Thứ tư, 06/11/2024 | 08:47 GMT+7

Chính sách cho an ninh năng lượng

07/06/2010

Các nguồn nhiên liệu hóa thạch và nguyên liệu thô dần cạn kiệt, giá nguyên, nhiên liệu tăng... Ứng phó với tình trạng đáng lo ngại này không gì khác hơn là phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh học, năng lượng từ gió, nước và từ các nguồn địa nhiệt.

Theo nhận định của các chuyên gia về năng lượng tái tạo, nếu không có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, không thể nào phát triển được nguồn năng lượng này.

 

Vấn đề đặt ra là trong hoàn cảnh của VN hiện nay cần những chính sách cụ thể nào để có thể phát triển nhanh nguồn năng lượng tái tạo?

 

Nguồn năng lượng vô tận

 

Theo TS Tạ Bá Hưng - Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học Công nghệ quốc gia, các nguồn năng lượng từ mặt trời và gió luôn được tái tạo từ ngày này qua ngày khác và có mặt ở khắp nơi.

 

Về năng lượng gió, chúng ta có mặt biển rộng, cứ mỗi một m2 vùng hải đảo có thể khai thác được từ 860 - 1.410 kWh và vùng duyên hải từ 800-1.000 kWh trong 1 năm. VN được đánh giá là nước có tiềm năng tương đối tốt về các nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài mặt trời, gió, còn có nguồn năng lượng từ 200 con suối nước nóng (từ 40-150 độ C), có thể biến thành nguồn phát điện. Ngoài ra, chúng ta còn có hàng triệu tấn phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, trấu, bã mía...


 100606p3aa1.jpg


Đèn chiếu sáng được lắp đặt tại Công viên 23 Tháng 9 (TP.HCM), sử dụng năng lượng từ mặt trời và gió


Ngay cả trong việc sản xuất lương thực cũng có thể tạo ra được nguồn năng lượng. Tại các nhà máy sản xuất tinh bột mì, các chất gây ô nhiễm thải ra trong quá trình sản xuất có hàm lượng COD, BOD rất cao. Nếu các chất ô nhiễm này được cho vào hầm ủ, sẽ tạo ra khí biogas để sản xuất điện. Đây là bài toán kinh tế rất tốt. Như trong một nhà máy sản xuất có lượng nước thải khoảng 300m3/ngày, nếu đầu tư thêm một nhà máy phát điện từ khí biogas với vốn khoảng 1,5 triệu USD, có thể tạo ra nguồn điện bán lại cho Nhà nước được khoảng 250.000 USD/năm.

 

Nhà máy này còn bán được chứng chỉ giảm phát thải CDM (cơ chế phát triển sạch - Clean Development Mechanism, theo Nghị định thư Kyoto, nhằm làm giảm sự phát thải khí nhà kính trên phạm vi toàn cầu thông qua cơ chế đầu tư giữa các nước công nghiệp phát triển với các nước đang phát triển), có thể được thêm mấy trăm ngàn USD/năm nữa. Ngoài ra, bùn lắng của nhà máy còn được dùng làm phân bón, cũng có thể bán được. Như vậy, nhà máy vừa có 3 nguồn có thể kinh doanh, vừa giải quyết được bài toán môi trường.

Một chuyên gia về năng lượng mặt trời cho biết: Ở Úc, nhà đầu tư sản xuất điện mặt trời được nhà nước hỗ trợ ban đầu 75% vốn, doanh nghiệp chỉ bỏ ra 25%, giá điện mặt trời bán ngang bằng với giá điện của nhà nước. Còn ở Đức và Pháp, doanh nghiệp bỏ ra 100% vốn đầu tư, nhưng sẽ được nhà nước hỗ trợ bằng việc mua lại điện mặt trời với giá cao hơn giá điện của nhà nước. Nếu VN có chính sách tốt như ở các nước để ủng hộ cho việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, thì sẽ có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn ra làm. Chính phủ cần có chính sách mua điện tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo với giá cao để khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư.

 Nhưng suất đầu tư quá lớn

Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo còn rất hạn chế, bởi suất đầu tư quá lớn, cao hơn rất nhiều nếu so với các nguồn năng lượng truyền thống. Để tạo ra một nguồn điện có công suất 1 kW, điện gió phải đầu tư từ 2.500 - 3.000 USD, trong khi nhiệt điện chạy than, khí đốt chỉ tốn khoảng 2.000 USD. Với chi phí đầu tư cao như vậy, điện sản xuất từ gió phải có giá từ 0,8 - 1,2 USD/kWh thì mới hấp dẫn nhà đầu tư.

Một chuyên gia về điện mặt trời cho biết, lắp đặt pin mặt trời phục vụ nhu cầu cho một gia đình phải tốn từ 60-100 triệu đồng. Nếu đầu tư điện mặt trời ở vùng có lưới điện quốc gia thì rõ ràng là không kinh tế. Do vậy, các nguồn năng lượng từ mặt trời, gió... gần như đang trong giai đoạn khai thác thí điểm, không đáng kể, chủ yếu được lắp đặt trên các hải đảo và vùng sâu, vùng xa.

Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, phát triển nguồn năng lượng nào cũng phải dựa trên nền tảng hiệu quả đầu tư của nó. Gần đây, chúng ta thấy các nhà máy thủy điện nhỏ phát triển rất mạnh mẽ do có ưu thế là suất đầu tư thấp. Biogas, biomass cũng vậy, vì nông nghiệp là thế mạnh của VN. Các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng mới khi đến VN đều quan tâm tới các phế phẩm từ nông nghiệp như trấu, gỗ, vỏ cà phê, rơm rạ...

Cần có chính sách hỗ trợ

Theo nhận định của các chuyên gia về năng lượng tái tạo, nếu không có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, không thể nào phát triển được nguồn năng lượng này. Vai trò của Nhà nước không chỉ lo nguồn năng lượng cho hiện tại mà còn phải định hướng tới tương lai phát triển bền vững.

Ông Huỳnh Kim Tước cũng nhấn mạnh, kinh nghiệm của các nước cho thấy nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì không thể phát triển được. Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng nghị định về hỗ trợ cho các nguồn năng lượng tái tạo và Bộ Tài chính sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan xây dựng thông tư hướng dẫn về các mức hỗ trợ. Như vậy, sẽ tạo động lực kích thích thị trường năng lượng mới phát triển.

Song song đó, cần có nhiều chính sách khác như phát triển nguồn năng lực; chính sách đầu tư, huy động nguồn vốn; đồng thời cần xây dựng các tiêu chuẩn, công nghệ và quy hoạch. Chẳng hạn nếu muốn phát triển nhiên liệu có nguồn gốc sinh học như dầu biodiesel, xăng sinh học thì cần quy hoạch vùng nào trồng cây jatropha (còn có các tên gọi: cây dầu lai, dầu mè, cọc rào), vùng nào trồng cây lương thực, hay vùng nào cho điện gió, điện mặt trời... và sớm công bố quy hoạch công khai.

Theo Tuổi Trẻ