Thứ hai, 06/01/2025 | 12:58 GMT+7

Nhiên liệu sinh học tạo cơ hội để nông dân trực tiếp tham gia vào công nghiệp hóa

12/08/2010

Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp NLSH Việt Nam đang tăng tốc nhanh. Theo kế hoạch, đến năm 2011, cả nước sẽ có 5 nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu đi vào hoạt động với tổng công suất 365.000 tấn/năm đủ để pha chế 7,3 triệu tấn xăng E5. Phấn đấu đến năm 2025, công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học ở nước ta đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 1,8 triệu tấn, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu xăng dầu của cả nước.

Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp NLSH Việt Nam đang tăng tốc nhanh. Theo kế hoạch, đến năm 2011, cả nước sẽ có 5 nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu đi vào hoạt động với tổng công suất 365.000 tấn/năm đủ để pha chế 7,3 triệu tấn xăng E5. Phấn đấu đến năm 2025, công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học ở nước ta đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 1,8 triệu tấn, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu xăng dầu của cả nước.

 

Hiện tại, PVN (Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam) đang triển khai xây dựng 3 nhà máy sản xuất ethanol tại huyện Tam Nông (Phú Thọ), Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) và huyện Bù Đăng (Bình Phước). Cả ba nhà máy đều dự kiến đi vào sản xuất từ năm 2011.


Theo kế hoạch ban đầu khi nhà máy NLSH tại Bình Phước đi vào hoạt động sẽ thu mua 240 nghìn tấn sắn/năm, tạo công ăn việc làm ổn định  cho hơn 15 nghìn hộ nông dân trồng sắn ở các vùng hẻo lánh và nghèo của hai tỉnh Bình Phước và Ðắc Nông.

 banxangsinhhoc3.jpg

Năm 2009, sản lượng sắn cả nước đạt gần 10 triệu tấn. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hàng triệu tấn sắn khô sang các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Nhưng để phát triển ngành nhiên liệu sinh học (NLSH), Việt Nam sẽ giảm tỷ lệ xuất khẩu sắn nguyên liệu thô để cung cấp cho các nhà máy sản xuất ethanol trong nước.

 

Với địa hình ¾ là đồi núi, sắn là loại cây rất thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng Việt Nam. Đặc biệt là trung du và miền núi phía Bắc, Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên là những vùng thuận lợi cho sự phát triển lâu dài của cây sắn.

 

Ông Nguyễn Xuân Sơn – Tổng giám đốc công ty dầu Việt Nam cho biết: “Ðiều quan trọng là chúng tôi không dừng ở việc thu mua. Trong chiến lược nguyên liệu toàn diện của tổng công ty, chúng tôi đã có quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng hệ thống thu mua và cung ứng các dịch vụ cho nông dân từ giống, kỹ thuật, tín dụng, tư vấn và thông tin”.

 

Ðề án NLSH sẽ tạo cơ hội để người nông dân nghèo trực tiếp tham gia vào công cuộc công nghiệp hóa, giúp giảm dần chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị - nông thôn; đồng bằng - miền núi. Sắn tiêu thụ tại nhà máy trong nước sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận chuyển và chi phí trung gian so với sắn xuất khẩu làm nguyên liệu công nghiệp ở nước ngoài. Vì vậy thu nhập của bà con sẽ ổn định hơn. Bên cạnh đó, giá sắn cũng như lượng sắn xuất khẩu phụ thuộc rất nhiều vào biến động của thị trường thế giới, trong khi các nhà máy trong nước cam kết tiêu thụ ổn định với mức giá sàn bảo đảm thu nhập cho bà con nông dân.

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện việc xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất, sử dụng nhiên liệu sinh học (NLSH), mạng lưới thí điểm cung cấp nhiên liệu sinh học và các mô hình thử nghiệm sản xuất dầu diesel sinh học (B5).

