Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:33 GMT+7
Về mặt công nghệ, sản xuất điện từ bùn, rác không có gì là mới. Đây thực chất là biến rác thải, bùn thải thành khí gas để chạy máy phát điện. Trên thế giới, công nghệ này đã khá phát triển còn ở Việt Nam một số bãi rác lớn tại các đô thị đông người cũng đang manh nha phát triển.
Không chỉ giải quyết bài toán năng lượng, điện từ rác thải, bùn thải còn là biện pháp hiệu quả giúp giảm bớt ô nhiễm môi trường.
Tại những đô thị lớn, tập trung dân cư đông như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hàng ngày lượng rác thải xả ra là rất lớn. Hàng năm chi phí xây mới, xử lý các bãi rác lên tới hàng trăm tỷ đồng mà vẫn không giải quyết được vấn đề ô nhiễm. Nguồn điện từ rác thải là rất lớn nếu được khai thác. Theo các chuyên gia của Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM, nguồn năng lượng từ khí sinh vật có giá trị năng lượng cao, chỉ kém dầu mỏ (18.000kcal/m3), cần được sử dụng triệt để, đồng thời giảm diện tích đất chôn lấp rác, bảo vệ môi trường...
Giải thích về công nghệ biến rác thải, bùn thải thành điện, TS Hoàng Sinh Trường, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng mới, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, phát điện từ than bùn được thực hiện theo cơ chế thu hồi khí từ bãi chôn lấp và phát điện theo cơ chế CDM (Clean Development Mechanism - cơ chế phát triển sạch). Một hệ thống nhiều ống thu khí sẽ được chôn ở độ sâu 15m để thu khí gas phát sinh từ quá trình phân hủy rác ở các ô chôn lấp.
Sau đó dẫn đến hệ thống làm lạnh để tách nước lẫn trong gas. Từ đây, gas tiếp tục đưa đến thiết bị xử lý, máy thổi nhằm nén lại và bơm đến động cơ đốt trong để chạy máy phát điện. Lượng gas tạp hoặc dư sẽ xử lý bằng phương pháp đốt. Điện do các máy phát sản xuất ra sẽ được dẫn đến máy biến thế, tăng điện áp lên để hòa vào mạng lưới điện quốc gia.
Với lượng rác thải lớn, công nghệ không khó, triển vọng khai thác lượng điện lớn từ rác thải ở nước ta là rất lớn. Tuy nhiên, cho đến nay ngoại trừ 1 số bãi rác áp dụng được công nghệ này thì thực tế việc đẩy mạnh sản xuất điện rác vẫn chỉ dừng ở nghiên cứu, ứng dụng, chưa thể áp dụng ngay.
Tháng 7 năm 2005, nhà máy điện rác đầu tiên của Việt Nam được
đưa vào sử dụng tại bãi rác Gò Cát, TP Hồ Chí Minh. Nhà máy có công suất 750KW.
Với 3 tổ máy hoạt động, mỗi giờ nhà máy cung cấp 2.400KW điện, mỗi năm sẽ thu
được gần 21.287 ngàn KW. Toàn bộ lượng điện thu được được hòa vào lưới điện
quốc gia, bán cho EVN với giá 634đồng/KW như vậy tổng số tiền thu được từ điện
rác của bãi rác Gò Cát mỗi năm là trên 13 tỷ đồng.
Sự kiện nhà máy điện Gò Cát hòa lưới điện quốc gia đánh dấu hướng đi mới cho công nghệ xử lý rác thải tại Việt Nam đồng thời mở ra triển vọng khai thác nguồn năng lượng thay thế nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt.
Được biết, dự án nâng cấp công trường xử lý rác Gò Cát có tổng số vốn đầu tư hơn 262 tỷ đồng, trong đó viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan là 60%, vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là 40%. Với công nghệ và thiết bị của hãng Balast Nedam Việt Nam rác thải được chôn trong các ô chôn lấp có chiều sâu hơn 7m so với mặt đất, có lót vật liệu chống thấm HDPE-một loại nhựa có độ bền hơn 50 năm và không ảnh hưởng tới môi trường.
Nước rỉ rác trong ô chôn được thu gom bằng hệ thống ống thu đặt dưới đáy và bơm về trạm xử lý nước trước khi thải ra môi trường tự nhiên. Khí gas sinh ra từ quá trình phân hủy rác được thu gom bằng các giếng thu đứng, dẫn về trạm thu gas và qua một công đoạn tách nước vì gas sinh ra từ rác thải sinh hoạt có lượng hơi nước rất cao. Một hệ thống xử lý dây chuyền khép kín, hiện đại. Thậm chí, ngay trong bãi chứa rác thải mà không hề có mùi hôi như các bãi rác thường gặp, dù đây là một trong những bãi rác lớn của thành phố.
Theo kết quả khảo sát sơ bộ, TPHCM có thể triển khai 60 dự án “điện xanh”. Trong đó, 16 dự án sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng, 12 dự án xử lý chất thải và tái chế chất thải thành năng lượng.
Hiện hai bãi rác lớn tại TP.Hồ Chí Minh là Phước Hiệp 1 và Đông Thạnh cũng thực hiện công nghệ làm điện từ rác thải. Theo thiết kế, nhà máy này có công suất khoảng 42 triệu kWh điện mỗi năm, cung cấp năng lượng cho gần 20.000 hộ gia đình tại thành phố. Đây là nhà máy điện từ rác đầu tiên của TP.HCM.
Với những tín hiệu vui kể trên, hiện tại việc nghiên cứu ứng dụng của điện rác nói chung, điện từ các loại phế phẩm nói chung cũng đang được chú trọng đầu tư. Hi vọng rằng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều nhà máy điện rác ra đời, hòa lưới điện quốc gia góp phần giảm gánh nặng cho ngành điện nhất là vào mùa khô.
Trần Linh