Thứ sáu, 29/03/2024 | 13:44 GMT+7

Chiếu sáng công cộng trên Thành phố Quy Nhơn

08/07/2010

Ngoài công tác chọn lựa các loại bóng đèn, thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện để thay thế, Công ty Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn đã huy động chế độ vận hành, duy tu bảo dưỡng thường xuyên để chống tổn thất điện năng trên lưới điện chiếu sáng, công tác định kỳ lau chóa đèn được duy trì. Hiệu quả cho thấy, ngoài hiệu suất ánh sáng được tăng thêm, mỗi năm Công ty đã giảm được lượng điện tổn thất 0,37%, giảm được kinh phí và lượng điện năng đáng kể.

Nói đến Quy Nhơn là nói tới quê hương thứ hai của Hàn Mặc Tử. Thành phố Quy Nhơn hôm nay đã hội tụ đủ mọi điều kiện để biến những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp cùng những huyền thoại, sự tích về nó trở thành điểm thu hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Làm nên điều này phải kể đến hệ thống chiếu sáng công cộng hiêu suất cao, một trong những công trình lớn và chiếm nhiều tâm huyết của Công ty Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn.


 qui nhon 05.JPG


Quy Nhơn là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bình Định, cũng là đô thị thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là đầu mối giao thông quan trọng của vùng Nam Trung bộ. Công ty Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn được UBND thành phố Quy Nhơn giao quản lý hơn 280km chiếu sáng, trong đó có 103km ngõ xóm với 140 tủ điều khiển tự động và hơn 8.650 bộ đèn các loại gồm Sodium 4.915 bộ, Metalhalide 640 bộ, compact 1.565 bộ, cao áp thuỷ ngân 1.020 bộ, led 510 bộ. Tổng công suất lắp đặt là 1.378 kW, độ rọi bình quân trên mặt đường chính là 18 lux, độ chói trung bình trên mặt đường giao thông là 0,9cd/m2.

 

Cũng như một số đô thị ở miền Trung, Quy Nhơn còn có khó khăn về nguồn thu phí, nên chi phí cho hoạt động chiếu sáng công cộng hiệu suất cao còn hạn chế; phần lớn các dự án phụ thuộc vào ngân sách do địa phương phân bổ hàng năm. Dù đã được sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhưng nguồn vốn phân bổ chỉ đáp ứng một phần cho việc lắp đặt mới, quản lý vận hành hệ thống, chưa kể đến yêu cầu lắp đặt công nghệ hiệu suất cao.


qui nhon 07.jpeg


Tuy vậy, từ nhận thức việc ứng dụng các hoạt động tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng công cộng vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của đô thị, với tinh thần “không tiết kiệm ánh sáng, chỉ tiết kiệm năng lượng”, Quy Nhơn đã vận dụng và thực hiện hết khả năng của mình để cố gắng xây dựng một hệ thống chiếu sáng công cộng hướng đến hiệu suất cao.

 

Xuất phát từ thực tế hiện nay là việc đầu tư xây dựng từ các nguồn vốn chỉ chú trọng các hạng mục lớn, trọng tâm, còn hạng mục chiếu sáng thường ít được quan tâm, vì vậy, ngay từ năm 1999, thành phố Quy Nhơn đã đầu tư xây dựng quy hoạch chi tiết hệ thống chiếu sáng công cộng, coi đây là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng trong việc lập, phê duyệt, thực hiện các dự án đầu tư của hệ thống. Một trong những chỉ tiêu quan trọng mà quy hoạch được duyệt đề ra cho từng tuyến đường, từng khu vực là: lựa chọn công suất, choá đèn, nguồn sáng và thiết bị có chất lượng cao, sử dụng kết cấu lưới điện, dây dẫn, nguồn cấp và chế độ vận hành theo hướng tiết kiệm điện và năng lượng khác.

 

Trong quá trình thực hiện, Công ty đã tham mưu đề xuất kiến nghị và thực hiện đúng các nội dung mà quy hoạch được duyệt đề ra. Nhờ vậy mà ngoài nguồn vốn ngân sách, Thành phố đã huy động một nguồn lực đáng kể (với hơn 2.500 điểm chiếu sáng) trong quá trình hoạt động chiếu sáng công cộng. Quan trọng hơn là phần lớn các hạng mục công trình đảm bảo một số tiêu chí cơ bản của chiếu sáng hiệu suất cao.

 

Do nhiều lý do, từ trước năm 2000, hệ thống chiếu sáng công cộng thành phố Quy Nhơn có nguồn sáng chủ yếu là bóng cao áp thuỷ ngân, chóa đèn có hệ số hiệu dụng - hệ số phản quang - hệ số truyền qua kính bảo vệ - cấp bảo vệ IP thấp, chiếu sáng 01 chế độ (chiếm 90%) nên tiêu thụ điện năng lớn, hiệu quả chiếu sáng không cao.

