Thứ bảy, 02/11/2024 | 07:22 GMT+7

Nhựa Thăng Long tìm kiếm cơ hội tiết kiệm năng lượng

26/07/2010

Là một doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng lớn, năm 2009, Công ty Cổ phần Nhựa Thăng Long được lựa chọn tiến hành kiểm toán năng lượng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Dưới sự hỗ trợ của nhóm kiểm toán năng lượng – Trung tâm thí nghiệm điện- Công ty điện lực I, Nhựa Thăng Long đã tìm ra 6 giải pháp tiết kiệm năng lượng với cơ hội tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng mỗi năm.

Được thành lập từ những năm 90 của thế kỷ trước, dây chuyền sản xuất, máy móc và các thiết bị phụ trợ đều không đồng bộ, hiệu suất thấp dẫn đến mức tiêu hao năng lượng lớn. Để tìm kiếm các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, công ty Cổ phần nhựa Thăng Long đã tiến hành kiểm toán năng lượng, áp dụng nhiều biện pháp giúp giảm chi phí điện năng, nâng cao hiệu suất sử dụng.


nhua hong ha 02.jpg

Là một doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng lớn, năm 2009, Công ty Cổ phần Nhựa Thăng Long được lựa chọn tiến hành kiểm toán năng lượng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Dưới sự hỗ trợ của nhóm kiểm toán năng lượng – Trung tâm thí nghiệm điện- Công ty điện lực I, Nhựa Thăng Long đã tìm ra 6 giải pháp tiết kiệm năng lượng với cơ hội tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng mỗi năm.

 

Ông Lê Hoàng, Giám đốc công ty “ Hiện nay công ty đã tiến hành nhiều biện pháp quản lý định mức tiêu thụ năng lượng, nhất là định mức tiêu thụ điện. Ban lãnh đạo công ty luôn coi việc giảm tiêu hao nhiên liệu, điện và nước là vấn đề sống còn, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt môi trường, cần được quan tâm trong tương lai”.

 

Cũng giống cách làm của nhiều doanh nghiệp, cải thiện hệ thống chiếu sáng chi phí thấp, dễ thực hiện mà hiệu quả tiết kiệm cao. Nhà xưởng tại Công ty Cổ phần Nhựa Thăng Long đều sử dụng các bóng 200W hiệu năng thấp. Thay thế 194 bóng đèn hiện có bằng các bóng 80W có thể tiết kiệm 128 nghìn kwh/năm tương đương cơ hội giảm chi phí trên 124 triệu đồng.


 nhua hong ha 01.jpg


Tại khu vực bơm nước công nghiệp các chuyên gia kiểm toán đề xuất lắp đặt thêm 1 ống góp đầu đẩy chung cho các bơm giúp dễ dàng nhận biết tình trạng mang tải của bơm. Theo đó trong quá trình vận hành chỉ cần giám sát áp lực đầu đẩy và đầu hút. Khi áp lực đầu đẩy tăng có nghĩa hộ tiêu thụ dùng ít nước lúc đó cần giảm bơm hoặc khép bớt phụ tải bơm để giảm điện sử dụng. Với giải pháp này mỗi năm công ty có thể tiết kiệm trên 12 triệu đồng, đòi hỏi mức đầu tư 24 triệu đồng.

 

Quản lý hiệu quả năng lượng cũng là đề xuất mà các chuyên gia kiểm toán rất lưu tâm. Theo anh Hoàng Văn Phi, Trưởng nhóm kiểm toán thì việc lắp đặt các đồng hồ đo phụ tải tại các điểm sử dụng năng lượng có ý nghĩa quan trọng. Điều này là bước đầu tiên giúp người quản lý trong việc giám sát năng lượng, tính toán tiêu thụ năng lượng hàng tháng trên mỗi sản phẩm từ đó chọn ra định mức tiêu thụ thấp nhất làm mục tiêu cho hoạt động sản xuất của công ty.

 

Hưởng ứng Chương trình quốc gia của về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Công ty chúng tôi đã đặt quyết tâm giảm chi phí trong sản xuất đặc biệt là chi phí điện năng để hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

 

Từ một doanh nghiệp nhỏ, đến nay chúng tôi tự hào đã xây dựng cho mình một bộ máy quản lý gọn nhẹ, đội ngũ nhân viên có tay nghề. Công ty đã mạnh dạn đầu tư nhiều máy móc, dây chuyền sản xuất công nghệ cao hiện đại, sản xuất trên 50 sản phẩm nhựa chất lượng. Trước những nỗ lực đó, hệ thống quản lý sản xuất của công ty đã được cấp chứng chỉ chất lượng tiêu chuẩn ISO 9001-2000.

 

Ông Lê Hoàng, Giám đốc công ty Cổ phần Nhựa Thăng Long

Tại Công ty Cổ phần Nhựa Thăng Long, qua tính toán làm tốt công tác quản lý, xây dựng định mức tiêu thụ, giám sát thực hiện có thể tiết kiệm từ 2 đến 10% năng lượng tiêu thụ. Lắp đặt các đồng hồ đo phụ tải có thể tiết kiệm khoảng 2% năng lượng tiêu thụ.

 

Công ty có 15 máy ép phun hoạt động nhưng chỉ có 6 máy lạnh phục vụ cho việc làm mát khuôn. Các máy khuôn còn lại phải dùng nước thường làm mát khuôn nên thời gian làm mát lâu, kéo theo thời gian sản xuất 1 đơn vị sản phẩm dài, tiêu tốn điện năng. Phương án trang bị thêm 6 máy lạnh cho các máy ép phun được đánh giá là giải pháp hữu hiệu giúp giảm chi phí và thời gian sản xuất. Được biết, giải pháp này đòi hỏi mức đầu tư tương đối lớn khoảng 500 triệu đồng, có thể tiết kiệm trên 76 triệu đồng mỗi năm. Đây là phương án đầu tư dài hạn, đang được ban lãnh đạo công ty cân nhắc áp dụng.

 

Đặc biệt, qua khảo sát nhận thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng khi lắp biến tần cho các máy ép phun, máy đùn thổi và máy nén khí là rất lớn. Với giá điện trung bình 968đ/kwh, mỗi năm có thể tiết kiệm khoảng 739 nghìn kwh thì số tiền tiết kiệm được là trên 716 triệu đồng.

 

Ngoài việc chú trọng tiết kiệm điện năng, sử dụng hiệu quả nguồn nước cũng được công ty quan tâm. Mỗi năm chi phí nước tại đây khoảng 230 triệu đồng. Biện pháp nhỏ như vệ sinh bể nước làm mát chung, bố trí tạo phun mưa tại bể của máy lạnh có thể tiết kiệm được 77 nghìn m3/năm đồng thời giảm chi phí điện năng chạy máy bơm khoảng 10 nghìn kwh.


Trần Linh