Sản phẩm xăng sinh học E5 sau khi ra thị trường Tp.HCM, Hà Nội, Vũng Tàu, Hải Phòng và Hải Dương với trên 20 điểm bán đầu tiên trong tháng 8 từ đã thu được những tín hiệu rất đáng khích lệ. Xăng sinh học (kí hiệu EX, trong đó, X là %  ethanol nhiên liệu biến tính trong công thức pha trộn xăng sinh học) là hỗn hợp của xăng truyền thống và cồn sinh học (bio-ethanol), được sử dụng làm nhiên liệu cho các loại động cơ đốt trong như xe gắn máy, ô tô.

 

Bên cạnh việc giảm lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt do được sản xuất từ nguồn nguyên liệu tái tạo có khả năng phân hủy sinh học thì xăng sinh học còn góp phần giảm hiệu ứng nhà kính do độ phát thải khí nhà kính ít hơn so với xăng truyền thống. Đây chính là lý do mà chính phủ Việt Nam đã xác định ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học là ngành công nghiệp mũi nhọn nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì xây dựng mạng lưới phân phối và tiêu thụ sản phẩm nhiên liệu sinh học trong phạm vi cả nước; xây dựng và ban hành Quy chế phân phối, sử dụng nhiên liệu sinh học. Đồng thời, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, ban hành các quy chuẩn quốc gia trong sản xuất và phân phối sản phẩm nhiên liệu sinh học; phối hợp với Ban Điều hành liên ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp thực hiện các đề án, dự án bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Định kỳ 6 tháng báo cáo Thủ tướng kết quả cụ thể việc triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ hoạt động và các dự án, đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện các nội dung, nhiệm vụ hoạt động và các dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu cho từng dự án sản xuất nhiên liệu sinh học cụ thể.


E5.jpg


Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Phú Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương: “Năm 2009 chính thức đánh dấu năm ra đời của ngành công nghiệp NLSH tại Việt Nam, đặc biệt là nhóm ngành sản xuất ethanol nhiên liệu nhờ nguồn nguyên liệu sẵn có (sắn, mía). Theo kế hoạch, đến năm 2011, cả nước sẽ có 5 cơ sở sản xuất ethanol nhiên liệu với tổng công suất thiết kế khoảng 365.000 tấn/năm, đủ để pha 7,3 triệu tấn xăng E5, vượt mục tiêu của Đề án đề ra cả về số lượng và thời hạn”.

 

Xăng nhiên liệu sinh học E5 (hay còn gọi là gasohol) là hỗn hợp của 95% xăng không chì và 5% ethanol nhiên liệu biến tính (nồng độ 97%). Tiêu chuẩn pha 5% cồn sinh học vào xăng A92 được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, do Cục quản lý Đo lường chất lượng và Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận. Trước kia, cồn sinh học được nhập khẩu từ nước ngoài nhưng tới đây, khi các nhà sản xuất của PVN đi vào hoạt động thì nguồn nguyên liệu sẽ được chủ động hơn.

Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đã bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học, đặc biệt là các nước Châu Âu và các nước phát triển. Các hãng sản xuất xe nổi tiếng thế giới như Honda, Toyota, GM, Ford… đã sản xuất các các dòng ô tô xuất xưởng có khả năng sử dụng xăng sinh học tới mức E10 mà không cần hoán cải động cơ. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Trung Quốc đều đã sử dụng loại xăng này.

 

Theo kế hoạch, đến năm 2012, các nhà máy sản xuất ethanol của PVN sẽ cung cấp khoảng 240 - 300 triệu lít/năm. Cùng với sản lượng của các nhà máy ethanol do các nhà đầu tư khác đang triển khai, lượng cung nhiên liệu sinh học trong nước thời gian tới kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đồng thời đảm bảo đầu ra ổn định cho cây sắn của bà con nông dân.

 

Việc đưa xăng sinh học E5 vào phục vụ thị trường Việt Nam đánh dấu một bước phát triển mới trong ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam. Xăng sinh học E5 không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn.

Hoàng Tuyết