Thứ sáu, 22/11/2024 | 17:31 GMT+7

Việt Nam dự hội nghị bộ trưởng năng lượng APEC

20/06/2010

Ngày 19/6, Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) khai mạc ở tỉnh Fukui - một trong những trung tâm sản xuất điện hạt nhân lớn nhất Nhật Bản.

* Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đỗ Hữu Hào tham dự hội nghị này.

Với chủ đề “Con đường cácbon thấp dẫn đến an ninh năng lượng," các đại biểu sẽ thảo luận các biện pháp đối phó với tình trạng khan hiếm nguồn cung năng lượng và bình ổn thị trường dầu mỏ toàn cầu trong bối cảnh nhu cầu đối với năng lượng ngày càng tăng ở các nền kinh tế mới nổi trong khu vực.

 

Bên cạnh đó, các đại biểu sẽ thảo luận về các chính sách để tăng cường hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng thiên nhiên và thúc đẩy việc sử dụng những nguồn năng lượng có lượng khí thải cácbon thấp.


 RYU_8310t.jpg


Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh Mỹ - một trong những nền kinh tế chủ chốt của APEC, đang phải đối phó với thảm họa tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử sau vụ nổ giàn khoan BP tháng Tư vừa qua. Vì vậy, nhiều khả năng các đại biểu sẽ thảo luận về sự an toàn của hoạt động khai thác mỏ dầu ở ngoài khơi và thảm họa tràn dầu tại vịnh Mexico.

 

Một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho biết kết quả hội nghị có thể sẽ được phản ánh trong chiến lược tăng trưởng của APEC - văn bản mà APEC hy vọng sẽ hoàn tất khi các nhà lãnh đạo APEC nhóm họp tại thành phố Yokohama vào tháng 11 tới.

 

Bên lề hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào dự kiến sẽ gặp gỡ quan chức ngành năng lượng của một số nước và thăm nhà máy điện hạt nhân Monju - một trong hai nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản sử dụng công nghệ phản ứng tái sinh nhanh.

 

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE) dự báo nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng 40% trong giai đoạn 2007-2030, chủ yếu do nhu cầu tăng mạnh ở các nước châu Á.

 

Trung tâm nghiên cứu năng lượng châu Á-Thái Bình Dương, có trụ sở ở Tokyo, dự báo tỷ lệ phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu trong khu vực có thể tăng lên 45% vào năm 2030. Vì vậy, các nền kinh tế chủ chốt trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đang tiến hành dự trữ dầu thô để chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp như khi có thảm họa hay giá dầu tăng.

 

Thúy Hằng