Thứ ba, 05/11/2024 | 21:52 GMT+7

Tiết kiệm điện ở Công ty Cấp thoát nước Gia Lai: Điển hình cần nhân rộng

16/06/2010

Trong tình hình thiếu điện như hiện nay, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ngành điện rất cần sự thông cảm, chia sẻ, tìm ra những giải pháp tiết điện của cá nhân, của các doanh nghiệp... trong cả nước.

Thực hiện chủ trương tiết kiệm điện, trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thực sự vào cuộc trong việc tiết kiệm điện năng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, góp phần giảm thiểu về tình trạng thiếu hụt điện năng. Công ty cấp thoát nước Gia Lai là một điển hình tiêu biểu của doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong việc ứng dụng các biện pháp cải tiến kỹ thuật, giảm thiểu tiêu hao điện năng, tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh .

 

Trao đổi với chúng tôi về tình hình tiết kiệm điện, Giám đốc Công ty cấp thoát nước Gia Lai- ông Hà Quang Khanh- khẳng định: Là doanh nghiệp nên việc tìm mọi giải pháp để giảm thiểu chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm làm ra là yêu cầu tất yếu nhằm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, Công ty cấp thoát nước Gia Lai không là ngoại lệ.

55264555-1258681432-ho-guom-7.jpg

Với ngành nghề chuyên sản xuất nước sạch có hệ thống máy bơm điện công suất sử dụng lớn, công ty luôn cho rằng, đầu tư cho thiết bị tiết kiệm điện là một sự đầu tư không có rủi ro và sinh lợi ngay tại chỗ. Đồng thời, điện là một nguồn tài nguyên năng lượng đặc biệt của quốc gia, có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng và sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, các doanh nghiệp không thể sử dụng lãng phí được, dù biết rằng khách hàng sử dụng điện thì trả tiền- ông Khanh bộc bạch suy nghĩ của mình.


Theo ông Khanh, hàng tháng các nhà máy sản xuất nước của công ty tiêu thụ trên 200.000kw, như vậy chi phí sản xuất/1m3 nước sạch tương đương với 0,75kw điện. Hiện tại trạm bơm tăng áp cấp II Pleiku ró gồm có 3 tổ máy có công suất định mức mỗi máy là 132kw, cột áp định mức là 50m, là trạm bơm cấp II có tải thường xuyên biến đổi theo ngày, mùa, theo từng thời điểm ngày.


Việc thiết kế chọn công suất máy bơm cấp II phải đủ cấp tại các thời điểm là rất khó, điều đó đồng nghĩa với việc thay đổi tiêu thụ nước trên hệ thống thường được xây dựng các đài nước dự trữ nước vào những lúc thấp điểm và điều hòa vào những thời điểm cao điểm. Đối với hệ thống không có đài điều hòa trong những giờ thấp điểm ngoài việc giảm số bơm hoạt động xuống mức thấp nhất còn phải khép van đầu ra để giảm áp lực trên hệ thống để giảm thất thoát nước, từ đó gây áp lực cao lên bánh xe công tác và gây nên tổn thất điện năng. Việc tìm ra lời giải của bài toán tiết kiệm điện năng tưởng chừng dễ song không hề đơn giản khi bắt tay vào thực hiện.


Với tính chất, đặc điểm của hệ thống cấp nước như trên; sau thời gian tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm của nhiều nơi, Ban Giám đốc của công ty quyết định đầu tư gần 1 tỷ đồng để lắp đặt bộ biến tần. Nhằm tránh thất thoát và tiết kiệm điện năng, chúng tôi đề xuất phương án sử dụng hệ thống điều khiển tự động giữ áp suất cố định trên đường ống bằng cảm biến áp suất và biến tần điều khiển công suất động cơ nhằm mục đích tiết kiệm năng lượng. Tháng 3/2009, Công ty cấp thoát nước Gia Lai đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Hawaco thiết kế và lắp đặt thiết bị biến tần làm việc theo nguyên tắc thay đổi tần số tiết kiệm điện năng, mặt khác tăng chất lượng quá trình cấp nước, giảm chi phí bảo dưỡng, tăng tuổi thọ của động cơ và đặc biệt là lượng điện năng tiết kiệm được từ 15 đến 45%.


Sau thời gian lắp bộ biến tần đã tiết kiệm được khoảng trên 20% lượng điện tiêu thụ tại Trạm bơm tăng áp Pleiku ró. Ngoài ra, công ty đã nghiên cứu lợi dụng chênh lệch địa hình từ cos đáy bể tại Nhà máy Biển Hồ với Trạm tăng áp Pleiku ró là từ 24 đến 25m, công ty đã tính toán lắp đặt hệ thống ống cấp nước trực tiếp (tự chảy) xuống hệ thống vùng điểm thấp vào ca buổi chiều không phải cấp bằng bơm đẩy tại trạm tăng áp Pleiku ró (từ 15h đến 20h) như trước đây tiết kiệm được 6h bơm tương đương với 300kw/01 ca bơm buổi chiều, như vậy đã tiết kiệm được 10.000kw/tháng. Ông Khanh giảng giải cho chúng tôi hiểu về giải pháp tiết kiệm điện năng của công ty.


Như vậy, với 2 biện pháp tiết kiệm điện như trên, hàng tháng Công ty cấp thoát Nước Gia Lai đã thiết kiệm trên 30% lượng điện năng tiêu thụ, góp phần vào công tác tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh. Theo lời ông Khanh: Sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả là việc làm cần thiết của bất cứ doanh nghiệp nào, không phải chỉ riêng trong tình hình thiếu điện như hiện nay mà là trong suốt quá trình tồn tại của doanh nghiệp, vì đây là vấn đề không những tiết kiệm được nguồn năng lượng điện cho quốc gia mà còn giảm được rất lớn chi phí sản xuất, tăng được năng suất lao động, hạ giá thnàh sản phẩm, ổn định việc làm và tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.


Với những giải pháp tiết kiệm điện, Công ty Cấp thoát Nước Gia Lai trở thành một điển hình trong việc đầu tư tìm ra giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần tích cực vào việc giảm thiểu tình trạng thiếu điện hiện nay, bảo đảm phát tiển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai cần được các ngành, các cấp biểu dương, nhân rộng.

 

Võ Công Hiền - Điện lực Gia Lai