Thứ năm, 26/12/2024 | 19:17 GMT+7
Theo báo cáo của Điện lực Kiên Giang, sản lượng điện bình quân hiện nay được phân bổ cho tỉnh là khoảng 3.800.000kWh/ngày, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của nhân dân, do đó Điện lực phải cắt điện luân phiên để điều tiết đảm bảo lượng điện tiêu thụ giảm khoảng 600.000kWh/ngày. Nguyên nhân của tình trạng thiếu điện là do nắng hạn kéo dài từ cuối năm 2009 đến nay làm cho các hồ thuỷ điện không tích nước đủ để chạy máy phát điện đúng công suất bình thường. Mặt khác, thời tiết nắng nóng gay gắt đã góp phần đẩy lượng điện tiêu thụ trong các hộ dân tăng cao.
Để khắc phục phần nào tình trạng thiếu điện, ngày 27/4/2010 Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ra Chỉ thị chỉ đạo thực hiện việc tiết kiệm điện trên địa bàn toàn tỉnh. Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành thêm công văn về việc sử dụng tiết kiệm điện và đảm bảo cung cấp điện trong các tháng mùa khô năm 2010.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành cấp tỉnh, các huyện, thị, thành phố, các doanh nghiệp và nhân dân thực hiện tốt hơn nữa việc tiết kệm điện. Cơ quan nhà nước các cấp cần sắp xếp lịch làm việc phù hợp theo lịch cắt điện luân phiên của từng địa phương. Các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với lịch cắt điện của Điện lực… Điện lực Kiên Giang có trách nhiệm sắp xếp lịch cắt điện hợp lý và có thông báo cụ thể để các doanh nghiệp và nhân dân chủ động trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.
Được biết, tình trạng thiếu điện vào mùa khô đã diễn ra từ nhiều năm, nhưng năm nay hạn hán gay gắt dẫn đến tình trạng thiếu điện nghiêm trọng trên phạm vi cả nước. Không thể trông chờ vào ngành điện, nhiều hộ dân tùy theo điều kiện của mình đã đổ xô đi mua máy phát điện các loại, hộ ít tiền hơn thì chọn mua quạt tích điện có thể sạc pin để “chữa cháy” trong những ngày cắt điện luân phiên nóng nực. Tại cửa hàng điện máy Phan Hùng (trên đường Nguyễn Trung Trực, TP. Rạch Giá), giá các loại quạt tích điện dao động từ 650.000đ – 890.000đ. Nhân viên cửa hàng quảng cáo đây là các loại quạt xuất xứ từ Hàn Quốc, Đài Loan. Trong khi một khách hàng lật tới lật lui chiếc quạt tích điện giá 890.000đ để tìm dòng chữ Made in Korea cũng không thấy đâu cả.
Một khách hàng khác phân trần: “Mới tuần trước, hàng xóm của tui mua quạt tích điện loại có đèn sạc giá chỉ 750.000đ, nay đã vọt lên 890.000đ rồi”. Thị trường máy phát điện cũng “lên cơn sốt”, giá nhích từng ngày. Chủ một cửa hàng bán máy phát điện trên đường Trần Phú vừa bán máy cho khách vừa thúc: “Mua đại đi chú em, hàng lúc này hiếm lắm, không mua vài ngày lại lên giá nữa đó”. Bác Trương Thị Thanh (67 tuổi ngụ phường Vĩnh Quang) - làm nghề bán vé số dạo – một tay cầm vé số mời khách, một tay cầm chiếc nón lá quạt liên tục - than: “Nóng quá trời, trưa nay cúp điện không dám về nhà, về là chết nóng trong nhà luôn. Mấy ông Điện lực không xem xét cúp mỗi ngày chừng 5 – 6 tiếng vào buổi sáng thôi, từ buổi trưa tới chiều, tối phải có điện để dân bớt khổ”.
Theo Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung ương, các tỉnh Bắc bộ, bắc và trung Trung bộ hiện rơi vào đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất trong ngày có nơi lên tới 400C. Ở Nam bộ, một số địa phương ven biển xuất hiện mưa rải rác, tuy nhiên lượng mưa không lớn, chỉ đủ làm ẩm đất và dịu bớt không khí. Thời tiết nắng nóng có khả năng sẽ còn tiếp tục trên diện rộng đến hết tháng 6, do đó tình trạng thiếu điện sẽ còn kéo dài ít nhất đến thời điểm bắt đầu có mưa rào trên phạm vi cả nước.
Kiên Giang