Thứ bảy, 23/11/2024 | 08:21 GMT+7

Phát triển năng lượng sạch

09/08/2010

Việt Nam được xếp hạng nhất nhì Đông Nam Á về lượng nắng, nhưng hiệu quả khai thác nguồn tài nguyên này ở ta chưa tương xứng. Nhiều chuyên gia khoa học khẳng định, nước ta đang bước quá chậm trên con đường sử dụng năng lượng tái tạo.

Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời (NLMT) bắt đầu du nhập vào Việt Nam thông qua các dự án tài trợ của chính phủ Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, Đức. Nhiều công trình điện mặt trời đã được đưa vào ứng dụng - chủ yếu đáp ứng nhu cầu dùng điện của bà con vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, nơi chưa có điện lưới quốc gia. Đáng tiếc là những thành quả trên chỉ dừng ở mức thử nghiệm.

 

Hiện số ít doanh nghiệp trong lĩnh vực điện mặt trời mạnh dạn đầu tư nhiều dự án chiếu sáng dùng NLMT đang gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là do nước ta chưa có ngành công nghiệp điện mặt trời nên toàn bộ thiết bị phải nhập với giá rất cao, trong khi các tỉnh, thành phố chưa mạnh dạn ứng dụng công nghệ này vào công trình công cộng.


 first-solar_fontana.jpg


Một lý do nữa hiện Nhà nước chưa có luật cho phép đơn vị sản xuất điện tư nhân được đấu nối lưới điện nên các doanh nghiệp muốn đấu nối vào lưới điện phải phụ thuộc vào kết quả thương thảo với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

 

Thêm vào đó, Nhà nước chưa xây dựng chính sách hỗ trợ về thuế và giá cho các DN sản xuất “điện sạch” càng khiến các nhà đầu tư khó lấy thu bù chi, cũng là rào cản hạn chế đầu tư vào lĩnh vực này.

 

Có thể nói, cơ chế độc quyền mua và bán điện đã khiến cho ngành công nghiệp năng lượng nước ta phát triển chậm, thường đứng trước khủng hoảng thiếu năng lượng. Nhiều chuyên gia năng lượng ví von, Việt Nam đang “đi bộ” trên con đường phát triển năng lượng nói chung và năng lượng sạch nói riêng. Nếu cứ tiếp tục như thế, nước ta bao lâu nữa mới phát triển được năng lượng sạch như mong muốn?

 

Theo Báo SGGP