Thứ sáu, 22/11/2024 | 22:30 GMT+7

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đi vào cuộc sống

19/06/2010

Sau gần ba năm công phu nghiên cứu, phân tích, tổ công tác đã xây dựng được bộ khung của Luật Luật SDNL TK&HQ. Sau đó, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội thảo, trưng cầu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân và qua nhiều lần chỉnh sửa. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, Luật đã được thông qua với 12 Chương, 48 Điều.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, năm 2009, tốc độ tiêu thụ điện tăng 2,45 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tiêu thụ khoảng 38%, dân dụng khoảng 36,8%, giao thông vận tải khoảng 20%, còn lại là nông nghiệp, dịch vụ…


Trong khi các nguồn năng lượng ngày càng cạn kiệt, tình trạng thiếu điện ngày càng trầm trọng thì Việt Nam là một trong những nước sử dụng năng lượng còn lãng phí, hiệu suất thấp do công nghệ thiết bị lạc hậu và hạn chế về nhận thức tiết kiệm năng lượng.


Dang_Vu_Minh1.jpg


Ông Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả  không chỉ cần thiết và phù hợp với hoàn cảnh đất nước ta hiện nay mà sẽ là vấn đề trong tương lai của đất nước.


Để đối phó với tình trạng cạn kiệt năng lượng và biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường thì vấn đề sử dụng năng lượng sao cho hiệu quả và tiết kiệm đã và đang trở nên vô cùng cấp thiết.


Với lý do đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương soạn thảo dự Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Sau hơn 2 năm nghiên cứu, soạn thảo và chỉnh sửa, ngày 17/6 vừa qua, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.


Hiệu quả lớn từ việc tiết kiệm năng lượng


Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện lộ trình tiết kiệm năng lượng ở các doanh nghiệp chính là vốn đầu tư thiếu, nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp còn hạn chế, đội ngũ tư vấn còn mỏng. Từ các nguyên nhân này đã dẫn đến những rào cản trong việc thay thế đổi mới thiết bị công nghệ.


Hầu hết các doanh nghiệp đều hiểu đầu tư vào lĩnh vực này đem lại lợi ích lâu dài, nhưng do khó khăn về vốn nên không phải ai cũng sẵn sàng đầu tư một khoản tiền lớn cho việc tạm dừng sản xuất để thực hiện cải tiến nâng cấp cho tiết kiệm năng lượng. Nhất là trong điều kiện hiện nay, khi các chương trình hỗ trợ mới mang ý nghĩa động viên, khuyến khích, các doanh nghiệp vẫn phải chủ động tìm kiếm các nguồn tài chính. Hầu hết tình trạng lãng phí năng lượng đều do các doanh nghiệp sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, công suất kém, tiêu hao năng lượng lớn.


avatar02.jpg


Với 85,8% đại biểu tán thành trên tổng số đại biểu quốc hội (98,37% trên tổng số 430 đại biểu có mặt), sáng 17/6, Quốc hội đã thông qua dự án Luật  sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả(SDNLTK&HQ).


Kết quả khảo sát ở 10 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành chủ lực tại Hà Nội như dệt may, da giày, điện tử cho thấy, nếu áp dụng tốt các giải pháp tiết kiệm năng lượng thì hàng năm sẽ tiết kiệm tới 3,2 triệu kWh. Ở nhiều ngành sản xuất, việc thay thế, cải tiến trang thiết bị có thể tiết kiệm năng lượng tới 20 - 30%, thậm chí 50%.


Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp hiểu rất rõ ích lợi của việc tiết kiệm năng lượng và đã quyết tâm làm, kết quả thu được khá lớn không chỉ về lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức cộng đồng.


Năm 2006, Hanosimex đã thành lập Ban tiết kiệm năng lượng nhằm giám sát, kiểm tra việc sử dụng điện trong sản xuất và đặt chỉ tiêu phấn đấu cho từng tháng. Công ty đã đầu tư 97 tỉ đồng thay thế những máy móc, thiết bị cũ, tiêu thụ điện cao bằng những hệ thống máy móc hiện đại, tiêu thụ điện thấp.


