Thứ ba, 05/11/2024 | 12:41 GMT+7
Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) về Sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,
Bộ Công Thương đã xây dựng đề án “Lộ trình dán nhãn năng lượng và xây dựng tiêu
chuẩn hiệu suất năng lượng giai đoạn 2010- 2015”. Bộ Công Thương đã công bố dán
nhãn năng lượng cho nhiều sản phẩm tiêu thụ năng lượng song xung quanh đó vẫn
còn nhiều thắc mắc cả từ phía doanh nghiệp (DN) và người dân.
Để giải đáp những thắc mắc đang tồn tại, chúng tôi đã có cuộc
trao đổi với ông Phương Hoàng Kim, Vụ phó Vụ Khoa học công nghệ, Phó chánh Văn
phòng TKNL, Bộ Công Thương về vấn đề này.
Xin ông cho biết mục đích của việc dán nhãn TKNL là gì?
Hoạt động dán nhãn năng lượng là biện pháp có hiệu quả nhằm
định hướng việc sử dụng các phương tiện, thiết bị hiệu suất cao, tiến tới loại
bỏ dần các phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, giảm tiêu hao năng lượng
trong sản xuất.
Thực hiện dán nhãn năng lượng sẽ tạo ra sức ép thúc đẩy các nhà sản xuất luôn phấn đấu sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao; buộc các đơn vị kinh doanh, nhập khẩu thiết bị đưa ra các sản phẩm đạt hoặc vượt tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng đã quy định và đảm bảo các thông số ghi trên nhãn, giúp người tiêu dùng chọn đúng các các sản phẩm TKNL hoặc sản phẩm có hiệu suất năng lượng mong muốn đang lưu thông trên thị trường. Với hàng triệu các sản phẩm sử dụng năng lượng có hiệu suất cao được dùng rộng rãi trong đời sống sẽ tổng hợp thành mức tiết kiệm lớn, đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho toàn xã hội.
Thứ trưởng bộ Công thương Lê Dương Quang trao chứng nhận Sản phẩm dán Nhãn Năng Lượng cho Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng đông năm 2007
Trong số các biện pháp thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả, chương trình dán nhãn sản phẩm TKNL được đánh giá là chương trình
rất thành công, đem lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng cao ở nhiều nước trên thế
giới và khu vực, đặc biệt ở Mỹ (với nhãn có biểu tượng sao năng lượng nổi tiếng),
các nước thuộc EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan ... Hoạt động
dán nhãn TKNL cũng đã được ghi trong Chương trình hành động hợp tác năng lượng
ASEAN, thông qua các kế hoach hợp tác 1999-2004 và 2004-2009.
Cho đến nay, quy định dán nhãn TKNL cho những sản phẩm tiêu thụ năng lượng vẫn chưa chính thức bắt buộc mà chỉ dừng ở mức khuyến khích. Luật sử dụng năng lượng TK &HQ đã chính thức được Quốc Hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2011. Theo đó, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành Lộ trình Danh mục trang thiết bị sử dụng năng lượng phải dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu khi lưu hành trên thị trường.
Tờ rơi cổ động cho sản phẩm đèn Compact được dán Nhãn Năng lượng
Về phía người tiêu dùng, nhãn TKNL khi xuất hiện trên thị trường đóng vai trò như một yếu tố thu hút sự chú ý cũng như thường xuyên lưu ý người tiêu dùng khi đưa ra các quyết định mua sắm thiết bị sử dụng năng lượng. Thực chất đây là một biện pháp truyền thông vô cùng quan trọng trong các hoạt động TKNL. Đối với các nhà sản xuất, một khi các sản phẩm TKNL được dán nhãn xuất hiện trên thị trường và gây sự chú ý của cộng đồng, khi đó sẽ hình thành áp lực lên các nhà sản xuất chưa dán nhãn sản phẩm TKNL, tạo động cơ để các nhà sản xuất đầu tư, nâng cao hiệu suất cho các sản phẩm được sản xuất, đem ra thị trường.
Khi tham gia Chương trình dán nhãn TKNL doanh nghiệp sẽ được nhiều lợi ích cả trước mắt và lâu dài. Lợi ích trước mắt là tăng đầu ra cho sản phẩm đồng thời DN có các sản phẩm TKNL sẽ được hưởng các ưu đãi tài chính. Về lâu dài, việc thực hiện dán nhãn TKNL chính là cơ hội để DN quảng bá thương hiệu và khẳng định uy tín trên thị trường. Dán nhãn TKNL không chỉ là tiêu chí đánh giá ý thức tham gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của DN mà thông qua đó còn tạo ra xu hướng tiêu dùng trong xã hội hiện đại.
