lượng thủy sản chế biến xuất khẩu năm 2009 là 1,216 nghìn tấn (trị giá 4,25 tỷ USD). Thủy hải sản đã trở thành một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu thủy sản.


 2007122017511797384279_t.jpg


Để sản xuất thủy sản xuất khẩu, hiện nay, quy trình được diễn ra với những bước cơ bản là: Công đoạn chế biến (chủ yếu là thủ công); Phân loại; Cấp đông trong tủ cấp đông (đối với sản phẩm đông lạnh); Đóng hộp và tiệt trùng (đối với sản phẩm đồ hộp) hoặc sấy, cán, xé… (đối với sản phẩm khô); Bao gói hút chân không… Theo đánh giá của PGS.TS. Phan Minh Tân – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM: "Mặc dù là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mang lại giá trị cao cho nền kinh tế nhưng đây cũng là một ngành tiêu tốn nhiều năng lượng và có nhiều tiềm năng trong TKNL".

Cụ thể, tùy vào sự quản lý và dạng sản phẩm khác nhau mà mức tiêu thụ điện cho sản xuất thủy hải sản hiện ở mức từ 57-2.129 kWh/tấn nguyên liệu và 24-4.412 kWh/tấn sản phẩm. Cụ thể, hiện nay, lượng phân bố năng lượng chung trong chế biến thủy sản lạnh là: Thiết bị đông lạnh sử dụng 32% năng lượng; Thiết bị sản xuất đá sử dụng 22%; Kho lạnh 21%; Sản xuất nước lạnh 6%; Điều hòa không khí 4%; Chiếu sáng 4%; Bơm 2%; Các công đoạn khác là 9%.


Cũng theo đánh giá của ông Tân, khả năng TKNL của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thủy hải sản có thể đạt mức 10-20%, tập trung chủ yếu ở những bộ phận như lò hơi, hệ thống lạnh, động cơ điện. Do vậy, để TKNL cho DN cần tập trung vào những khâu này. Cụ thể, để TKNL trong lò hơi – hệ thống hơi, các doanh nghiệp nên sử dụng những lò hơi có hiệu suất cao, đồng thời bố trí và lắp đặt hệ thống phân phối hơi hợp lý.


Bên cạnh đó, hệ thống hơi cũng cần được bọc bảo ôn tại các bộ phận như đường ống dẫn hơi, hệ thống thu hồi nước ngưng… để giảm tiêu hao năng lượng tại những bộ phận này. Mặt khác, lượng nhiệt phát sinh ra từ khói thải lò hơi cũng có thể được tận dụng để gia nhiệt cho các lưu chất. Đặc biệt, khâu chuẩn bị nhiên liệu cho lò hơi cũng có thể TKNL đáng kể khi kiểm soát kỹ chất lượng nhiên liệu đầu vào và nhiên liệu được đốt bằng các thiết bị có khả năng nâng cao hiệu quả trong đốt cháy.


thuy-san-2.jpg


Một bộ phận có thể áp dụng các giải pháp TKNL hiệu quả nữa là hệ thống lạnh. Theo đó, công nghệ làm lạnh được sử dụng phải là công nghệ hiệu suất cao, đồng thời cần thường xuyên kiểm tra, vệ sinh định kỳ để duy trì tuổi thọ của thiết bị, giảm sự xâm nhập nhiệt từ bên ngoài thiết bị.


Riêng đối với động cơ điện, TKNL sẽ được thực hiện một cách triệt để khi động cơ được sử dụng là động cơ có công suất phù hợp, hiệu suất cao. Mặt khác, cần lắp thêm các thiết bị tiết kiệm điện như inverter cho động cơ để giảm tiêu hao năng lượng tại khu vực này. Vệ sinh sạch sẽ và tránh để động cơ hoạt động quá tải trong giờ cao điểm cũng là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để TKNL.


Đặc biệt, ngành chế biến thủy hải sản có lợi thế riêng biệt khi có thể tận dụng những nguồn chất thải như phế phẩm từ mỡ cá để sản xuất biodiesel – nguồn năng lượng sạch có khả năng thay thế các nguồn năng lượng khác để phục vụ cho sản xuất. Bởi phế phẩm từ quá trình sản xuất chiếm từ 20-30% nguyên liệu. Với 700.000 tấn nguyên liệu thủy hải sản phục vụ sản xuất trong 1 năm sẽ sinh ra 200.000 tấn phế thải, tương đương với 35.000 tấn biodiesel. Nếu nguồn phế thải này không được tái sản xuất và bị thải ra môi trường thì sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do vậy, sử dụng nguồn năng lượng sạch này cho sản xuất có thể giảm nguồn gây ô nhiễm, tận dụng tối đa nguyên liệu, góp phần giảm giá thành và tăng lợi nhuận cho DN.

Bảo Ngọc