Thứ sáu, 01/11/2024 | 20:34 GMT+7

Doanh nghiệp hưởng lợi từ tiết kiệm năng lượng

11/04/2010

Để tháo gỡ những khó khăn, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia ứng dụng các giải pháp, đầu tư công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, Chương trình MTGQ về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có các chương trình kiểm toán năng lượng, đào tạo, tư vấn và hỗ trợ cho các DN trong vấn đề đầu tư công nghệ TKNL. Theo đó số tiền doanh nghiệp được hỗ trợ tương đương với 30% tổng vốn đầu tư cho công nghệ TKNL và số tiền này tối đa là 5 tỷ đồng.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm (NLTK) và hiệu quả trong các DN sản xuất công nghiệp là một trong sáu nhóm nội dung thuộc khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Sanxuatthep1.jpg


Tiềm năng tiết kiệm năng lượng đối với phân ngành công nghiệp thép trên 20%


Theo ông Trần Việt Hoà, trưởng phòng, Văn phòng tiết kiệm năng lượng, ở nhóm nội dung này, việc hỗ trợ các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng được đặc biệt quan tâm. Chương trình đã xây dựng các báo cáo TKNL tổng thể, mô hình thí điểm TKNL tại các phân ngành và đào tạo cán bộ quản lý năng lượng, từng bước triển khai ứng dụng công nghệ mới tiết kiệm năng lượng.

 

Chương trình đã hỗ trợ các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng xây dựng chương trình Tiết kiệm năng lượng tổng thể, mô hình thí điểm tiết kiệm năng lượng và đào tạo cán bộ quản lý năng lượng cũng như khảo sát, đánh giá tiềm năng tiết kiệm cho khoảng 500 doanh nghiệp trọng điểm; Tổ chức kiểm toán năng lượng cho trên 200 doanh nghiệp công nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

Kết quả đánh giá và khảo sát cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng đối với với các phân ngành công nghiệp là rất lớn: dệt may  5-15%, sản xuất xi măng lò đứng 10% -20%, giấy 15%, thép trên 20%, hóa chất trên 20%…

 

Doanh nghiệp hưởng ứng tiết kiệm năng lượng

           

Tại Tập đoàn Điện lực VN (EVN), trên cơ sở chỉ tiêu tiết kiệm điện phân bổ cho các tỉnh, thành phố trong năm qua, EVN đã chủ động làm việc với UBND các tỉnh, thành phố để ký các cam kết tiết giảm điện bằng 1,5% tổng kế hoạch điện thương phẩm. Qua khảo sát, thống kê và báo cáo của EVN, sản lượng điện tiết kiệm điện năm 2008 đạt 1 tỷ KWh. Năm 2009, con số này là 1,003 tỷ KWh.

 

Khảo sát, đánh giá hiện trạng tiêu thụ và tiềm năng tại 28 đơn vị của Tập Đoàn CN Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho thấy, TKV đã triển khai áp dụng nhiều giải pháp sử dụng TKNL và hiệu quả như: nâng cấp điện áp, sử dụng hợp lý biến tần, nâng cao hệ số công suất... Đến nay,  toàn ngành đã lắp đặt 146 bộ biến tần, công suất 8482 kW.

 

Ông Nguyễn Văn Tu, Trưởng phòng cơ điện Công ty Cổ phần than cọc 6, một trong các đơn vị của TKV thí điểm lắp đặt biến tần cho biết: “Từ năm 2006, 2007 Cty đã đưa vào sử dụng 26 thiết bị biến tần. Các thiết bị biến tần này được lắp đặt cho hệ thống sàng 1 và tuyến băng tải KGB của Cty với tổng công suất là 842 KW. Tiêu hao điện năng đã giảm từ 0,59 xuống 0,37 KW/giờ trên 1 tấn than sạch, tổng giá trị làm lợi đạt được hàng năm trên 400 triệu đồng/ năm. Sau 4 năm sẽ thu hồi được vốn đầu tư thiết bị biến tần. Dự kiến Cty sẽ lắp đặt thiết bị biến tần cho toàn bộ các hệ thống băng sàng với tổng công suất lắp đặt là 2560 KW, tương đương tổng giá trị tiết kiệm trên 1 tỷ đồng mỗi năm.  