Ông cho biết quy trình, cách thức tham gia dán nhãn cho sản phẩm?
Trình tự, thủ tục dán nhãn năng lượng được quy định chi tiết tại Thông tư số 08/2006/TT-BCN ngày 16 tháng 11 năm 2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương). Thông tư quy định chi tiết các sản phẩm được dán nhãn, cơ quan thử nghiệm cấp chứng chỉ và các tiêu chuẩn làm căn cứ đánh giá sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng và sản phẩm tiết kiệm năng lượng là Bộ Công Thương.
Theo đó, tất cả các DN có những mặt hàng tiêu thụ NL thuộc danh mục công bố được dán nhãn năng lượng đều có thể đăng ký tham gia dán nhãn. Quy trình dán nhãn phải tuân theo nhiều công đoạn khác nhau bao gồm lấy mẫu sản phẩm thử nghiệm chỉ số tiêu thụ năng lượng sau đó lập hồ sơ kỹ thuật và hồ sơ đăng ký chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng gửi về Bộ Công Thương. Trong thời hạn năm ngày kể từ khi nhận được hồ sơ Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm xem xét, đánh giá kỹ thuật với những sản phẩm đạt tiêu chuẩn TKNL và tiến hàng cấp giấy chứng nhận, dán nhãn sản phẩm. Với những hồ sơ không phù hợp sẽ có thông báo bằng văn bản yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hoàn chỉnh.
Hiện nay Bộ Công Thương đang rà soát lại Thông tư số 08/2006/TT-BCN quy định trình tự thủ tục dán nhãn sản phẩm TKNL. Về cơ bản nội dung dự thảo thông tư sửa đổi đã học tập các kinh nghiệm quốc tế quy định đầy đủ các thủ tục từ khi đánh giá, thử nghiệm đến tiến hành dán nhãn sản phẩm TKNL.
Tuy nhiên, với sự nhốn nháo của thị trường hiện nay, Bộ Công Thương đã có phương án gì để hạn chế hàng nhái, hàng giả?
Trên thực tế, rất nhiều dân lo ngại rằng sản phẩm mang đi dán nhãn thì đạt tiêu chuẩn song khi sản xuất đồng loạt bán trên thị trường thì không đảm bảo chất lượng, hoặc chất lượng sa sút theo thời gian.
Để hạn chế xảy ra những trường hợp nêu trên, Văn phòng TKNL, Bộ Công Thương cũng đưa ra cơ chế kiểm tra, giám sát sau dán nhãn. Định kỳ 6 tháng 1 lần các doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận và dán nhãn sản phẩm TKNL có trách nhiệm lập báo cáo về số lượng, chủng loại sản phẩm đã được xuất xưởng và dán nhãn TKNL gửi về Bộ. Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương dưới sự hỗ trợ về chuyên môn của Văn phòng TKNL cũng thường xuyên có những cuộc kiểm tra bất thường về sản phẩm hàng hóa đã được dán nhãn của DN đang lưu hành trên thị trường. Trong trường hợp có phát hiện sai phạm lập tức có hình thức xử phạt, đình chỉ hoặc thu hồi giấy chứng nhận TKNL.
Lộ trình triển khai dán nhãn TKNL những năm tiếp theo như thế nào, thưa ông?
Tính đến tháng 12 năm 2009 đã có 9 Công ty tham gia dán nhãn sản phẩm TKNL các sản phẩm bóng đèn huỳnh quang T8 balat điện từ và chóa đèn chiếu sáng đường phố TKNL. Số lượng sản phẩm được dán nhãn cung cấp cho thị trường tính đến giữa năm 2009 là trên 5 triệu bóng đèn huỳnh quang T8 và 2 triệu balat điện từ TKNL.
Trong thời gian tới, chương trình
dán nhãn sẽ chuyển đổi từ hình thức dán nhãn tự nguyện sang bắt buộc theo Lộ
trình. Hình thức nhãn mới sẽ bao gồm Nhãn năng lượng xác nhận (áp dụng cho những
sản phẩm hàng đầu về hiệu suất năng lượng) và Nhãn năng lượng so sánh (Sử dụng
hình thức nhãn so sánh theo cấp độ với các mức hiệu suất thể hiện theo 05 khoảng
mức nhằm so sánh hiệu suất năng lượng của các sản phẩm cùng loại trên thị trường).