Việc thay thế một số thiết bị sợi con, máy chải kĩ, máy thô để nâng hiệu quả và chất lượng sợi... đã giúp Hanosimex giảm được lượng điện tiêu thụ từ 3,92 kWh xuống 3,7 kWh/kg sợi. Hanosimex còn thay thế toàn bộ 14.000 bóng đèn neon T10 40W bằng bóng đèn T8 36W. Hơn 4000 động cơ máy may được trang bị các thiết bị tiết kiệm điện, giảm 25% điện năng tiêu thụ. Với những giải pháp này, ước tính Hanosimex đã tiết kiệm được từ 5-7 tỉ đồng mỗi năm.


Tổng công ty Bia Sài Gòn cũng đã thực hiện, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các nhà máy Bia trong toàn Tổng công ty.


Năm 2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã sẵn sàng sẵn sàng bù lỗ cho chương trình bán 5 triệu bóng đèn compact, bỏ ra tới 20 tỷ đồng cho chương trình phát triển bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời với sự tham gia rất tích cực của các nhà sản xuất các thiết bị này.


Khách sạn Majestic (TPHCM) chỉ thực hiện tắt, bật đèn chiếu sáng, cài đặt nhiệt độ phòng và vận hành các loại máy giặt, rửa hợp lý, kêu gọi khách hàng sử dụng lại khăn tắm, ga giường… tất cả những việc “nhỏ nhặt” đó đã giúp khách sạn tiết kiệm được khoảng 1 tỷ đồng tiền điện mỗi năm.


Để đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng ở mức 8% như đã đề ra trong “Tổng sơ đồ nghiên cứu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam” giai đoạn từ 2011 đến 2015 sẽ không dễ thực hiện nếu không có hành lang pháp lý và chế tài chặt chẽ.


Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đi vào cuộc sống


Sau một thời gian dài công phu tìm hiểu nghiên cứu, phân tích thực trạng sử dụng năng lượng của Việt Nam, tham khảo Bộ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các nước trên thế giới cũng như khối ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…Tổ công tác đã xây dựng được bộ khung của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 


Sau đó, Bộ Công Thương đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, trưng cầu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, người dân và qua nhiều lần chỉnh sửa, đến tháng 11/2009, Dự thảo Luật đã được trình tại kỳ họp thứ 6, quốc hội khóa XII để xin ý kiến. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, Luật đã được thông qua với 12 Chương, 48 Điều.


Det 01.jpg


Triển khai TKNL bài bản, ước tính Hanosimex đã tiết kiệm được từ 5-7 tỉ đồng mỗi năm.


Trong đó, Chương I quy định những vấn đề chung có tính nguyên tắc; Chương II qui định về SDNLTK&HQ trong sản xuất công nghiệp; Chương III là SDNLTK&HQ trong xây dựng và chiếu sáng công cộng; Chương IV qui định SDNLTK&HQ trong giao thông vận tải; Chương V là trong sản xuất nông nghiệp; Chương VI là trong hoạt động dịch vụ và hộ gia đình; Chương VII là trong các dự án đầu tư, cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; Chương VIII là trong các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; Chương IX đề cập đến quản lý phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng; Chương X là các biện pháp để thúc đẩy SDNLTK&HQ.


Theo quy định của Luật, có 2 nhóm đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh: Thứ nhất là nhóm đối tượng sử dụng năng lượng trọng điểm (gồm các cơ sở sản xuất công nghiệp, các công trình xây dựng  dân dụng, các cơ sở vận tải…), nhóm này phải chịu sự điều chỉnh bắt buộc gắn với các qui định cụ thể, chế tài thưởng, phạt rõ ràng.


