Thứ bảy, 23/11/2024 | 17:47 GMT+7

TP Quy Nhơn tiết kiệm năng lượng, không tiết kiệm ánh sáng

04/05/2010

Với những kết quả đạt được, Quy Nhơn đã rất thành công trong việc phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan quản lý và người dân cùng xây dựng và triển khai hiệu quả mô hình chiếu sáng hiệu suất cao trên địa bàn với phương châm đảm bảo chiếu sáng, phát huy hết chức năng định vị, hướng dẫn tạo điểm nhấn, thẩm mỹ, đảm bảo an ninh trật tự của hệ thống với tinh thần “Không tiết kiệm ánh sáng mà tiết kiệm năng lượng”.

Được công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Bình Định, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của khu vực miền Trung với dân số khoảng 350.000 người, Quy Nhơn phát triển khá đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị, luôn nỗ lực đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội bền vững, có bản sắc riêng, từng bước thực hiện tốt vai trò đô thị động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

 

qnhon1.jpg


Thành phố Quy Nhơn trên đà phát triển

 

Trước năm 2000, hệ thống chiếu sáng công cộng Thành phố Quy Nhơn chủ yếu sử dụng bóng cao áp thủy ngân, chóa đèn có hệ số hiệu dụng - hệ số phản quang - hệ số truyền qua kính bảo vệ - cấp bảo vệ IP thấp, chiếu sáng 01 chế độ (chiếm 90%) nên tiêu thụ điện năng lớn, gây lãng phí, hiệu quả chiếu sáng không cao.


Chủ trương đúng đắn


Để giải quyết tình trạng trên, năm 2001, Thành phố Quy Nhơn đã ban hành quy định về quản lý vận hành và phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng thành phố. Trong đó quy định đơn vị quản lý vận hành phải tăng cường kiểm tra, điều chỉnh chế độ hoạt động của hệ thống đèn cho phù hợp với thời tiết, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, tránh lãng phí. Bên cạnh đó, thông qua đề án tiết kiệm điện năng trong chiếu sáng, thành phố đã cải tạo nâng cấp để vận hành hệ thống với công suất hợp lý theo 2-3 chế độ, từng bước nâng cao hiệu suất. Triển khai công tác cải tạo nâng cấp, phát triển hệ thống chiếu sáng theo quy hoạch được duyệt hướng tới mục tiêu đảm bảo ánh sáng, tiết kiệm tối đa năng lượng.


Gần đây, Quy Nhơn đã triển khai cuốn chiếu việc thay nguồn sáng hiệu suất thấp bằng nguồn sáng có hiệu suất cao: thay bóng cao áp thủy ngân 250W bằng bóng Sodium 210W, 125W bằng bóng 110W. Trong các ngõ hẻm, bóng cao áp thủy ngân 80W được thay thế bằng đèn Compact 2x23W, hoặc 2x18W và 23W đồng thời triển khai ứng dụng nguồn sáng Led, thường xuyên kiểm tra hiệu chỉnh công suất, độ cao, góc đặt đèn ở từng vị trí cho phù hợp.


Hưởng ứng từ người dân


Nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống chiếu sáng trong hẻm (kiệt, ngõ xóm) trong khi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước còn hạn chế. Từ năm 2000 thành phố có chủ trương thực hiện chiếu sáng hẻm, theo giải pháp nhà nước và nhân dân cùng làm: Nhà nước (Công ty được giao nhiệm vụ), phối hợp với địa phương cùng triển khai khảo sát, thiết kế lựa chọn phương án tối ưu trong việc sử dụng kết cấu lưới điện (cột đèn và dây dẫn), địa phương và nhân dân đóng góp đầu tư cột và dây dẫn. Nhà nước đầu tư bộ đèn, cần cùm xà, công lắp đặt, quản lý chế độ chiếu sáng, chi trả tiền điện và duy tu bảo dưỡng. Kết quả trong thời gian qua đã triển khai thực hiện với tổng chiều dài chiếu sáng khoảng 50 Km, sử dụng khoảng 1.150 bộ đèn Compact và đèn có công suất nhỏ (12-70W) góp phần nâng tỷ lệ chiếu sáng hẻm đạt 90%, nhưng quan trọng ngoài sự vận động, đóng góp của nhân dân trong việc phát triển chiếu sáng công cộng, sử dụng loại đèn hiệu suất cao, đóng ngắt tự động theo quy định chung, đảm bảo chiếu sáng, quản lý và tiết kiệm năng lượng còn giúp cho đơn vị trong việc phối hợp bảo vệ quản lý vận hành hệ thống trong khu vực hẻm.


Sự thành công trong công tác chiếu sáng tại thành phố Quy Nhơn có được cũng một phần là nhờ sự quan tâm, tài trợ của một số tổ chức như Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) với dự án Chiếu sáng công cộng hiệu suất cao. Dự án đã hỗ trợ thành phố trình diễn 21 hạng mục công trình, lắp đặt thay thế được 2.050 bộ đèn hiệu suất cao, cải tạo được 30 Km tuyến chiếu sáng theo hướng tiết kiệm điện, giảm được 720.000Kwh/năm cho các hạng mục trình diễn, về nội dung tư vấn đã tổ chức thực hiện gần 48 đợt khảo sát và báo cáo, trong đó quan trọng nhất là tổ chức đánh giá hiện trạng hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao trên địa bàn thành phố, tổ chức kiểm toán năng lượng. Đến nay các mô hình trình diễn này đã được nhân rộng trên phạm vi toàn thành phố và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Ngoải ra, để vận hành tốt hệ thống chiếu sáng mới được trang bị, dự án đã hỗ trợ đào tạo 25 lượt công nhân cán bộ kỹ thuật trong việc thiết kế thi công quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng hiệu suất cao, phối hợp với thành phố tổ chức hội thảo “Định hướng chiến lược về các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng đô thị”


Với những kết quả đạt được, Quy Nhơn đã rất thành công trong việc phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan quản lý và người dân cùng xây dựng và triển khai hiệu quả mô hình chiếu sáng hiệu suất cao trên địa bàn với phương châm đảm bảo chiếu sáng, phát huy hết chức năng định vị, hướng dẫn tạo điểm nhấn, thẩm mỹ, đảm bảo an ninh trật tự của hệ thống với tinh thần “Không tiết kiệm ánh sáng mà tiết kiệm năng lượng”.


Huyền Anh