Thứ bảy, 23/11/2024 | 06:04 GMT+7

Ngành giấy Việt Nam tiết kiệm năng lượng

20/04/2010

Về chiến lược đào tạo, TCT Giấy cũng đã cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn “Quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp giấy” do Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương tổ chức nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ trong ngành.

Năm 2010, Tổng Công ty Giấy Việt Nam (TCT Giấy) đặt mục tiêu phấn đấu sản xuất 296.350 tấn giấy các loại, tăng 26% so với năm 2009, đưa giá trị sản xuất công nghiệp lên 3.000 tỷ đồng, phấn đấu đạt mức doanh thu 5.330 tỷ đồng.


san_xuat giay_03.jpg


Cùng với việc mở rộng sản xuất, công tác tiết kiệm năng lượng cũng được lãnh đạo TCT  Giấy hết sức quan tâm


Cũng trong năm nay, các doanh nghiệp (DN) trong toàn TCT Giấy phấn đấu tiêu thụ 311.300 tấn giấy các loại, tăng 24% so với năm trước, đạt mức lợi nhuận 124 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đó, song song với các biện pháp mở rộng và phát triển sản xuất, công tác tiết kiệm năng lượng, bình ổn giá thành cũng được lãnh đạo TCT hết sức quan tâm.

 

Từ “cái khó”…

 

Nhận thức được rằng trong nhiều giải pháp nâng cao sức cạnh tranh thì tiết kiệm luôn phải được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi Nhà nước điều chỉnh giá các loại nhiên liệu đầu vào theo cơ chế thị trường. Công tác tiết kiệm năng lượng và tổ chức hợp lý hóa sản xuất để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm đã được TCT Giấy được đặc biệt ưu tiên.

 

Phân tích cơ cấu tăng giá thành trong quá trình sản xuất bột giấy và giấy cho thấy, trong ba yếu tố đầu vào tác động trực tiếp đến giá thành gồm nguyên liệu thô, vật liệu phụ và nhiên liệu thì mức tăng giá của các loại nhiên liệu phục vụ sản xuất là cao nhất.


Từ cuối năm 2009 đến hết tháng 3, nhiên liệu than, điện, xăng dầu lần lượt được điều chỉnh tăng đồng loạt. Trong đó, than cám 4 A từ 841 nghìn đồng/tấn năm 2009, đến ngày 1-3 tăng lên một triệu 170 nghìn đồng/tấn, tăng 39%, trong khi tỷ trọng cơ cấu giá than trong giá thành sản phẩm xấp xỉ 2,8%. Mặt hàng dầu DO từ 13.269 đồng/kg năm 2009 đến đầu năm 2010 tăng lên 14.900 đồng/kg, tăng 12%.


giay_Song lam_HoangTrinh.jpg


Sản xuất bột giấy và giấy là các lĩnh vực có tiềm năng tiết kiệm năng lượng    .Ảnh Hoàng Trinh


Việc điều chỉnh tăng giá các loại nhiên liệu quan trọng nhất trong sản xuất giấy đã tác động trực tiếp tới giá thành. Thực tế này đòi hỏi TCT Giấy phải nghiên cứu cho ra phương án sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng để ổn định giá thành sản phẩm, giữ được vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường

 

Ra đời các giải pháp

 

Nắm bắt được các cơ hội tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp giấy ở từng bộ phận sản xuất như bố trí mặt bằng nhà máy hợp lý nhằm giảm tối đa cự ly tải điện, lựa chọn thiết bị bơm, quạt, máy nén, động cơ… có hiệu suất cao, vận hành hệ thống máy móc ở nhiều chế độ làm việc phù hợp, tránh tình trạng chạy non tải, sử dụng hiệu quả lượng khí nén, nâng cao hiệu suất năng lượng của hệ thống chiếu sáng hay hạn chế chạy các thiết bị ở chế độ non tải.

 

Nhiều biện pháp sử dụng hiệu quả năng lượng đã được áp dụng trong các nhà máy thuộc  TCT  như thu hồi và tái sử dụng nhiệt thải như tái sử dụng nước nóng ngưng tụ, thu hồi nhiệt lượng từ hơi ẩm máy sấy, từ nồi nấu, các công đoạn nghiền bột cơ học hay từ nước thải nhiệt độ cao.

 

Bên cạnh đó, một số giải pháp cũng đã được áp dụng và đem lại hiệu quả cao được kể đến như cải tạo hệ thống đối lưu để tăng hiệu quả thu hồi bụi, tăng hiệu suất lò, tiết kiệm than, điện. Với giải pháp này, đã giúp TCT tiết kiệm được 24.305 tấn than, giảm lượng điện tiêu thụ khi sản xuất 1 tấn hơi từ 8,4 triệu kwh/tấn xuống còn 7kwh/tấn hơi, tiết kiệm được 667,67 mwh điện (2005). Với giải pháp lắp biến tần, TCT Giấy đã giảm được 25% lượng điện tiêu thụ của động cơ quạt gió và quạt khói lò hơi.

 

giay_01_Cong Duc.jpg


Nhiều biện pháp đồng bộ tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả đã được áp dụng trong TCT Giấy     .Ảnh Công Đức


Ngoài ra, TCT còn liên kết tham gia đầu tư một dây chuyền sản xuất giấy in cao cấp hiện đại, với thiết bị của Nhật Bản để sản xuất giấy in báo tại Công ty cổ phần giấy Bãi Bằng, công suất 50 nghìn tấn/năm. Dây chuyền này sẽ cho ra thị trường sản phẩm trong quý II-2010. Ðồng thời, TCT cũng tham gia đầu tư vào các DN sản xuất vật tư ngành giấy khu vực Việt Trì (Phú Thọ) để chủ động sản xuất vật tư tại chỗ, giảm chi phí vận chuyển, giảm nhập khẩu, những yếu tố này sẽ trực tiếp giúp DN hạn chế tối đa tác động tăng giá đầu vào, giảm giá thành sản phẩm.

 

Về chiến lược đào tạo, TCT Giấy cũng đã cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn “Quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp giấy” do Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương tổ chức nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ trong ngành.

 

Những nỗ lực không ngừng trong thời gian qua, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã dần khẳng định được vị thế trên thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Với đà phát triển đó, ngành giấy Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu dài hạn là đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng giấy, tại thế cạnh tranh với các thị trường trong nước, trong khu vực và quốc tế.

 

Huyền Anh