Thứ ba, 05/11/2024 | 23:36 GMT+7

Đa dạng biện pháp tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà

27/05/2010

Để khuyến khích, tôn vinh các công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, từ năm 2008 Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội, UBND TP HCM tổ chức cuộc thi “Tòa nhà hiệu quả năng lượng”. Qua 3 năm tổ chức, cuộc thi đã thu hút sự quan tâm của trên 100 tòa nhà. Đặc biệt, Việt Nam đã có năm tòa nhà đạt giải khu vực Đông Nam Á.

Nằm trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm quốc tế  năng lượng hiệu quả - môi trường Hà Nội lần thứ 2 (Entech Hanoi 2010), Sở Công thương, Trung tâm tiết kiệm năng lượng (TKNL) Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà”. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra nhiều biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với những công trình xây dựng.

 

Thực trạng và tiềm năng

 

Kết quả điều tra do Bộ Xây dựng kết hợp với Trung tâm TKNL Hà Nội, Trung tâm TKNL TP Hồ Chí Minh thực hiện đối với những tòa nhà cho thấy: Tòa nhà trụ sở cơ quan hành chính năng lượng tiêu hao cho điều hòa chiếm đến 75% còn lại là thang máy, chiếu sáng, thiết bị văn phòng. Tòa nhà trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn mức tiêu hao năng lượng chủ yếu cũng tập trung ở hệ thống điều hòa không khí (60 đến 70%).


toa nha.jpg


Chỉ tính riêng đối với 94 tòa nhà, trụ sở làm việc được khảo sát tại Hà Nội, năm 2008 điện năng tiêu thụ hết khoảng 460 triệu Kwh, tăng 9,8% so với năm 2007.

 

Việc sử dụng năng lượng hiện nay tại các công trình xây dựng Việt Nam còn nhiều lãng phí, bất hợp lý dẫn đến hiệu quả sử dụng chưa cao. Các tòa nhà cao tầng như văn phòng, công sở, khách sạn, các chung cư là thành phần chủ yếu trong tiêu thụ năng lượng thương mại và dịch vụ. Mức tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ chiếm 10% và dự báo trong vòng 10 năm tới nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực này tăng gấp 3,6 lần, do các tòa nhà thương mại được xây dựng ngày càng tăng.


Ông Nguyễn Công Thịnh, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết “Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế của đất nư­ớc, tốc độ tăng tr­ưởng của các đơn vị doanh nghiệp nói riêng và của ngành Xây dựng nói chung cũng đạt mức cao, từ 12%-16%/năm. Đi đôi với sự tăng tr­ưởng của sản xuất, mức tiêu thụ năng lư­ợng và tài nguyên thiên nhiên trong các khu vực xây dựng ngày càng gia tăng và rất khó kiểm soát. Hiện nay tổng năng lượng tiêu dùng trong khu vực xây dựng ước tính chiếm khoảng từ 20 đến 24% tổng năng lượng quốc gia”.


Theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng TKNL trong các công trình xây dựng ở Việt Nam tương đối lớn ở cả các công trình xây dựng mới và các công trình đang sử dụng hoặc sắp cải tạo.


Đối với các công trình mới nếu áp dụng đồng bộ các biện pháp thiết kế kiến trúc, sử dụng các vật liệu TKNL, lắp đặt và vận hành các trang thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, có cán bộ quản lý năng lượng đủ trình độ thì có thể tiết kiệm 30-40% năng lượng tiêu thụ so với các công trình khác.

Đối với các công trình đang hoạt động hoặc sắp cải tạo, nếu tiến hành kiểm toán năng lương và sau đó triển khai áp dụng những giải pháp TKNL thì cũng có thể tiết kiệm từ 15-25% chi phí năng lượng.


Nhiều giải pháp hiệu quả


Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà không chỉ góp phần làm giảm chi phí cho doanh nghiệp mà còn phù hợp với mục tiêu của Chính phủ, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.


Để thực hiện giải pháp TKNL tối ưu trong các tòa nhà cao tầng không chỉ dựa vào các yếu tố kỹ thuật mà phải dựa vào các yếu tố tự nhiên trong xây dựng như khoảng không gian xanh để lấy ánh sáng và không khí từ thiên nhiên. Ngoài ra, giải pháp đơn giản nhất là tắt các thiết bị sử dụng năng lượng khi không cần thiết nhưng vẫn đảm bảo cho công việc vận hành tốt, hệ thống quản lý năng lượng tốt...


Sheraton Hanoi Hotel.jpg


Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra nhiều biện pháp kỹ thuật giúp TKNL hiệu quả cho các công trình xây dựng. Cụ thể, phương pháp xây dựng đường cơ sở tiêu thụ năng lượng (BENCHMARK) cho các tòa nhà trụ sở làm việc nhằm mục đích  đưa ra các chuẩn tiêu thụ năng lượng giúp các tòa nhà so sánh, đánh giá thực trạng tiêu thụ năng lượng.


Trong bài phát biểu của mình, ông Sakamoto Yasuhiro, Trung tâm công nghệ bơm nhiệt và trữ nhiệt Nhật Bản, cho biết công nghệ sử dụng bơm nhiệt nhằm TKNL năng lượng đang được khá phổ biến và hiệu quả tại Nhật. Bơm nhiệt không chỉ có tác dụng biến đổi các nguồn nhiệt không khí, nước, đất, đá có nhiệt độ thấp thành nhiệt độ cao để gia nhiệt mà còn có chức năng ngược lại như máy làm lạnh.


Hiện tại Hội đồng công trình xanh Việt Nam VGBC đang tiến hành công cụ quản l ý năng lượng thông qua Lotus cho 3 tòa nhà bao gồm tòa nhà của LHQ tại Hà Nội, tòa nhà văn phòng và nhà máy Công ty CP Moc Bai  tại Miền Nam.


Theo ông Yannick Lillet, giám đốc điều hành công trình tòa nhà xanh, công cụ Lotus được xây dựng dựa trên hệ thống đánh giá được thừa nhận trên thế giới và điều chỉnh cho thích ứng với Việt Nam. Với công cụ này, chi phí doanh nghiệp phải đầu tư thấp hơn, dễ sử dụng mà lại đạt được hiệu quả theo tiêu chí cao nhất trên toàn cầu.


Hiện tại, để khuyến khích, tôn vinh các công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, từ năm 2008 Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội, UBND TP HCM tổ chức cuộc thi “Tòa nhà hiệu quả năng lượng”. Qua 3 năm tổ chức, cuộc thi đã thu hút sự quan tâm của trên 100 tòa nhà. Đặc biệt, Việt Nam đã có năm tòa nhà đạt giải khu vực Đông Nam Á. Đây cũng chính là biện pháp hữu hiệu giúp các tòa nhà phát hiện tiềm năng và thực hiện các giải pháp TKNL đồng thời giúp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho đông đảo người dân, doanh nghiệp.

 

Trần Linh