Thứ năm, 28/03/2024 | 21:39 GMT+7

Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn lắm chông gai

25/08/2010

Để đạt được mục tiêu tăng cơ cấu sử dụng năng lượng tái tạo đạt 5% vào năm 2015, vấn đề then chốt là có công nghệ tiên tiến, có chi phí hợp lý, có chính sách hỗ trợ thích hợp, khuyến khích các nhà đầu tư trong việc cải tiến công nghệ để giảm dần chi phí sản xuất năng lượng tái tạo, về lâu dài có thể cạnh tranh về giá so với năng lượng truyền thống.Trang thông tin điện tử tietkiemnangluong.com.vn đã cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Khánh Toàn, Viện trưởng Viện năng lượng, Bộ Công Thương.

Tất cả các báo cáo nghiên cứu về năng lượng tái tạo ở nước ta (bao gồm năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt,...) đều cho thấy tiềm năng là lớn. Mặc dù đã sớm tiếp cận với các công nghệ khai thác song thực tế ứng dụng vẫn còn hạn chế. “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2007 cũng chỉ đặt mục tiêu khai thác đạt khoảng 5% tổng năng lượng thương mại sơ cấp đến năm 2020 và 11% vào năm 2050.

 

toanpk.jpgVậy rào cản của năng lượng tái tạo tại Việt Nam là gì, chúng ta cần làm gì để sớm khai thác và sử dụng nguồn năng lượng sạch này? Trang thông tin điện tử tietkiemnangluong.com.vn đã cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Khánh Toàn, Viện trưởng Viện năng lượng, Bộ Công Thương.

 

Nguồn năng lượng “sạch” dồi dào

 

PV: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam?


PGS. TS Phạm Khánh Toàn: Với vị trí địa lý, khí hậu và các hoạt động nông nghiệp có thể khẳng định Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo khá dồi dào và đa dạng gồm: thủy điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sinh khối/nhiên liệu sinh học, địa nhiệt....Các nguồn năng lượng này được phân bố trải rộng trên nhiều vùng sinh thái. Trước nhu cầu sử dụng năng lượng đang gia tăng nhanh ở Việt Nam việc sớm khai thác các nguồn năng lượng đó là rất cần thiết không những góp phần giảm gánh nặng về cung cầu năng lượng khi các nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

 

Trước tiên về năng lượng gió, từ số liệu mô phỏng Ngân hàng Thế giới đã ước tính Việt Nam có thể phát triển điện gió trên diện tích chiếm khoảng 8% tổng diện tích cả nước (tương ứng 102 nghìn MW), ứng với tốc độ gió từ 7-8m/s. Để lượng hóa nhận định trên, một nghiên cứu mới đây của EVN đã bước đầu xác định được 1785MW điện gió có thể phát triển tại khu vực một số tỉnh duyên hải miền Trung.

 

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000-2.500 giờ nắng với cường độ bức xạ trung bình khoảng 4,5kWh/m2/ngày tương đương với tiềm năng khoảng 43,9 triệu tấn dầu qui đổi/năm.


 BEP NL.JPG


Là một nước nông nghiệp, hàng năm các phế thải sau thu hoạch và sau chế biến đã tạo ra một nguồn năng lượng sinh khối dồi dào, qui đổi ra dầu tương đương khoảng 43-46 triệu tấn.

 

Ngoài các nguồn năng lượng tái tạo trên, chúng ta còn có thể khai thác khí sinh học để sản xuất năng lượng và điện năng từ các bãi rác thải sinh hoạt, các trang trại chăn nuôi, cơ sở chế biến và các hộ gia đình.

 

Mặc dù chưa được đầu tư đầy đủ cho đánh giá tiềm năng kinh tế- kỹ thuật các nguồn năng lượng địa nhiệt, năng lượng biển nhưng bước đầu đã nhận dạng có thể phát triển trên 400MW điện từ địa nhiệt và thủy triều. Các vùng có tiềm năng là các tỉnh ở khu vực miền Trung của Việt Nam, một số các cửa Vịnh...

 

PV: Các nguồn năng lượng đó đang được khai thác như thế nào thưa ông?

 

PGS. TS Phạm Khánh Toàn: Tính từ năm 2000 đến nay, trên cả nước đã có một số dự án khai thác điện gió được triển khai nghiên cứu và ứng dụng như dự án điện tái tạo kết hợp trong đó có dự án 2KW điện gió + 5KW điện mặt trời tại Kon Tum, Dự án điện gió 30 KW tại Nam Định, Dự án 800 KW tại đảo Bạch Long Vĩ. Một số dự án điện gió quy mô lớn nối lưới đang trong giai đoạn lập báo cáo chuẩn bị và đầu tư. Hiện nay có một dự án 30MW tại Tuy Phong – Bình Thuận đã lắp đặt và chạy thử 5 tua bin gió, công suất mỗi tua bin là 1,5MW và hiện đang chờ cơ chế hỗ trợ giá.  

 

Về thủy điện nhỏ (công suất <=30MW), hiện nay trên cả nước đã lắp đặt và vận hành trên 400MW .

 

Hiện tại, chúng đã đã lắp đặt 150MW điện sinh khối sử dụng bã mía tại các nhà máy đường. Một dự án trình diễn thu hồi khí mê tan từ rác thải sinh hoạt tại Gò Cát, TP HCM với công suất 2,5MW. Một số dự án sử dụng trấu cho phát điện tại vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long đang được xem xét đầu tư.   

