Thứ bảy, 23/11/2024 | 08:08 GMT+7
Điện “công” cứ dùng vô tư
Theo các chuyên gia trong ngành điện thì có nhiều yếu tố dẫn tới tình trạng các đơn vị, DN, cơ quan còn chưa tiết kiệm điện như: Thiết bị sử dụng điện còn quá lạc hậu, ý thức của người sử dụng điện còn hạn chế, việc quản lý nguồn nguyên liệu này còn lỏng lẻo... Riêng về tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp, Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TPHCM vừa khảo sát trong DN thì lượng điện tiêu thụ thuộc khối này chiếm từ 25 - 65% tổng lượng điện năng. Qua kiểm toán 600 DN cho thấy, chỉ có 3 DN có hệ thống sử dụng năng lượng tiên tiến, còn lại đều sử dụng điện lãng phí...
Ông Nguyễn Thanh Toàn - chuyên viên kỹ thuật Trung tâm Tiết
kiệm năng lượng TPHCM cho rằng: “Nhiều biện pháp tiết kiệm điện đơn giản, nếu
áp dụng sẽ tiết kiệm được ít nhất từ 5 - 10% nhưng nhiều DN vẫn chưa thực hiện.
Chẳng hạn như ý thức việc tắt mở thiết bị điện, sử dụng máy điều hoà hợp lý”.
Theo ông Phạm Huy Phong - Trưởng ban cố vấn Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM: “Vì là điện “công”, cá nhân không phải trả tiền nên các nhân viên văn phòng thường có suy nghĩ dùng thoải mái và hay quên tắt các thiết bị điện trong công sở, toà nhà cao tầng. Ngoài yếu tố ý thức của người sử dụng điện, việc lãng phí điện năng tại khu vực này còn bao gồm yếu tố các thiết bị văn phòng sử dụng điện như: Đèn chiếu sáng, máy điều hoà nhiệt độ... chưa được lắp đặt, thiết kế và sử dụng hợp lý”.
Còn tại TP.Hà Nội, mặc dù UBND TP.Hà Nội đã có Chỉ thị số 10/CT - UBND về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm điện và hiệu quả trên địa bàn thành phố nhưng tình trạng lãng phí điện năng vẫn diễn ra. Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.Hà Nội vừa có đợt khảo sát tại 80 toà nhà cao ốc lớn của thành phố với 3 nhóm đối tượng: Sở, ban, ngành, UBND các quận huyện, TCty... Qua kiểm tra thực tế, việc lãng phí điện vẫn còn xảy ra ở tất cả các nhóm đối tượng. 85% số đối tượng được điều tra, khảo sát còn sử dụng những dụng cụ chưa tiết kiệm điện như hệ thống thiết bị đèn huỳnh quang cũ (T10), sử dụng chấn lưu sắt từ.
Có thể tiết kiệm điện từ 25 - 40% nếu...
Theo Phòng Quản lý năng lượng - Sở Công thương TPHCM: Sản lượng điện tiết kiệm giữa các năm gần đây đã có chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2010, TPHCM đã tiết kiệm được 111,4 triệu kWh, đạt 111,58% so với kế hoạch đề ra. Trong số này, khu vực chiếu sáng công cộng đã tiết kiệm được 37,8 triệu kWh, chiếm 33,9%; các đơn vị hành chính sự nghiệp tiết kiệm được 17,2 triệu kWh, chiếm 15,5%; nhóm sản xuất tiết kiệm được 36,8 triệu kWh, và thắp sáng sinh hoạt tiết kiệm được 19,5 triệu kWh, chiếm tỉ lệ 17,5%.
Tuy nhiên theo Bộ Công thương, tiềm năng tiết kiệm năng lượng theo từng ngành hiện nay vẫn còn khá cao. Nếu thực hiện đầy đủ các giải pháp tiết kiệm điện sẽ góp phần giảm lượng điện tiêu thụ rất lớn. Chẳng hạn trong ngành sản xuất ximăng vẫn còn khả năng tiết kiệm đến 50%, các toà nhà thương mại 25%... Tuy vậy, hiệu quả tiết kiệm điện năng của nhiều đối tượng vẫn còn hạn chế. Theo khảo sát của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM: Tiềm năng tiết kiệm điện tại các công sở là 25 - 40%.
Tại Hà Nội, việc chuyển biến trong ý thức của các DN bước đầu đã có kết quả đáng khích lệ. Qua các năm 2008 - 2009, 2009 - 2010, số DN, đơn vị tiêu thụ điện năng trọng điểm bước đầu có ý thức báo cáo sử dụng điện năng 1 năm/lần đã tăng lên, tuy nhiên, tỉ lệ này tăng hàng năm chưa cao.
Dù các đơn vị, bộ, ngành đã đề ra nhiều chương trình về sử dụng năng lượng tiết kiệm và đã có các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên trên thực tế vấn đề này vẫn khó giải quyết được trong ngày một, ngày hai.
Ông Trần Anh Hào - Trưởng phòng Quản lý năng lượng - Sở Công thương TPHCM cho biết: “Hầu hết các cơ quan, đơn vị đều có xu hướng sẽ dần thay thế các thiết bị tiết kiệm điện khi những thiết bị cũ không còn sử dụng được. Nếu thay thế những thiết bị tiêu hao điện năng nhiều được trang bị trước đây bằng các thiết bị mới để tiết kiệm điện thì không lãng phí điện năng nhưng lại trở nên lãng phí tài sản công hiện có”.
Để đưa ra giải pháp quản lý hiệu quả điện năng tiêu thụ, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó TGĐ TCty Điện lực Hà Nội - cho rằng: “Vì trong hợp đồng mua bán điện không có điều khoản ràng buộc với khách hàng về mức tiêu thụ điện năng vì vậy để nâng cao ý thức của DN, đơn vị ngoài việc kiểm toán năng lượng theo quy định cần đề ra mức thuế, giá điện hợp lý. Đối với khối cơ quan HCSN cần có định mức, Nhà nước cấp phát vốn theo số lượng nhân viên, thiết bị, máy móc... còn DN phải đề ra giải pháp tiết kiệm điện dựa trên số lượng nhân viên. Làm được như vậy, việc tiết kiệm năng lượng chắc chắn sẽ hiệu quả hơn”.
Theo Báo Lao động