Thứ tư, 06/11/2024 | 09:50 GMT+7

Lò nung tiết kiệm năng lượng “thổi” sinh khí mới cho Bát Tràng

16/04/2010

Có thể nói, lò nung gốm bằng gas tiết kiệm năng lượng chính là phao cứu sinh cho làng nghề Bát Tràng. Với công nghệ mới này Bát Tràng giờ đây không chỉ có sức cạnh tranh mạnh mẽ về chất lượng, mẫu mã nơi đây còn có thể phát huy hơn nữa tiềm năng du lịch làng nghề vốn đã là thế mạnh từ lâu

Bát Tràng – một làng nghề truyền thống ven sông Hồng nổi tiếng với rất nhiều sản phẩm gốm sứ độc đáo, là niềm tự hào của người dân Hà Nội đồng thời mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt khách đến thăm. Nếu trước đây, khi đến Bát Tràng du khách đều cảm thấy khó chịu do bụi và mùi khói than dày đặc thì giờ đây làng nghề này như thay đổi bộ mặt, không khí trong lành bởi phần lớn lò nung truyền thống từ than đã được người dân chuyển đổi thành lò gas tiết kiệm năng lượng (TKNL).

 

BatTrang01.jpg


Lò nung bằng gas có thể giảm 30% chi phí sản xuất, mỗi năm giúp tiết kiệm khoảng 3000 tấn dầu quy đổi (TOE)


Ông Nguyễn Trọng Thư (Tổng thư ký hiệp hội gốm sứ Bát Tràng) cho biết “Trước đây làng nghề có khoảng 700 lò hộp truyền thống nung than hoạt đồng liên lục gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Những lò hộp này còn thải ra chất rắn công nghiệp tàn phá cây xanh, công trình kiến trúc, nguy hiểm hơn đây còn là nguyên nhân chính làm gia tăng các bệnh như ung thư, bệnh đường hô hấp. Theo khảo sát của hội khi đó, cứ 5 người dân thì có 1 người mắc bệnh do lò nung than đem lại”.

 

Trước thực trạng đó, lò nung gốm bằng gas ra đời như “thổi” vào Bát Tràng luồng sinh khí mới giúp giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Bát Tràng giờ đây đang phát triển mạnh mẽ không còn nồng nặc khói than, không còn ngập ngụa tro xỉ hay phế phẩm đủ kích cỡ mà thay vào đó là diện mạo tươi trẻ của làng nghề thời hội nhập.

 

Thay đổi cách làm truyền thống

 

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, UBND xã Bát Tràng cùng Hiệp hội gốm sứ ngay từ năm 2002 đã tích cực vận động bà con chuyển đổi công nghệ lò nung than sang sử dụng gas. Đặc biệt, từ năm 2003 khi Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ (PECSME) phối hợp bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) được thử nghiệm tại làng nghề này thì mô hình lò gas ngày càng trở lên phổ biến.

 

BatTrang04_TienDung.jpg


 Một lò nung gas 3,5 m3 hiện nay có giá lắp đặt là hơn 120 triệu đồng.      Ảnh: Tiến Dũng

Ông Nguyễn Bá Vinh Quản đốc dự án PECSME cho biết “Riêng tại xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội đã có 100% đơn vị kinh tế, 60% hộ sử dụng lò nung gốm sứ bằng khí ga.

Việc sử dụng lò mới đã rút ngắn thời gian nung, chất lượng và men tốt hơn. Đã có gần 100 dự án được thực hiện tại Bát Tràng, trong đó có 28 hộ được bảo lãnh vốn vay để chuyển đổi từ lò than sang lò ga TKNL trong chương trình “Thúc đẩy ứng dụng lò ga nung gốm tiết kiệm năng lượng”. Thời gian tới, với sự hỗ trợ thêm từ tổ chức Jaica (Nhật bản), dự án phấn đấu đạt mục tiêu thay thế toàn bộ lò nung than bằng lò nung ga.”

