Theo Thạc sỹ Hoàng Minh Hùng-Phó Viện
trưởng Viện Công nghệ Mỏ-TKV cho biết “trước đây công nghệ sàng tuyển than tại
các mỏ than Việt Nam hầu hết là áp dụng công nghệ (dry screen) sàng khô tách cám
than nguyên khai, nhặt tay thủ công và loại bỏ bớt đá thải tại mỏ. Do công nghệ
tuyển chủ yếu là nhặt tay thủ công nên than còn lẫn bã sàng là tương đối lớn, vì
vậy các mỏ thường phải tổ chức nhặt tay, sàng đi sàng lại nhiều lần làm tăng chi
phí sản xuất, vỡ vụn than cục.
Than bã sàng (oversize coal) được tạm thời đổ
đống trên các bãi thải chờ xử lý trong tương lai. Từ sau năm 2005, khi ngành
than phát triển, tăng sản lượng thì lượng than don xô bã sàng tồn đọng tại các
bãi thải ngày càng nhiều, khối lượng lên đến hàng triệu tấn, điều này đã làm
giảm hiệu quả sản xuất khai thác than của các mỏ”.
Do vậy, để giải quyết xử lý thu hồi than
sạch trong than bã sàng, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững trong khai thác và
sử dụng than Việt Nam, từ năm 2002-2004, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - TKV đã
nghiên cứu thành công đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu công nghệ thu hồi than
từ bã sàng cho các mỏ than vùng Quảng Ninh”, kết quả nghiên cứu các đề tài đã
được Hội đồng khoa học Bộ Công nghiệp đánh giá cao và đưa vào áp dụng thử nghiệm
tuyển than để xử lý than bã sàng bãi thải tận thu tài nguyên và giảm thiểu ô
nhiễm môi trường tại các mỏ than vùng Quảng Ninh.
Từ năm 2004, Viện Khoa học
Công nghệ Mỏ đã triển khai thực hiện thành công các Dự án sản xuất thử nghiệm
cấp Nhà nước “Xây dựng và áp dụng thử nghiệm dây chuyền công nghệ tuyển than
trong bã sàng cho các mỏ than vùng Quảng Ninh bằng công nghệ huyền phù kiểu tang
quay” và xây dựng, hoàn thiện công nghệ nâng cao chất lượng than cho các mỏ bằng
“huyền phù tự sinh”. Công nghệ mới này có tính ưu việt hơn hẳn, ngoài lượng than
được tận thu triệt để tăng từ 20-30% sản lượng than so với công nghệ cũ, giải
pháp còn giúp tăng năng suất lao động do được cơ giới hoá và tự động hoá cũng
như giảm ô nhiễm môi trường và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Sau hơn 5 năm nghiên cứu, tập thể cán bộ,
chuyên gia kỹ thuật, nghiên cứu khoa học thuộc Viện Khoa học công nghệ Mỏ - TKV
đã thực hiện thành công các Dự án sản xuất thử nghiệm trên, thiết kế xây dựng
chuyển giao công nghệ cho các mỏ 9 dây chuyền tuyển than với các modul công suất
250.000 tấn/năm đến 650.000 tấn/năm. Tổng công suất các dây chuyền tuyển than áp
dụng theo công nghệ tuyển tang quay được thiết kế là 5.600.000 tấn/năm chiếm hơn
12% tổng sản lượng khai thác than toàn ngành. Trong đó, từ năm 2005-2009 công
nghệ mới đã được ứng dụng tại nhiều mỏ than như: Than Cọc 6, Núi Béo, Đèo Nai,
Quang Hanh, Hà Lầm… làm lợi trung bình mỗi năm cho ngành than hơn 5 tỷ đồng.
Lợi ích về kinh tế và môi trường của công
nghệ này càng được thấy rõ khi năm 2007 công ty than Uông Bí đã tiếp tục đầu tư
chuyền 2, chất lượng sản phẩm sau khi tuyển đã đáp ứng được các yêu cầu về kỹ
thuật, đá thải sau tuyển được qui hoạch đổ thải ngay tại bãi thải trong khai
trường rút ngắn hơn 40km vận chuyển đổ thải, làm lợi cho Công ty than Uông Bí
hơn 3,5 tỷ đồng mỗi năm.
Cũng như vậy tại Mỏ than Mạo Khê, sau khi lắp dây
chuyền 1 vào cuối năm 2005, dây chuyền đã làm lợi cho mỗi năm hơn 3,7 tỷ đồng,
nhờ đó công ty quyết định lắp thêm dây chuyền 2 vào năm 2007 với công suất
500.000 tấn/năm. Toàn bộ hệ thống điều khiển thiết bị được thực hiện trên màn
hình cảm ứng, có sử dụng biến tần tiết kiệm điện năng, đây là công nghệ mới,
thiết bị tương đối hiện đại do Viện thiết kế chế tạo, chất lượng than sau khi
qua công nghệ tuyển này đã đảm bảo cho pha trộn với than cám xấu tiêu thụ cho
nhà máy nhiệt điện Phả Lại, góp phần tận thu tài nguyên, tiết kiệm năng lượng,
giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Cũng theo ông Hùng công nghệ huyền phù
tang quay, và huyền phù tự sinh lần đầu tiên được nghiên cứu và áp dụng ở Việt
Nam thành công đã góp phần hoàn thiện công nghệ tuyển than truyền thống hiện
đang áp dụng tại các nhà máy tuyển than Việt Nam. Xử lý đáng kể khối lượng lớn
than don xô, than bã sàng tồn đọng, tận thu tài nguyên, quy hoạch đổ thải, giảm
thiểu ô nhiễm môi trường tại các mỏ than. Đặc biệt các dây chuyền công nghệ
thiết bị này có khả năng tự chế tạo hoặc chủ động cung cấp hàng loạt trong nước,
giá thành rẻ hơn so với nhập ngoại và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngành
than. Với 9 dây chuyền than bước đầu được lắp đặt cho đã làm tăng sản lượng than
sạch cho các mỏ và làm tăng doanh thu 787,38 triệu đồng, hiệu quả làm lợi hơn
42,73 tỷ đồng.
Phương pháp tuyển than bằng công nghệ
huyền phù tang quay và tự sinh thông qua công trình nghiên cứu, đề xuất đã được
Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Tuy còn một số
vấn đề tồn tại đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện như
tính đồng bộ của dây chuyền công nghệ, nâng cao mức độ tự động hoá toàn bộ dây
chuyền, nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu chống mài mòn nhằm nâng cao độ bền
máy móc trong điều kiện nước mỏ có độ axit cao song việc nghiên cứu ứng dụng,
đưa vào vận hành thành công dây chuyền công nghệ tuyển than bã sàng đã góp phần
tích cực phát triển khoa học kỹ thuật của ngành than./.
Theo Báo KTVN