 

Det01.jpg


Tiềm năng tiết kiệm năng lượng đối với với phân ngành công nghiệp dệt may từ 5-15%


TCty Xi măng Việt Nam đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị trực thuộc xây dựng các dự án TKNL theo cơ chế phát triển sạch (CDM) thông qua việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, cải tiến công nghệ sản xuất, tận dụng nhiệt khí thải lò nung để phát điện, giảm tiêu thụ năng lư­ợng.

 

Ông Ngô Chí Tâm, Phó giám đốc Cty xi măng Hà Tiên 2 cho biết: “Khi tiếp nhận hệ thống thiết bị phát điện tận dụng những khí thải lò quay, xi măng Hà Tiên 2 chỉ thuần túy nghĩ đến vấn đề kinh tế là mình tận dụng nhiệt để phát điện, không phải mua điện từ lưới. Sau khi đưa hệ thống vào vận hành còn mang lại lợi ích về mặt kỹ thuật,  sau khi được hấp thụ để phát điện, nhiệt khí thải giảm hẳn nhiệt độ cho nên hệ thống hoạt động rất ổn định và an toàn... Lợi ích kinh tế mà chúng tôi thu nhận được khoảng 11 đến 12 tỷ một năm”…


Dự án cải tiến nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng của Cty cổ phần Bia và nước giải khát Phú Yên, bao gồm các giải pháp thực hiện quản lý tiêu thụ năng lượng, lắp biến tần cho các máy nén khí 80Kw, thay bóng đèn T10 bằng bóng đèn T8 và bóng cao áp 250W bằng bóng compact 105W, thiết kế các bồn trữ lạnh và thay thế máy nén hiệu suất thấp thành máy nén hiệu suất cao… đã tiết kiệm khoảng 1,5 triệu kWh/năm và 10% than/năm. Đây là dự án được triển khai từ các nguồn vốn tự có của DN và một phần hỗ trợ từ vốn ngân sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng NLTK và hiệu quả.

 

Đồng bộ từ quản lý Nhà nước


Chi phí năng lượng của Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 20% GDP, do vậy, sử dụng TKNL và hiệu quả là một trong những vấn đề đang được quan tâm . Theo các chuyên gia, một trong những khó khăn hiện nay là các doanh nghiệp chưa nhận thức đúng và đủ về TKNL, ứng dụng công nghệ, giải pháp TKNL trong sản xuất chưa được quan tâm đúng mức. Khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải chính là vốn đầu tư công nghệ TKNL.

 

Năm 2010, trong bối cảnh giá điện tăng trung bình 6,8% so với năm 2009, các DN sẽ tăng thêm chi phí, điều đó đồng nghĩa với việc lợi nhuận sẽ giảm, khó khăn về vốn đầu tư sẽ tăng cao nếu doanh nghiệp muốn đầu tư công nghệ mới TKNL.

 

Để tháo gỡ những khó khăn, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia ứng dụng các giải pháp, đầu tư công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, Chương trình MTQG về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có các chương trình kiểm toán năng lượng, đào tạo, tư vấn và hỗ trợ cho các DN trong vấn đề  đầu tư công nghệ TKNL. Theo đó số tiền doanh nghiệp được hỗ trợ tương đương với 30% tổng vốn đầu tư cho công nghệ TKNL và số tiền này  tối đa là  5 tỷ đồng.


 Quochoi01.jpg


Việc khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiêm và hiệu quả để trình Quốc hội thông qua thể hiện quyết tâm trong chiến lược sử dụng năng lượng tiết kiệm của Việt Nam


Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp đầu tư công nghệ TKNL, các cơ quan Nhà nước đang khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thể hiện một bước chuyển mới, luật hóa các tiêu chí về tiết kiệm năng lượng. Hiện Văn phòng TKNL, Bộ Công Thương đang phối hợp với Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội tiếp thu ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội để khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5 sắp tới.


Minh Nguyên