 

Từ năm 2001, Quy Nhơn ban hành quy định về quản lý vận hành và phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng Thành phố, trong đó quy định, đơn vị quản lý vận hành phải tăng cường kiểm tra điều chỉnh kịp thời thời gian đóng cắt các chế độ, phù hợp với thời tiết, theo nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng, không lãng phí. Bằng đề án tiết kiệm điện năng trong chiếu sáng, Thành phố đã cải tạo nâng cấp để vận hành từ 01 chế độ sang 2, 3 chế độ chiếu sáng, thay đổi nguồn sáng hiệu suất cao, sử dụng công suất hợp lý, việc cải tạo nâng cấp, phát triển tuân thủ theo quy hoạch được duyệt theo hướng dẫn, đảm bảo ánh sáng, tiết kiệm tối đa năng lượng chiếu sáng.


 qui nhon 06.jpg


Trong quá trình duy tu bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, Quy Nhơn đã triển khai cuốn chiếu việc thay nguồn sáng hiệu suất thấp bằng nguồn sáng có hiệu suất cao: thay bóng cao áp thuỷ ngân 250W bằng bóng Sodium 210W, 125W bằng 110W – không cần thay balast. Trong các ngõ hẻm, thay bóng cao áp thuỷ ngân 80W bằng đèn compact 2x23W hoặc 2x18W, hoặc 23W và đang triển khai sử dụng nguồn sáng led, ngoài ra còn kiểm tra hiệu chỉnh công suất, độ cao góc đặt đèn từng vị trí cho phù hợp.

 

Ông Đỗ Đình Phương, Giám đốc Công ty Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn cho biết: “Nhận thức tầm quan trọng cũng như nhu cầu chiếu sáng trong hẻm, trong khi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, từ năm 2000, Thành phố đã có chủ trương thực hiện chiếu sáng hẻm theo giải pháp Nhà nước và nhân dân cùng làm.

 

Nhà nước - chính là Công ty, phối hợp với địa phương cùng triển khai khảo sát, thiết kế, lựa chọn phương án tối ưu trong việc sử dụng kết cấu lưới điện, địa phương - nhân dân - đóng góp đầu tư cột và dây dẫn (bằng hiện vật, không thu tiền)”. Kết quả trong thời gian qua, đã triển khai thực hiện với tổng chiều dài chiếu sáng khoảng 50kW, sử dụng khoảng 1.150 bộ đèn compact và đèn có công suất nhỏ (12-70W), góp phần nâng tỷ lệ chiếu sáng hẻm đạt 90%.

 

Nhưng quan trọng, ngoài sự vận động, sự đóng góp của nhân dân trong việc phát triển chiếu sáng công cộng, sử dụng loại đèn hiệu suất cao, đóng ngắt tự động theo quy định chung, đảm bảo chiếu sáng, quản lý và tiết kiệm năng lượng, còn giúp cho đơn vị trong việc phối hợp bảo vệ quản lý vận hành hệ thống trong khu vực hẻm.


Ngoài công tác chọn lựa các loại bóng đèn, thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện để thay thế, Công ty Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn đã huy động chế độ vận hành, duy tu bảo dưỡng thường xuyên để chống tổn thất điện năng trên lưới điện chiếu sáng, công tác định kỳ lau chóa đèn được duy trì. Hiệu quả cho thấy, ngoài hiệu suất ánh sáng được tăng thêm, mỗi năm Công ty đã giảm được lượng điện tổn thất 0,37%, giảm được kinh phí và lượng điện năng đáng kể.

 

Như vậy, hệ thống ánh sáng toàn Thành phố đã được bố trí hài hòa, không chỉ ở hàng trăm con đường nội thành mà còn vào sâu tận các khu dân cư, thiết thực phục vụ cuộc sống, đồng thời cũng tạo ra nhiều điểm nhấn cho thành phố như: hệ thống đèn trên con đường Xuân Diệu trải dài dọc bờ biển Quy Nhơn từ Mũi Tấn lên Gềnh ráng Tiên Sa, hệ thống đèn chiếu sáng trên cầu Thị Nại nối Quy Nhơn với khu kinh tế Nhơn Hội, các Cụm chiếu sáng công viên, quảng trường Quang Trung, tượng đài chiến thắng… rực rỡ sắc màu không kém phần lộng lẫy cho Quy Nhơn về đêm.

 

Hoàng Quân Bản tin TKNL