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải trao chứng nhận sản phẩm dán Nhãn Năng Lượng cho Công ty cổ phần Điện Quang năm 2007
Lộ trình triển khai dán nhãn sẽ hướng đến những sản phẩm tiêu thụ năng lượng với số lượng lớn. Cụ thể theo Dự thảo Quyết định của Lộ trình, một số sản phẩm gia dụng sẽ hoàn thành việc tổ chức dán nhãn năng lượng tự nguyện đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2011 và sẽ bắt buộc sau ngày 01 tháng 01 năm 2013. Các sản phẩm đèn huỳnh quang, chấn lưu đèn huỳnh quang, máy điều hoà nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơ điện, quạt điện, tivi có mức hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu không được phép nhập khẩu và sản xuất từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.
Đối với nhóm thiết bị công nghiệp hoàn thành việc tổ chức dán nhãn nhãn năng lượng tự nguyện trước ngày 01 tháng 01 năm 2012 cho các sản phẩm Động cơ điện (công suất đến 200 kW), Nồi hơi cỡ nhỏ và trung bình, Máy biến áp ba pha (dung lượng đến 2000KVA). Từ ngày 01 tháng 01 năm 2013, các sản phẩm trên sẽ bắt buộc dán nhãn năng lượng. Các sản phẩm động cơ điện, nồi hơi cỡ nhỏ và trung bình, máy biến áp ba pha có mức hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu không được phép nhập khẩu và sản xuất từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.
Đối với nhóm thiết bị văn phòng và thương mại, hoàn thành việc tổ chức dán nhãn năng lượng lượng tự nguyện trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 cho các sản phẩm: Máy phôtô côpy, Bộ nguồn máy tính,Tủ giữ lạnh thương mại. Bắt buộc dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm này từ ngày 01 tháng 01 năm 2015. Các sản phẩm máy phôtô côpy, bộ nguồn máy tính và tủ giữ lạnh thương mại có mức hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu không được phép nhập khẩu và sản xuất từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.
Đối với nhóm sản phẩm vật liệu TKNL, tổ chức dán nhãn TKNL tự nguyện đối với các sản phẩm sử dụng công nghệ năng lượng tái tạo và sản phẩm vật TKNL sau ngày 01 tháng 01 năm 2015.
Vậy theo ông, để đề án “ Lộ trình Dán nhãn năng lượng và xây dựng tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng giai đoạn 2010- 2015” sớm đi vào cuộc sống cần có những yếu tố gì?
Sau 3 năm triển khai Chương trình dán nhãn TKNL thí điểm đã đạt một số kết quả ban đầu tuy nhiên so với kế hoạch là xây dựng tiêu chuẩn và tổ chức dán nhãn cho 5 sản phẩm TKNL thì Chương trình đã đạt được mục tiêu đề ra. Để khắc phục những hạn chế đang tồn tại trong đề án dán nhãn thí điểm ngoài khắc phục sự thiếu hụt về nhân lực và kỹ năng hay đảm bảo nguồn lực thực hiện, sự chỉ đạo, kiểm tra, đốc thúc của các cơ quan quản lý; sự quyết tâm cao, Chương trình rất cần lôi cuốn sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, đối tác liên quan.
Để hỗ trợ cho hoạt động dán nhãn TKNL, ngoài việc ban hành các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng, thời gian tới cũng cần hỗ trợ, đầu tư xây dựng hệ thống các cơ sở kiểm nghiệm thông số của các sản phẩm được các nhà sản xuất, kinh doanh đề nghị dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Hệ thống kiểm nghiệm hiệu suất thiết bị phải đạt chuẩn là điều kiện cần, đảm bảo cho hoạt động dán nhãn tiết kiệm năng lượng khả thi trong thực tế.
Và quan trọng hơn cả, để một chương trình dán nhãn nhận được sự ủng hộ của công chúng, cần đảm bảo các yêu cầu của nhãn là chính xác và hợp lý. Đối với việc dán nhãn bắt buộc, cần xây dựng lộ trình chính sách và cơ chế bắt buộc cũng như hình thức xử phạt vi phạm đối với các sản phẩm không thực hiện dán nhãn.
Xin cảm ơn ông!
Trần Liễu