Thứ bảy, 23/11/2024 | 23:21 GMT+7
Nằm tại TP Tuy Hòa, Phú Yên, Nhà máy nước khoáng Phú Sen có sản phẩm chính là nước khoáng và các loại nước giải khát nên trong quá trình sản xuất tiêu thụ khối lượng lớn năng lượng điện và nhiệt. Trước khi thực hiện kiểm toán năng lượng, bản thân nhà máy đã có nhiều biện pháp giảm tiêu hao năng lượng, đem lại hiệu quả rõ rệt.
Cụ thể, lượng than tiêu thụ từ chỗ 160 tấn năm 2008 đã giảm chỉ còn trên 60 tấn năm 2009. Nguyên nhân là do nhà máy đã áp dụng một số giải pháp tiết kiệm nhiệt như tận dụng nước ngưng trong quá trình rửa. Với giải pháp đó mỗi ngày nhà máy tiết kiệm khoảng 200kg than.
Tương tự, nhà máy cũng chủ động áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện năng như tăng cường quản lý, lắp tôn lấy sáng. Kết quả điện năng tiêu thụ đã giảm từ 432 nghìn Kwh năm 2008 xuống còn 136 nghìn Kwh năm 2009, suất tiêu thụ điện trung bình giảm 14,8%.
Không chỉ tự mình tìm ra những giải pháp hiệu quả năng lượng, để tận dụng triệt để cơ hội tiết kiệm của mình Ban lãnh đạo Nhà máy nước khoáng Phú Sen còn chủ động tìm đến sự tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia kiểm toán năng lượng thuộc Trung tâm tư vấn công nghiệp và tiết kiệm năng lượng, Sở Công Thương Phú Yên. Sau khi kiểm toán, đơn vị đã tìm ra thêm 10 giải pháp với mức tiết kiệm trên 530 triệu đồng tương đương 156 nghìns kwh điện và 65 tấn than đá. Đây là mức chi phí không nhỏ, góp phần đáng kể giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Với giải pháp thu hồi nhiệt khói thải gia nhiệt cho nước cấp lò hơi nhiệt độ cấp nước tăng từ 300C lên 600C, giảm đáng kể lượng than tiêu thụ. Qua tính toán, chỉ phải đầu tư 50 triệu đồng, mỗi năm nhà máy sẽ tiết kiệm được trên 110 triệu, như vậy chưa đầy 5 tháng đã thu hồi được vốn ban đầu.
Thông thường để giải nhiệt nước khoáng sau khi tiệt trùng công ty sử dụng phương pháp giải nhiệt glycol lạnh, theo đó công đoạn giải nhiệt từ 1000C xuống khoảng 300C tiêu tốn lượng điện khoảng 20KWh. Phương pháp giải nhiệt bằng nước tiết kiệm điện cho máy lạnh và lượng nước nóng sau khi giải nhiệt lên khoảng 60 0C, với khoảng 60 m3/ngày. Như vậy không chỉ giúp tiết kiệm điện giải pháp này còn tiết kiệm lượng than lớn thông qua việc tận dụng lượng nước nóng thu được cho quá trình rửa và làm nước cấp lò hơi. Tính theo giá trị kinh tế giải pháp này giúp tiết kiệm trên 58 triệu đồng mỗi năm.
Qua quan sát, trong dây chuyền sản xuất của nhà máy hệ thống máy nén lạnh chiếm khoảng 60% điện năng tiêu thụ lại chủ yếu vận hành vào giờ cao điểm và giờ bình thường nên mức giá phải trả trên 1200 đồng/Kwh. Trước thực trạng đó giải pháp mà nhóm kiểm toán đề xuất là sử dụng bồn trữ nước khoáng lạnh và vận hành hệ thống trong giờ thấp điểm. Giải pháp này giúp chi phí điện giảm hơn 50% do giá điện phải trả chỉ là 5540 đồng/Kwh. Ước tính doanh nghiệp được 175 triệu đồng/năm nếu đầu tư bồn trữ nước khoáng lạnh 20 m3 .
Ngoài ra các biện pháp như cải thiện hệ thống chiếu sáng hiệu suất thấp, công suất cao bằng bóng đèn tiết kiệm điện, thay đổi vị trí lắp đặt lò hơi hay bọc cách nhiệt hệ thống hơi cũng mang lợi lợi ích tiết kiệm chi phí điện và than đáng kể. Hiện tại, các giải pháp đầu tư thấp, khả năng ứng dụng cao đang được nhà máy nghiên cứu và triển khai.
Bên cạnh các phương án cải thiện thiết bị, tăng cường chế độ bảo trì, bảo dưỡng thiết bị điện, thiết bị sử dụng hơi, thiết bị tiêu thụ lạnh, nhà máy cũng đặc biệt chú ý nâng cao ý thức sử dụng năng lượng trong toàn thể cán bộ công nhân viên thông qua đào tạo, hướng dẫn. Đặc biệt, đơn vị kiểm toán cũng đề xuất nhà máy thành lập nhóm quản lý năng lượng giúp tăng cường triệt để hiệu quả sử dụng của thiết bị trong quá trình sản xuất.
Trần Liễu