 

BatTrang06.jpgNgay từ khi công nghệ sử dụng lò nung gốm bằng gas ra đời và xuất hiện ở Bát Tràng, mô hình này đã nhanh chóng được người dân hưởng ứng.  Nguyên lý hoạt động của lò nung gốm bằng gas đơn giản, cách thức vận hành không phức tạp. Mỗi lò có một, hai thậm chí ba đường ray để xe goòng ra vào lò. Khi làm nguội cửa ống khói đóng lại, các vòi đốt được tắt và sản phẩm được làm nguội tự nhiên trong lò. Khi nhiệt độ trong lò đạt khoảng 1000C - 2000C thì mở cửa lò để kéo xe sản phẩm đã nung chín ra ngoài và đẩy xe mới đã xếp sản phẩm mộc vào lò. Như  thế  vừa tận dụng được nhiệt dư trong lò khi đẩy xe mới vào vừa có thể nung nhiều loại sản phẩm khác nhau cùng một  lúc. Lò gas có thể nung các sản phẩm khác nhau với nhiệt độ nung từ 1.6000C - 1.8000C đồng thời dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ lò để tạo ra những sản phẩm như ý muốn. Lò được thiết kế nhỏ gọn, có thể đặt ngay trong xưởng sản xuất mà không ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân.

 

Tiết kiệm, giảm ô nhiễm, lợi nhuận cao

 

Theo anh Lê Đức Trọng (Giám đốc công ty Cổ phần thiết kế và sản xuất gốm sứ Bát Tràng), lò nung bằng gas có thể giảm 30%, với số lò ga được thực hiện gần 100 cái như hiện nay,  mỗi năm giúp tiết kiệm khoảng 3000 tấn dầu quy đổi (TOE) và giảm phát thải trên 12000 tấn CO2. Lợi nhuận thu được tăng hai đến ba lần so với lò than. Trước đây, tỷ lệ sản phẩm thành phẩm chỉ đạt từ 60 đến 70%, sử dụng lò gas tỷ lệ này đạt đến 98%.

 

Năm 2008, chị Nguyễn Thị Thúy (xóm 2, Bát Tràng) đã đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng lò nung gas và sửa chữa cơ sở vật chất, trong đó nguồn vốn vay được từ dự án PECSME là 500 triệu đồng. Trước đây, để đáp ứng đủ hàng xuất đi theo hợp đồng ba lò nung than nhà chị phải hoạt động suốt ngày đêm mà vẫn không kịp. Cơ sở thường xuyên bị nhỡ chuyến, lỡ hẹn với khách do phải mất từ ba đến năm ngày mới có thể cho ra lò một mẻ. Đó là chưa kể sản phẩm ra không đạt yêu cầu, hư hỏng nhiều. Từ khi sử dụng lò nung bằng gas mỗi ngày cơ sở của chị cho ra lò một mẻ, lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn lên tới trên 95%. Chị Thúy hồ hởi cho biết “Vốn ban đầu bỏ ra là khá lớn, tuy nhiên nếu có hợp đồng đầu ra thuận lợi thì chỉ sau hai năm có thể thu hồi vốn.”

 

BatTrang05.jpgChủ cơ sở Hưng Cách (xóm 4, Thôn Giang Cao, Bát Tràng) cũng phấn khởi khoe “Nhận thấy lợi ích lớn từ việc nung gốm bằng lò gas, cộng thêm nguồn vốn vay được từ dự án cơ sở sản xuất của gia đình đã đầu tư để xây dựng lò dung tích 7m3. Điều nhận thấy trước tiên là nung bằng gas sạch và tiết kiệm được rất nhiều từ nhiên liệu, sức lao động cho đến thời gian ra lò. Về  lâu dài mọi người trong nhà bao gồm người già, trẻ con, công nhân luôn khỏe mạnh, không bị ho, viêm hô hấp như trước đây”.

 

Có thể nói, lò nung gốm bằng gas chính là phao cứu sinh cho làng nghề Bát Tràng. Với công nghệ mới này Bát Tràng giờ đây không chỉ có sức cạnh tranh mạnh mẽ về chất lượng, mẫu mã nơi đây còn có thể phát huy hơn nữa  tiềm năng du lịch làng nghề vốn đã là thế mạnh từ lâu.

 

Trần Liễu