Thứ năm, 07/11/2024 | 09:42 GMT+7

Người nghèo được hưởng lợi trực tiếp

26/07/2010

Năng lượng mặt trời, một nguồn năng lượng vô cùng dồi dào dường như vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, những điều chúng tôi ghi nhận được về những giải pháp sử dụng năng lượng mặt trời có thể là một lời giải khá hữu hiệu trong thời điểm nguồn nước cho thủy điện ngày càng bất ổn, nhiên liệu dự trự đã dần cạn kiệt.

Những chiếc bếp đặc biệt


Hàng trăm người có mặt tại Đà Nẵng đã thực sự bị thuyết phục khi chứng kiến những thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời do Tổ chức phục vụ năng lượng mặt trời (Solar Serve) và Trường Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức đầu tháng 6-2010 vừa qua. Với tôi, đã làm quen những chiếc bếp sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên vô tận này từ năm 2007, đặc biệt ngày 13-4-2009, Ban tổ chức giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) trao giải nhì cho đề tài “Nghiên cứu triển khai ứng dụng thiết bị bếp nấu năng lượng mặt trời” của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng do PGS.TS Hoàng Dương Hùng chủ trì. Những chiếc bếp năng lượng mặt trời giờ đây đã được sử dụng khá phổ biến ở miền Trung, đặc biệt với người dân nghèo ở hai tỉnh là Quảng Trị và Đà Nẵng.


HE THONG LOC NUOC.JPG


Hệ thống lọc nước bằng NLMT


Ấn tượng nhất với những người có mặt là hai thiết bị bếp năng lượng mặt trời và thiết bị lọc nước sử dụng năng lượng mặt trời. Chỉ trong khoảng thời gian 1 giờ đồng hồ, sử dụng bếp năng lượng mặt trời, một người phục vụ có thể hoàn thành một mâm cơm gia đình với đủ các món ăn nóng sốt, kể cả món canh xương hầm. Ngoài việc hoàn toàn không tốn một đồng nào cho việc mua nhiên liệu, những chiếc bếp này đã chứng minh một ưu điểm thuyết phục là không gây ô nhiễm môi trường bởi không có khói bụi, bảo vệ sức khỏe cho người phụ nữ-những người đã hằng ngày phải chịu ô nhiễm từ việc đun nấu than, củi, rơm rạ.


Riêng với những chiếc máy lọc nước sử dụng năng lượng mặt trời, từ những nguồn nước rất ô nhiễm nhưng nước sau khi được lọc sạch đã hoàn toàn có thể sử dụng ngay được. Những người của tổ chức Solar Serve đã chứng minh tính tinh khiết của nước bằng cách uống ngay nước vừa mới lọc ra. Sở dĩ nước lọc này rất tinh khiết bởi nó dựa trên nguyên tắc ngưng tụ nhờ sự chênh lệch nhiệt độ. Nguồn nước ngưng tụ trên mặt kính hoàn toàn không tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm lấy để lọc. Tổ chức Solar Serve đã cấp miễn phí những chiếc bếp này cho nghèo ở các vùng sâu, vùng xa. Đến thời điểm này, đã có 3.000 chiếc bếp năng lượng mặt trời được cấp cho đồng bào nghèo.


Trong những năm qua dự án đã hỗ trợ cho đồng bào nghèo ở các địa phương như Phan Rang, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị… Tại Đà Nẵng, tổ chức Solar Serve đã hỗ trợ thành lập một làng bếp năng lượng mặt trời kiểu mẫu. Đó là làng Bình Kỳ 2, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Đặc biệt tại Quảng Trị, một tỉnh mà hầu hết người dân nông thôn, miền núi đều đun nấu bằng củi, rơm, rạ nên rất bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị đã hợp tác với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng để thực hiện đề tài “ Nghiên cứu triển khai ứng dụng thiết bị năng lượng mặt trời tại vùng nông thôn, miền núi tỉnh Quảng Trị”.


Hiện tại đề tài đang được thí điểm tại thôn Gia Đẳng 1, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong với hơn 70 hộ dân tham gia (mỗi hộ được trang bị một bếp Parabol có giá 1,5 triệu đồng). Đến thời điểm này, có thể thấy, đề tài đã có giá trị rất tốt, người dân ủng hộ rất cao lựa chọn sử dụng bếp năng lượng mặt trời.


Những ưu điểm đã được kiểm chứng


Ở thời điểm hiện tại, nguồn năng lượng mặt trời chưa thể thay thế được những nguồn năng lượng dữ trự khác. Những chiếc bếp năng lượng mặt trời chưa thể thay thế được việc đun nấu bằng khí gas, than, nhưng nó có thể là sản phẩm hỗ trợ cách đun nấu truyền thống đắc lực. Giá thành một chiếc bếp sử dụng năng lượng mặt trời khoảng 1,5 triệu đồng. Đây là mức giá không quá cao và khá phù hợp với đồng bào nghèo. Điều đặc biệt là những thiết bị để làm ra những chiếc bếp năng lượng mặt trời này có phổ biến.


