Thứ sáu, 01/11/2024 | 21:37 GMT+7
Tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về sử dụng năng
lượng tiết kiệm và hiệu quả, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Ninh Bình được giao thực
hiện dự án “Triển khai mô hình hộ gia đình sử dụng hầm Biogas tiết kiệm năng lượng
địa bàn tỉnh Ninh Bình”.
Không những đủ gas đun nấu, nhiều hộ gia đình còn dùng gas để thắp sáng
Sau hai năm thực hiện mô hình “Gia đình sử dụng hầm biogas tiết kiệm năng lượng”, Ninh Bình được đánh giá là một trong những mô hình đem lại hiệu quả thiết thực và trở thành điển hình trong cả nước về hoạt động TKNL.
Bài toán kinh tế
Hội Phụ nữ Ninh bình đưa ra số liệu rất thuyết phục. Nếu một
hộ gia đình có 4-6 người, đun nấu bếp kiềng trong thời gian một năm, nếu đun
rơm thì sử dụng hết 3.600 kg rơm. Tính bằng củi là 3.240 kg. Một hộ gia đình
tương đương sử dụng đun bằng bếp đun cải tiến cần chất đốt là 1.080 kg, tính bằng
củi là 972 kg.
Những thợ xây lành nghề được tập huấn bài bản để đảm bảo xây hầm Biogas đúng kỹ thuật
Trung bình mỗi hộ gia đình một tháng sử dụng hết 120.000đ tiền gas công nghiệp cho việc đun nấu thức ăn, 90.000đ điện thắp sáng. Nếu sử dụng hầm biogas mỗi tháng sẽ tiết kiệm được 100% tiền chất đốt và tiền điện. Ước tính mỗi năm một hộ gia đình có thể tiết kiệm được 2.520.000 đồng. Trong khi đó, nếu xây dựng hầm biogas 10m3 chỉ hết khoảng 6 triệu đồng. Như vậy, sau 2 năm có thể hoàn được vốn đầu tư ban đầu.
Từ những thông số rất sát với thực tế đó, cộng với thuận lợi
khi có được nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình MTGQ về sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả, chỉ trong vòng hai năm, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Ninh Bình đã triển khai hỗ trợ
xây dựng 530 hầm biogas trong Đề án.
Hiện toàn bộ 100% hầm đều đạt tiêu chuẩn về kỹ thuật, đảm bảo
về thẩm mĩ, sinh khí tốt (ngọn lửa xanh, đều, ít muội), sử dựng an toàn. Nhiều
gia đình không chỉ dùng làm chất đốt mà còn sử dụng thắp sáng, sưởi ấm cho gà,
lợn, ấp trứng, sấy nấm.
Đi tiên phong trong mô hình hộ gia đình sử dụng hầm biogas tiết kiệm năng lượng ở Ninh Bình là 3 xã: xã Khánh Công, Khánh Lợi (Yên Khánh), xã Yên Nhân (Yên Mô), mỗi xã có đến hàng trăm hầm biogas đang hoạt động.
Tại xã Khánh Lợi, gia đình chị Bùi Thị Hường nuôi hơn 1.000 con gia cầm xây dựng hầm Biogas từ năm 2009 không những giúp xử lý chất thải, ấp trứng vịt lộn, sưởi ấm cho gà, vịt con mới nở mà toàn bộ hệ thống điện thắp sáng trong gia đình và trang trại đều tận dụng từ biogas.
Gia đình chị Phạm Thị Thắm ở xã Khánh Công chăn nuôi mô hình
trang trại với khoảng 200 con lợn, xây dựng hầm năm 2009... Qua một năm hoạt động,
ước tính mỗi tháng mỗi gia đình tiết kiệm được khoảng 300-500.000 đồng tiền mua
nhiên liệu để đun nấu và thắp sáng.
Lợi ích “sau” biogas
Không chỉ hưởng lợi từ việc sử dụng khí biogas, nhiều gia
đình tận dụng nước, bã thải của hầm biogas làm thức ăn cho cá, làm phân vi sinh
hoặc tưới cho rau, mang lại nguồn phân bón an toàn cho canh tác, hạn chế côn
trùng phát triển, qua đó giúp giảm dịch hại từ 70-90%, bảo vệ sức khỏe người
dân.
Bằng truyền thông Hội phụ nữ Ninh bình đã triển khai được gần 1000 hần Biogas cho các hộ gia đình
Dự án không chỉ thành công khi xây hầm biogas, Hội phụ nữ
Ninh Bình còn rất bài bản khi triển khai các chương trình truyền thông liên qua
đến hoạt đồng này. Hội phụ nữ tỉnh đã tiến hành thành lập ban điều hành đề án tỉnh,
tiếp đó là các ban điều hành ở cấp xã. 330 phiếu khảo sát nhu cầu xây dựng hầm biogas
đã được Hội thiết kế và in ấn đồng thời tổ chức khảo sát 330 hộ gia đình ở 11
xã thuộc các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Khánh, Yên Mô.
Do tổ chức thực hiện một cách khoa học, bám sát nội dung thực
tiễn nên công tác triển khai nhanh chóng, đạt được tiến độ và chất lượng. Đặc
biệt, đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên của Hội đều nhiệt tình và trách
nhiệm, đội ngũ thợ kỹ thuật được đào tạo có tay nghề kinh nghiệm và sáng tạo
trong thi công.
Hội đã xây dựng và in ấn 110 bộ tài liệu “Hướng dẫn xây dựng
thiết bị khí sinh học” phát cho 100% cán bộ truyền thông, thợ xây. Bên cạnh đó,
2.450 tờ rơi về hầm biogas cũng được các
cán bộ truyền thông chuyển tới tận tay các hội viên hội phụ nữ và các hộ gia đình
ở 11 xã thực hiện dự án.
Thành công từ Dự án còn phải kể đến công tác truyền thông của
chương trình. Việc truyền thông đã giúp người dân hiểu hơn về TKNL, về vệ sinh
môi trường. Từ kết quả, lợi ích thực tế của các hộ gia đình tham gia Dự án và
công tác truyền thông rất thuyết phục của Hội mà hiện nay có nhiều hộ gia đình khác
ngoài Dự án cũng đã xây hầm biogas để có khí biogas sử dụng. Hiện có tới 409 hầm
biogas của các hộ gia đình tự bỏ kinh phí ra xây dựng.
Một hộ gia đình dùng biogas để đun nấu
Việc sử dụng hầm biogas khẳng định hướng phát triển kinh tế gia đình khép kín là đúng đắn, từ chăn nuôi - trồng trọt để lấy nguyên liệu nạp hầm biogas, ngược lại sử dụng Biogas sẽ có phân bón cho trồng trọt, thức ăn cho chăn nuôi.
Ninh Bình là một tỉnh nông nghiệp, mô hình chăn nuôi lớn theo quy mô trang trại đang phát triển mạnh mẽ. Qua khảo sát, nhu cầu xây dựng hầm biogas ở các hộ nông dân còn nhiều. Việc phát triển mô hình biogas không chỉ mang lại lợi ích tiết kiệm năng lượng, hiệu quả về mặt kinh tế, môi trường mà còn góp phần giải phóng sức lao động cho chị em phụ nữ.
Trần Liễu