 

Tuy nhiên, nhìn chung các dự án khai thác năng lượng tái tạo ở nước ta mới chỉ phát triển ở một số lĩnh vực và nguồn trọng tâm với quy mô, số lượng nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng. Tỷ lệ các nguồn điện tái tạo trong tổng nguồn điện còn thấp. Vì vậy, để việc khai thác mạnh mẽ hơn, có hiệu quả hơn các nguồn năng lượng tái tạo này cần thiết phải có đánh giá, tổng kết một cách bài bản chi tiết để làm sáng tỏ các thách thức và cơ hội.  


Để ứng dụng rộng vẫn còn là bài toán khó

 

PV: Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

 

PGS. TS Phạm Khánh Toàn: Đặc tính của năng lượng tái tạo là phụ thuộc nhiều vào các điều kiện thiên nhiên (nước, mặt trời, gió, địa điểm…) trong khi khí hậu Việt Nam rất phức tạp. Hơn nữa, muốn khai thác thành công các nguồn năng lượng này lại đòi hỏi chi phí cao do công nghệ hiện đại, hiện đa phần phải nhập khẩu từ nước ngoài.


 mat troi 1.jpg


Chẳng hạn với điện mặt trời, mặc dù tiềm năng rất “sẵn” song hiện trong nước công nghệ thiết bị chưa hoàn toàn tự chế tạo được do đó chi phí điện thành phẩm rất cao. Khi hòa lưới điện quốc gia, điện mặt trời sẽ có giá gấp từ 3 đến 6 lần điện truyền thống. Nhà nước cũng không thể bù lỗ mãi, đây chính là nguyên nhân chính khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.


PV: Rõ ràng, bài toán mở rộng thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn còn nhiều chông gai để đi đến lời giải?

 

PGS. TS Phạm Khánh Toàn: Quả đúng như thế, với bài toán năng lượng tái tạo không phải Việt Nam chưa có cái nhìn đúng đắn tuy nhiên chúng ta còn thiếu rất nhiều yếu tố để đi đến thành công. Với những nguyên nhân đã nêu ở trên, để phát triển trong tương lai Nhà nước cần có thêm các cơ chế chính sách mạnh hơn nữa như: cơ chế hạn ngạch, cơ chế giá hợp lý, cơ chế đấu thầu hợp đồng và cơ chế vay tín dụng, cơ chế miễn giảm thuế. Có như thế các nhà đầu tư mới mạnh dạn tham gia vào thị trường bởi phần nào giúp giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh.

 

Bên cạnh đó, rào cản kìm hãm sự phát triển năng lượng tái tạo cũng phải kể đến như thiếu thông tin về công nghệ, nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu.


Cần sự hỗ trợ nhiều mặt

 

PV: Ông đánh giá thế nào về sự tham gia của doanh nghiệp đối với các dự án năng lượng tái tạo?

 

PGS. TS Phạm Khánh Toàn: Trong khi nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo rất cần sự tham gia đầu tư từ phía các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy, với tiềm năng kể trên các nhà đầu tư đã bắt đầu quan tâm đến các dự án điện gió, thủy điện nhỏ, điện sinh khối, kể cả điện mặt trời. Trong số đó một sốt doanh nghiệp đã thành công. Đó chính là những tín hiệu lạc quan, là động lực kích thích đầu tư vào lĩnh vực đầy triển vọng này.


tuyphong- 5 tuoc-bin.jpg


Có thể kể ra đây những dự án năng lượng tái tạo lớn hiện nay được xây dựng từ vốn đầu tư của doanh nghiệp như nhà máy điện gió Tuy Phong (Bình Thuận),  các dự án chiếu sáng sử dụng sức gió và năng lượng mặt trời tại khu công nghệ cao Láng-Hòa Lạc và Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh hay như các dự án do Công ty cổ phần năng lượng Mặt trời Đỏ TP HCM thực hiện trong lĩnh vực sản xuất pin mặt trời.

                       

PV: Vai trò của nhà nước là gì? Là chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực năng lượng tái tạo theo ông Nhà nước cần có những việc làm cụ thể gì để khuyến khích tham gia thị trường tái tạo?

 

PGS. TS Phạm Khánh Toàn: Để đạt được mục tiêu tăng cơ cấu sử dụng năng lượng tái tạo đạt 5% vào năm 2015, vấn đề then chốt là có công nghệ tiên tiến, có chi phí hợp lý, có chính sách hỗ trợ thích hợp, khuyến khích các nhà đầu tư trong việc cải tiến công nghệ để giảm dần chi phí sản xuất năng lượng tái tạo, về lâu dài có thể cạnh tranh về giá so với năng lượng truyền thống.

 

Để đạt được mục tiêu đó vai trò của Nhà nước là rất quan trọng thông qua cơ chế, chính sách. Tuy vậy, hiện tại Việt Nam Nam chưa có cơ chế hỗ trợ đủ mạnh cho phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ giá. Các dự án đa phần phát triển nhỏ lẻ, do doanh nghiệp tự bỏ tiền làm. Trong khi đó kinh nghiệm từ các nước Tây Âu, Mỹ và Trung Quốc cho thấy, muốn phát triển năng lượng tái tạo cần có sự tham gia mạnh mẽ của Nhà nước vào các dự án lớn kể cả ở mức độ nghiên cứu và ứng dụng.

 

Nói như thế không có nghĩa là tương lai của ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam quá xa xôi. Hiện tại Chính phủ đã nhìn thấy tầm quan trọng để đảm bảo rằng các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có của Việt Nam sẽ được xem xét phát triển và các rào cản hiện nay về cơ chế cũng như tài chính sẽ dần được khắc phục trong thời gian tới. 


Xin cảm ơn ông.

 

Trần Liễu