Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:54 GMT+7
TKNL từ hệ thống chiếu sáng và cung cấp nhiệt
Hoạt động kinh doanh dịch vụ khách sạn đòi hỏi tiêu tốn chi
phí điện năng khá lớn nhất là ở hệ thống chiếu sáng và làm mát. Yêu cầu đặt ra
là vừa phải đảm bảo thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu khách hàng mà vẫn tiết kiệm. Thấy được
lợi ích kinh tế rõ rệt từ việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Khách
sạn du lịch công đoàn Sông Hương đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị
sử dụng năng lượng. Hiện tại, đây đang là điển hình tại Thừa Thiên Huế trong
công tác TKNL.
Với công suất thiết kế 100 phòng, hiệu suất
sử dụng trên 62% tập trung chủ yếu ở 4 tháng mùa hè, mỗi năm chi phí năng
lượng tại Khách sạn công đoàn Sông Hương lên tới hàng tỷ đồng. Theo thống kế,
năm 2008 chi phí sử dụng nước là khoảng 232 triệu đồng, chi phí điện năng trên
580 triệu đồng.
Lãnh đạo khách sạn cho biết, mặc dù yêu cầu
sử dụng lớn tuy nhiên khả năng TKNL của khách sạn vẫn cao. Biết cách sử dụng
hợp lý, khách sạn có thể tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chỉ bằng một
phép tính đơn giản cũng có thể thấy được lợi ích của việc tiết kiệm điện. Kết
quả khảo sát cho thấy, năm 2008, trung bình lượng điện tiêu thụ tại khách sạn
là 11,7 Kwh/phòng/ngày. Nếu sử dụng tiết kiệm được 1 Kwh/phòng/ngày mỗi năm đã
có thể tiết kiệm được 36 nghìn Kwh tương đương 80 triệu đồng.
Cũng như những hoạt động kinh doanh dịch vụ khách sạn khác, tiềm năng TKNL tại khách sạn công đoàn Sông Hương tập trung phần lớn ở hệ thống chiếu sáng và hệ thống tạo nhiệt như điều hòa, nước nóng. Kết quả kiểm toán năng lượng và áp dụng thực tế, với những giải pháp đầu tư hiệu quả, tiềm năng TKNL tại khách sạn trên 116 triệu đồng/ năm.
Hệ thống chiếu sáng
Theo thống kê của bộ phận quản lý khách sạn, số
lượng bóng sợi đốt 25W được sử dụng trong phòng là 94 bóng, thời gian hoạt động
trung bình của mỗi đèn là 4h/ngày, hệ số sử dụng đèn 60%.
Thay bóng đèn sợi đốt 40W bằng bóng compact 9W, mỗi năm khách sạn tiết kiệm được
trên 3,5 triệu đồng
Với biện pháp thay thế thay toàn bộ lượng bóng đèn
trên bằng bóng compact 9W cho độ sáng tương đương, khách sạn đã tiết
kiệm được 60% điện năng tiêu thụ so với bóng sợi đốt. Giải pháp
này chi phí đầu tư thấp, chỉ khoảng 2 triệu đồng, mỗi năm tiết kiệm được khoảng
2,5 triệu đồng tương đương giảm khí thải nhà kính trên 1,1 tấn
GHG/năm.
Với những bóng sợi đốt 40W khách sạn cũng tiến hành
thay thế toàn bộ bằng bóng compact 9W. Kết quả là tiết kiệm được
trên 3,5 triệu đồng/ năm. Giải pháp này cần chi phí đầu tư 1,3
triệu đồng, chỉ sau 5 tháng đã có thể hoàn vốn.
Không chỉ mang lại lợi ích tiết kiệm điện ở hệ
thống chiếu sáng, giải pháp thay thế bóng sợi đốt bằng bóng compact còn
giúp giảm nhiệt năng tỏa ra do đó phụ tải làm lạnh ở hệ thống điều hòa
cũng được giảm xuống.
Hệ thống nhiệt nóng – lạnh
Kết quả khảo sát của đội kiểm toán cho thấy, 100
phòng khách sạn sử dụng chủ yếu sử dụng hai loại bình nước nóng loại 50 lít và
30 lít, công suất 2.580W và 1220W. Phần lớn trong số đó đều đã cũ do đó tiêu
tốn nhiều điện năng, nhiệt độ nước tăng chậm. Thông thường muốn có nước nóng sử
dụng khách dùng phòng cần phải bật công tắc trước đó từ 15 phút gây bất tiện và
phiền hà.
Giải quyết thực trạng trên, Trung tâm tư vấn ứng dụng và
phát triển các ngành công nghiệp Thừa Thiên Huế đã tư vấn lắp đặt 2 cụm nước
nóng năng lượng mặt trời mỗi cụm 2 m3 tại Khách sạn công đoàn Sông Hương.
Sử dụng bình đun nước nóng năng lượng mặt trời có thể tiết kiệm cho khách sạn mỗi ngày khoảng gần 400 nghìn đồng
Với điều kiện khí hậu ở Huế, mỗi năm
trung bình có khoảng 260 ngày nắng, rất thích hợp tận dụng ánh nắng tự
nhiên để đun nước nóng. Vào ngày nằng, hệ thống dàn năng lượng mặt trời có thể
cung cấp nước với nhiệt độ 70oC, hoàn toàn không cần sử dụng thêm bình đun nước
nóng bằng điện.
Theo tinh toán, sử dụng bình đun nước nóng năng lượng
mặt trời có thể tiết kiệm cho khách sạn mỗi ngày khoảng gần 400
nghìn đồng.
Vào những ngày mưa gió, hệ thống này không hoàn toàn
cung cấp đủ nước nóng. Để có lượng nước nóng theo ý muốn và phát huy hết
tác dụng của thiết bị, nước sau khi ra khỏi bồn nước nóng được lắp nối đến các
bình nước nóng của khách sạn, khi nhiệt độ nước không đạt yêu cầu các bình nước
nóng sẽ tiếp tục gia nhiệt bổ sung. Việc kết hợp này sẽ tiết kiệm được 20-25%
điện năng tương đương 65 nghìn VNĐ/ngày.
Tổng hợp mức độ tiết kiệm khi sử dụng
hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời tại khách sạn công đoàn
Sông Hương lên tới gần 110 triệu đồng/ năm và giảm trên 91 nghìn tấn GHG/năm ra
môi trường. Với chi phí đầu tư ban đầu là 180 triệu đồng, ước tính sau khoảng
20 tháng khách sạn có thể thu hồi vốn.
Hùng Linh