Thứ sáu, 01/11/2024 | 18:28 GMT+7

Có thể tiết kiệm 2 tỷ đồng/năm chi phí năng lượng trong sản xuất sắt thép ở Bắc Ninh

28/08/2010

Với việc ứng dụng hàng loạt giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các DN sản xuất sắt thép tại Bắc Ninh, dự kiến mỗi năm các DN này có thể tiết kiệm được khoảng 2 tỷ đồng chi phí sản xuất.

Bắc Ninh hiện có trên 3.000 DN, trong đó chủ yếu là DN vừa và nhỏ, tập trung ở các ngành nghề như sản xuất sắt thép ở Châu Khê, Đình Bảng; sản xuất giấy ở Phú Lâm, Phong Khê; sản xuất gạch thủ công...
Sản xuất sắt thép vốn là thế mạnh của Bắc Ninh. Qua điều tra sơ bộ, tại khu vực Châu Khê, Đình Bảng có trên 800 DN sản xuất trong lĩnh vực sắt thép, trong đó có 100 hộ nấu thép, 80 hộ cán thép, 50 hộ kéo và rút thép, 150 hộ cán phôi tái chế và nhiều hộ sản xuất kim khí khác. Chỉ tính riêng lĩnh vực nấu và cán thép hàng năm đã cung cấp ra thị trường khoảng 200.000 tấn thép phôi; 200.000 tấn thép cán các loại, đem lại giá trị khoảng 200.000 tỷ đồng/năm.

Co-the-tiet-kiem-2-ty-dong.jpg

Tuy nhiên, để sản xuất ra khối lượng thép trên, khu vực Châu Khê, Đình Bảng đã phải sử dụng gần 200 cặp lò điện nấu thép trung tần, 100 lò cán thép liên hoàn và phản xạ, hàng ngàn động cơ điện, vài chục trạm biến áp hạ thế… Chỉ tính riêng cho nấu thép và cán thép, hàng năm, khu vực sản xuất này tiêu thụ gần 200 triệu KWh điện, 30.000 tấn than (tương đương 60.000 TOE). Tổng chi phí điện, than lên tới 150 tỷ đồng/năm.

Đây là khu vực tiêu thụ nhiều năng lượng, tổn thất rất lớn do nhiều nguyên nhân khác nhau như một số công nghệ được sử dụng tại đây đã lạc hậu hoặc không còn phù hợp; nhiều công đoạn còn sản xuất thủ công; nhiều thiết bị do người dân tự chế tạo, lắp đặt theo kinh nghiệm, không tính toán đến các yếu tố tiêu hao năng lượng; việc cải tạo, sửa chữa các thiết bị không theo thiết kế cũ; thiết bị đo đếm điện hỏng hoặc ít sử dụng; các lò nung phôi, cán thép, kéo thép, lò hơi… bảo ôn không tốt hoặc không chú trọng các giải pháp giảm nhiệt, tiết kiệm than nên gây tổn thất nhiệt lớn…

Bên cạnh đó, do thiếu vốn, thiếu tư vấn nên các DN cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận với các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Với những nguyên nhân này, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở các DN sản xuất sắt thép tại Bắc Ninh hiện rất lớn, có những công đoạn sản xuất có thể lên đến 20-50%.

thep da hoi 01.jpg
Nhận thấy rằng mục tiêu lớn nhất của các DN là giảm chi phí sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh cũng như lợi nhuận, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Ninh đã phối hợp với Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam thực hiện đề tài “Ứng dụng kỹ thuật kiểm toán năng lượng đánh giá hiện trạng sử dụng năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu vực Châu Khê, Đình Bảng, Từ Sơn”.

Bên cạnh đó, bắt đầu từ năm 2008, với sự trợ giúp của dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các DN nhỏ và vừa tại Việt Nam (PECSME), các DN đã được bảo lãnh vốn vay, đồng thời được tham gia các khóa tập huấn, các chương trình tư vấn về tiết kiệm năng lượng.
Cụ thể, để tiết kiệm năng lượng trong các DN sản xuất sắt thép, một loạt các giải pháp được chỉ ra trong đề tài đã được thực hiện tại Bắc Ninh như: Cải tạo lò cán thép phản xạ, chuyển đổi lò cán thép bằng lò khí hóa than; cải tạo lò cán phôi tái chế; lắp các thiết bị tiết kiệm điện cho các động cơ chạy non tải, không tải; lựa chọn công suất động cơ hợp lý…

Các DN còn được tư vấn thiết kế hệ thống nhà xưởng có thể tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời trong quá trình sản xuất, thay thế hệ thống bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact tiết kiệm điện…

thep da hoi 02.jpg

Sau khi áp dụng các giải pháp này, chỉ tính riêng 4 DN sản xuất sắt thép trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã tiết kiệm được mỗi năm 133.336 KWh điện, 112 tấn than và 81 tấn củi. Bên cạnh việc tiết kiệm năng lượng, các giải pháp này còn góp phần giảm 115,4 tấn khí CO2 phát thải ra môi trường.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Ninh, “nếu tất cả các DN sản xuất sắt thép tại Bắc Ninh áp dụng những giải pháp này, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở mỗi DN sẽ vào khoảng 1%, tương đương 2 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng cũng sẽ có tác động nhất định đến ý thức của chủ DN, thợ kim khí nhằm giúp họ lựa chọn công nghệ, tổ chức sản xuất hợp lý để tạo ra sản phẩm chất lượng, giá thành hạ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”.

Theo Báo Kinh tế Việt Nam