Thứ bảy, 23/11/2024 | 09:27 GMT+7

Thủy điện nhỏ, tiềm năng còn bỏ ngỏ

14/04/2010

Theo thống kê mới đây nhất của Thạc sỹ Nguyễn Minh Việt (Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo) trong khuôn khổ triễn lãm ENEREXPO Việt Nam 2010, hiện tại, thủy điện nhỏ và vừa chiếm khoảng 40% tổng công suất của hệ thống. Trên cả nước đã có khoảng 800 dự án thủy điện vừa và nhỏ được quy hoạch, trong số đó có trên 200 nhà máy đã và đang triển khai

Với lợi thế nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mật độ sông suối dày đặc, phân bố tương đối đồng đều lại bị phân cách mạnh tạo độ dốc lớn nên Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn về thủy điện vừa và nhỏ. Nguồn tiềm năng này khi được kai thác không chỉ tạo thu nhập cho người dân, giải quyết nhu cầu năng lượng ở quy mô nhỏ mà còn góp phần bổ sung nguồn năng lượng thiếu hụt cho Nhà nước.

 

Cơ hội phát triển lớn

Bên cạnh việc tiếp tục triển khai xây dựng các nhà máy thủy điện có công suất lớn, do Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam làm chủ đầu tư như nhà máy thủy điện Sơn La, nhà máy thủy điện tại Bản Vẽ, Ðại Ninh,... nhiều doanh nghiệp trong và ngoài ngành điện cũng mạnh dạn đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện công suất vừa và nhỏ. Theo thống kê mới đây nhất của Thạc sỹ Nguyễn Minh Việt (Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo) trong khuôn khổ triễn lãm ENEREXPO Việt Nam 2010, hiện tại, thủy điện nhỏ và vừa chiếm khoảng 40% tổng công suất của hệ thống. Trên cả nước đã có khoảng 800 dự án thủy điện vừa và nhỏ được quy hoạch, trong số đó có trên 200 nhà máy đã và đang triển khai.

 

thuydien01.jpg


Trên cả nước đã có khoảng 800 dự án thủy điện vừa và nhỏ được quy hoạch, trong số đó có trên 200 nhà máy đã và đang triển khai


Khác với các nhà máy thủy điện công suất lớn, thủy điện nhỏ đa phần được đầu tư bằng nguồn kinh phí tự có hoặc vay của cá nhân, công ty cổ phần nên việc thực hiện dự án cũng có phần nhanh chóng, gọn nhẹ hơn do không quá phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, các trạm thủy điện nhỏ hầu hết không cần hồ điều tiết lớn, sơ đồ khai thác lại đơn giản, công nghệ thi công và thiết bị cũng không mấy phức tạp, phần lớn các đơn vị trong nước có thể thực hiện nên thời gian thực hiện dự án nhanh lại có thể chủ động trong việc khai thác nguồn tiềm năng sẵn có.

 

Mặc dù đa phần các nhà máy thủy điện nhỏ chỉ ở cấp độ địa phương nhưng được đánh giá là có tiềm năng lớn, khả năng khai thác cao, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam và chủ trương khai thác năng lượng nói chung của Chính phủ nên những năm gần đây lĩnh vực này đã nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư lớn. Thực tế chứng minh cho thấy, thủy điện vừa và nhỏ đang phát triển rất nhanh cả về số lượng và chất lượng các dự án.

 

Tuy vậy, theo nhận định của nhiều nhà chuyên môn thì thủy điện nhỏ ở Việt Nam chỉ thực sự phát triển trong khoảng từ 5 đến 10 năm tới. Hiện tại, để nguồn tài nguyên này có thể nhanh chóng khai thác phục vụ người dân mà chủ yếu là miền núi thì cũng có không ít khó khăn, vướng mắc cần nhìn nhận thẳng thắn để khắc phục.

 

61% dự án tạm ngừng hoạt động

Đó là con số thống kê thực tiễn công bố mới đây nhất tại Hôi nghị ENEREXPO Việt Nam 2010. Theo đó, tỉ lệ các trạm thủy điện nhỏ ngừng hoạt động trên cả nước là 61%.

Khác xa với tiềm năng thực có và công suất khai thác như mong đợi, trên thực tê Việt Nam mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ nguồn tài nguyên năng lượng này phục vụ cho người dân miền núi. Tổng công suất của các trạm đang còn hoạt động chỉ vào khoảng 3% tiềm năng và chỉ đạt khoảng 50 đến 70% công suất thiết kế.


Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này được giới nghiên cứu đánh giá chủ yếu là do việc khai thác thủy điện nhỏ còn chưa bền vững, chất lượng công trình và thiết bị còn kém dẫn đến tỉ lệ hư hỏng và ngừng hoạt động cao như con số nêu trên, nhất là ở các trạm có công suất dưới 100 KW. Tình trạng thường xuyên thiếu nước trong mùa khô cũng là khó khăn ảnh hưởng lớn đến công suất của các trạm thủy điện nhỏ. Vấn đề cấp bách cần làm nhất lúc này là phải xây dựng được mô hình quản lý thích hợp, phát huy được đầy đủ trách nhiệm đóng góp nguồn lực của cộng đồng người hưởng lợi để duy trì sự hoạt động bền vững của công trình.

 

Là nguồn năng lượng rẻ, có giá trị kinh tế- xã hội cao có thể đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn, miền núi, thủy điện nhỏ ở Việt Nam cần được nhìn nhận,  quan tâm đúng mức để phát huy hết tiềm năng. Trong tương lai, thủy điện vừa và nhỏ của nước ta có triển vọng trở thành thị trường hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước hay không một phần phụ thuộc vào chính sách khuyến khích đầu tư của Nhà nước.


Trần Liễu