Ở nhóm đối tượng bắt buộc phải tổ chức Kiểm toán năng lượng, hàng năm phải xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để thực hiện và triển khai công tác TKNL, phải xây dựng Báo cáo năng lượng cho cơ quan có thẩm quyền, phải cử cán bộ quản lý năng lượng chịu trách nhiệm xây dựng và giúp người đứng đầu thực hiện các chương trình kế hoạch thực hiện của Luật. Luật cũng qui định trách nhiệm rất cao của người đứng đầu, nếu không thực thi Luật sẽ chịu các chế tài cụ thể.


Thứ hai là nhóm cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chỉ khuyến khích thực hiện Luật chứ không bắt buộc.


Với nhóm cộng đồng dân cư, các biện pháp chủ yếu vẫn là khuyến khích các hộ gia đình tham gia không sử dụng điện vào giờ cao điểm, khuyến khích mua bán các trang thiết bị sử dụng ít năng lượng, có hiệu suất cao…


Dán nhãn năng lượng- giải pháp quan trọng để tiết kiệm năng lượng


Một trong những yêu cầu của Luật là phải dán nhãn năng lượng cho sản phẩm sử dụng năng lượng nhằm khuyến khích, thúc đẩy chế tạo các thiết bị có hiệu quả sử dụng năng lượng cao, tiến tới loại bỏ dần các phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất.


Đây cũng là nội dung đã được nhiều nước trên thế giới như Bắc Mỹ, Nhật coi là điều kiện bắt buộc của chương trình TKNL và đã thực hiện rất thành công, góp phần cải thiện hiệu suất của các thiết bị điện gia dụng lên 2 - 3 lần.


dinh xuan thao.jpg


Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo - đoàn Kiên Giang cho rằng: Thực hiện dán nhãn năng lượng sẽ tạo ra sức  ép thúc đẩy các nhà sản xuất luôn phấn  đấu đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao


Việc dán nhãn không chỉ giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn khi mua các thiết bị gia dụng, mà còn có thể trở thành hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn các phương tiện, thiết bị lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp.


Ông Nguyễn Đình Hiệp, chánh văn phòng Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, sau một thời gian triển khai với hình thức tự nguyện sẽ tiến tới dán nhãn bắt buộc cho một số phương tiện, thiết bị sử dụng nhiều năng lượng theo lộ trình do Chính phủ quy định. Bắt đầu từ những sản phẩm dân dụng như chiếu sáng, quạt điện, điều hoà không khí, tủ lạnh, động cơ điện, sau đó sẽ là các sản phẩm khác.


Cũng theo ông Hiệp, việc thực hiện dán nhãn chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất luôn phấn đấu đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao; buộc các nhà buôn bán, nhập khẩu thiết bị phải chọn các sản phẩm đạt hoặc vượt tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng đã qui định và đảm bảo các thông số ghi trên nhãn, giúp người tiêu dùng chọn đúng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng đang lưu thông trên thị trường. Số lượng sản phẩm sử dụng năng lượng có hiệu suất cao được dùng càng nhiều trong đời sống thì tổng mức tiết kiệm càng cao, hiệu quả kinh tế xã hội sẽ càng lớn.


Bên cạnh đó, việc xây dựng các cao ốc mới sẽ phải hướng tới việc lựa chọn vật liệu xây dựng, thiết kế kiến trúc sao cho tận dụng được nhiều ánh sáng, gió trời, lắp đặt hệ thống thiết bị điện sao cho hiệu quả nhất. chương trình dán nhãn sản phẩm TKNL được đánh giá là chương trình rất thành công, đưa lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều nước trên thế giới và khu vực, đặc biệt ở Mỹ (với nhãn có biểu tượng sao năng lượng nổi tiếng), các nước thuộc EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan…


Ông Hiệp cho biết thêm, hoạt động dán nhãn tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam đã được ghi trong chương trình hành động hợp tác năng lượng ASEAN, thông qua các kế hoạch hợp tác 1999-2004 và 2004-2009. Theo lộ trình, nhóm thiết bị gia dụng (thiết bị chiếu sáng, điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình; nồi cơm điện; bình đun nước nóng bằng điện, quạt điện…) sẽ hoàn thành dán nhãn năng lượng tự nguyện trước ngày 01/7/2011. Từ ngày 01/01/2013 sẽ bắt buộc dán nhãn năng lượng đối với các sản phẩm này.


Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại sẽ hoàn thành dán nhãn năng lượng tự nguyện trước ngày 01/01/2014 cho các sản phẩm máy photocopy và bộ nguồn máy tính, đến 01/01/2015 áp dụng bắt buộc dán nhãn năng lượng.


Nhóm thiết bị công nghiệp (động cơ điện, nồi hơi cỡ nhỏ và trung bình, máy biến áp ba pha và các thiết bị công nghiệp khác) sẽ hoàn thành dán nhãn tự nguyện trước ngày 01/01/2012, đến 01/01/2013 sẽ bắt buộc dán nhãn năng lượng. Nhóm sản phẩm vật liệu, phụ kiện gồm vật liệu cách nhiệt, kính, cửa sổ, tấm lợp, tấm vật liệu, các vật liệu, phụ kiện TKNL… sẽ tổ chức dán nhãn năng lượng tự nguyện và tiến tới bắt buộc từ ngày 01/01/2015.


Cần sự chung tay của cả cộng đồng


Mặc dù vẫn còn một số ý kiến lo ngại việc triển khai Luật sẽ có nhiều khó khăn do Luật có tính chuyên môn kỹ thuật cao, lại phải căn cứ vào nhiều qui  chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các bộ, ngành nhưng Ban soạn thảo đã dự thảo xong các nội dung cơ bản của Nghị định Qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cũng như Nghị định Qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.


Lộ trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với các phương tiện thiết bị, đề xuất nhóm trang thiết bị sử dụng năng lượng được quản lý đặc biệt làm cơ sở cho các nhà sản xuất, nhà quản lý phấn đấu đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng.


biogas Ninh Binh 05.jpg


TKNL cần sự chung tay của cả cộng đồng. Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn sử dụng Biogas cho đại diện cán bộ phụ nữ xã ở Ninh Bình


Ngoài các Nghị định này, còn cần các văn bản hướng dẫn chi tiết hơn như các Thông tư qui định các tiêu chuẩn, định mức về sử dụng năng lượng đối với các lĩnh vực sử dụng năng lượng khác nhau.


Vì vậy, để Luật đi vào cuộc sống, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin truyền thông, sự triển khai bài bản của các Đề án tiết kiệm năng lượng trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu quốc gia.


Theo các chuyên gia, để Luật phát huy hiệu quả, giải pháp cần làm ngay là tăng cường công tác quản lý Nhà nước về sử dụng năng lượng, đẩy mạnh tuyên truyền đến tất cả đối tượng xã hội, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ thiết bị lạc hậu.


Bên cạnh đó, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, huấn luyện đội ngũ nhân lực cho quản lý năng lượng, mạnh dạn đổi mới thiết bị hiện đại với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước về vốn và thông tin, triển khai các mô hình tiết kiệm năng lượng có hiệu quả tại một số quốc gia tiên tiến như Nhật, Mỹ.


Bên cạnh những chế tài cần thiết để các cơ quan nhà nước đi đầu thực hiện, xử lý nghiêm những cơ quan sử dụng lãng phí năng lượng thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là làm thay đổi ý thức của người dân và các doanh nghiệp, giúp họ tự giác thay đổi thói quen trong sử dụng năng lượng sao cho hiệu quả và tiết kiệm. Điều đó cần phải có thời gian, lộ trình và rất cần sự hỗ trợ tích cực của các phương tiện truyền thông nhằm giúp người dân biết cách sử dụng thiết bị điện một cách hiệu quả và tiết kiệm.


Ngọc Loan