 BEP NL.JPG


Bếp năng lượng dùng đun nấu


Với những tấm i-nốc nhỏ ghép lại theo hình một chiếc chảo pa-ra-bôn có đường kính chảo khoảng 1m cho những chiếc bếp gia đình. Với những chiếc bếp cho bếp ăn tập thể thì đường kính sẽ được làm to hơn, có thể lên tới 8m. Cách sử dụng nó cũng đơn giản. Nhiệt độ tối đa của bếp tập thể có thể đạt đến 450 độ C, nấu ăn hằng ngày cho khoảng 50 người ăn. Người dùng hoàn toàn điều chỉnh được nhiệt độ tạo ra trên bếp nhờ cách điều chỉnh tiêu điểm nhận ánh nắng mặt trời. Ông Nguyễn Tấn Bích, Giám đốc Tổ chức Solar Serve giải thích: Nguyên lý hoạt động của những chiếc bếp NLMT là khi ánh nắng chiếu vào sẽ bị hấp thụ tập trung về một điểm có thể cho nhiệt độ như ngọn lửa tự nhiên, nấu chín tất cả thức ăn. Chiếc bếp có thể điều chỉnh nhiệt độ nấu bằng cách điều chỉnh tiêu điểm ánh sáng rất đơn giản.


Một trong những bếp năng lượng mặt trời xưa nhất được biết đến đã được chế tạo bởi nhà khoa học Thụy Sĩ năm 1767. Đến năm 1945, đã có tiếp những chiếc bếp hình hộp được chế tạo tại Ấn Độ. Bếp dùng hiệu ứng nhà kính được đề xướng bởi giáo sư Roger Bernard ở Pháp năm 1976. Ngày nay, những chiếc bếp năng lượng mặt trời đã trở nên phổ biến trên thế giới và đã tận dụng được những tiến bộ khoa học để tạo ra những tính năng phù hợp nhất với người sử dụng. Tại Việt Nam, đã có nhiều tổ chức tiếp cận và chế tạo loại thiết bị năng lượng mặt trời, trong đó có bếp năng lượng mặt trời.


Hiện tại tổ chức Solar Serve đảm bảo sản xuất và cung ứng sản phẩm bếp năng lượng mặt trời tới tất cả các nơi. Ông Nguyễn Tấn Bích cho biết: Giá thành một chiếc bếp năng lượng mặt trời hình Parabol là 1,5 triệu đồng không bao gồm chi phí vận chuyển. Giá cước vận chuyển từ Đà Nẵng đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là khoảng 80.000 đồng.


Tiềm năng của Việt Nam rất dồi dào


Việt Nam là một trong những nước giàu nguồn năng lượng mặt trời. Hằng năm các vùng ở phía Bắc Việt Nam có khoảng 1400 đến 2000 giờ nắng. Các vùng miền Trung, một số vùng miền Nam có từ 2500 đến 3000 giờ nắng. Cường độ bức xạ cao nhất có thể lên đến 940w/m2. Nếu đặt trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu dự trữ như dầu mỏ, than đá, khí đốt và ngay cả thủy điện cũng đều có hạn do nguồn nước ngày càng cạn kiệt và không ổn đỉnh thì có thể thấy giá trị của năng lượng mặt trời là rất to lớn.


Với các nguồn năng lượng hiện đang được sử dụng phổ biến có một nhược điểm là gây ô nhiễm môi trường thì năng lượng mặt trời hoàn toàn khắc phục được nhược điểm này. Đối với các nước trên thế giới, các nguồn năng lượng vô tận như năng lượng mặt trời, năng lượng gió đã được khai thác và sử dụng khá phổ biến thì ở Việt Nam chúng ta mới đi những bước đi chập chững. Nếu như việc đầu tư khai thác phong điện (điện gió) đang có giá thành rất đắt thì việc chi phí khai thác sử dụng năng lượng mặt trời đang tỏ ra phù hợp vì giá thành dễ chấp nhận.


Tổ chức Phục vụ năng lượng mặt trời (Solar Serve) là tổ chức phi lợi nhuận nhằm vào những hoạt động phổ biến việc sử dụng NLMT và những công nghệ thích hợp khác mang lại lợi ích cho mọi người. Hướng của Solar Serve trước mắt không phải là các đô thị, thành phố, mà là đồng bào nghèo, đặc biệt là đồng bào ven biển và những vùng cao chưa có điện. Với đồng bào ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa phần lớn người dân vẫn lệ thuộc vào nhiên liệu đun nấu như than, củi, rơm rạ, lá cây. Cách đun nấu có tính chất truyền thống lâu đời này thường gây các bệnh về hô hấp, mắt do khói bụi.


Giá trị mà những chiếc bếp NLMT mang lại là rất rõ ràng. Với những người nghèo, thu nhập thấp, những chiếc bếp này sẽ giải quyết một phần quan trọng chi phí chất đốt cho họ. Và quan trọng hơn, nó đã góp phần bảo vệ môi trường, điều mà chúng ta đang rất quan tâm.


Theo báo QĐND