Chủ nhật, 22/12/2024 | 13:06 GMT+7

APEC nhất trí xây các thành phố có khí thải thấp

26/06/2010

Các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã nhất trí triển khai dự án chung nhằm xây dựng các thành phố kiểu mẫu có lượng khí thải cácbon thấp thông qua việc sử dụng một cách có điều phối các công nghệ tiết kiệm năng lượng và tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân.

Theo tuyên bố chung đưa ra sau Hội nghị Bộ trưởng năng lượng APEC ở tỉnh Fukui - một trong những trung tâm sản xuất điện hạt nhân lớn nhất của Nhật Bản, tại hội nghị này, các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Đỗ Hữu Hào, đã thông qua kế hoạch thực hiện dự án trên.

APEC.jpg

Điểm nổi bật của các thành phố có lượng khí thải cácbon thấp có thể là hệ thống truyền tải điện thông minh sử dụng công nghệ thông tin hoặc các tòa nhà được trang bị các thiết bị sản xuất năng lượng tái sinh.

Phát biểu sau hội nghị, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Masayuki Naoshima - người chủ tọa hội nghị này - cho biết “dự án xây dựng các thành phố kiểu mẫu có lượng khí thải cácbon thấp nhằm mục tiêu giới thiệu các công nghệ cắt giảm khí thải cácbon ở cấp độ xã hội, chứ không dừng lại ở các sản phẩm tiêu dùng cá nhân. Trong vòng 3 năm tới, APEC sẽ chọn từ 10 đến 20 thành phố và tiến hành các dự án nghiên cứu khả thi để chuyển các thành phố này thành những địa điểm có lượng khí thải cácbon thấp.”

Tại hội nghị này, Nhật Bản đã thông báo sẽ đóng góp 360 triệu yen (tương đương 3,9 triệu USD) cho Quỹ tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng của APEC - một quỹ đã được thành lập vào năm 2009 nhằm thúc đẩy biện pháp sử dụng hiệu quả năng lượng và cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khu vực. Một phần số tiền này sẽ được sử dụng để tài trợ cho sáng kiến xây dựng các thành phố kiểu mẫu có lượng khí thải thấp.

Bên cạnh đó, số tiền trên cũng được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động xây dựng năng lực hiện nay trong APEC liên quan tới việc sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển các nguồn năng lượng thay thế, thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư về hàng hóa và dịch vụ liên quan tới môi trường.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nhất trí rằng các nguồn nhiên liệu hóa thạch vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong khu vực, trong đó có các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị để đối phó với tình trạng tranh giành nguồn cung dầu thô. Các đại biểu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy các nguồn năng lượng tái sinh, năng lượng hạt nhân và các công nghệ thu hồi và lưu trữ cácbon.

Trong tuyên bố chung trên, các đại biểu cũng đề cập tới sự cần thiết phải đánh giá tiềm năng cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kinh thông qua việc sử dụng năng lượng hạt nhân trong khu vực APEC. Tuyên bố chung khẳng định “các khung tài chính vững chắc và sự hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên APEC và với các tổ chức đa phương liên quan” sẽ giúp ích cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh Mỹ - một trong những nền kinh tế chủ chốt của APEC - đang phải đối phó với thảm họa tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử sau vụ nổ dàn khoan của BP vào tháng 4 vừa qua. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Daniel Poneman cho biết ông muốn chia sẻ kinh nghiệm về thảm họa tràn dầu này nhằm ngăn ngừa sự tái diễn.

Một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết kết quả của hội nghị này có thể sẽ được phản ánh trong quá trình soạn thảo chiến lược tăng trưởng của APEC - một văn bản mà APEC hy vọng sẽ hoàn tất khi các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế thành viên APEC nhóm họp tại Thành phố Yokohama vào tháng 11 tới.

Khu vực APEC hiện chiếm khoảng 60% nhu cầu năng lượng trên thế giới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE) dự báo nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng 40% trong giai đoạn 2007-2030, chủ yếu do nhu cầu tăng mạnh ở các nước châu Á.

Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng châu Á-Thái Bình Dương có trụ sở ở Tokyo dự đoán tỷ lệ phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu trong khu vực đã lên tới 34% vào năm 2005 và có thể tăng lên 45% vào năm 2030. Vì vậy, các nền kinh tế chủ chốt trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đang tiến hành dự trữ dầu thô để chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp như khi có thảm họa hay giá dầu tăng./.

Thúy Hằng