Thứ ba, 26/11/2024 | 06:59 GMT+7

Tăng cường năng lực cho đội ngũ quản lý năng lượng trong công nghiệp

07/12/2009

Trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công thương điều phối, từ năm 2007, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBKHN) đã được Văn phòng Tiết kiệm Năng lượng, Bộ Công Thương giao nhiệm vụ soạn thảo tài liệu tập huấn về Quản lý năng lượng (QLNL) và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (HQNL) cho 3 nhóm học viên từ các doanh nghiệp công nghiệp, cụ thể là: Các cán bộ lãng đạo doanh nghiệp, cán bộ quản lý năng lượng và cán bộ và nhân viên kỹ thuật.

Tài liệu đào tạo được soạn thảo gồm những khái niệm về quản lý năng lượng bền vững, mô hình quản lý năng lượng, tóm tắt các điển hình trên thế giới và Việt Nam về tổ chức và triển khai các hoạt động QLNL&HQNL, giới thiệu chung về các hệ thống thiết bị năng lượng (nhiệt, điện) được sử dụng trong công nghiệp, kiểm toán năng  lượng, nhận dạng và phân tích khả thi kỹ thuật và tài chính của các cơ hội TKNL trong hệ thống thiết bị năng lượng điển hình, giới thiệu về tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo và các công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo trên thế giới và Việt Nam, tiềm năng giảm ô nhiễm môi trường từ các cơ hội và giải pháp HQNL.

Trong năm 2007, ĐHBKHN đã tổ chức được 4 đợt đào tạo tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (2 đợt cho cán bộ lãnh đạo từ các tỉnh và thành phối phía Bắc và phía Nam, 1 đợt cho cán bộ QLNL các tỉnh phía Bắc, 1 đợt cho cán bộ và nhân viên kỹ thuật các tỉnh phía Bắc) với tổng số khoảng 230 học viên.  Đối với khóa đào tạo dành cho cán bộ QLNL và cán bộ - nhân viên kỹ thuật, các học viên có bài kiểm tra kiến thức cuối đợt. Đối với khóa đào tạo cho cán bộ và nhân viên kỹ thuật, các học viên đã có 1 buổi thực hành kiểm toán năng lượng tại 1 cơ sở doanh nghiệp điển hình.

Thực tế cho thấy việc thực hiện triển khai hoạt động đào tạo về QLNL&HQNL luôn gắn kết một cách hữu cơ đến đặc thù quy trình công nghệ của từng phân ngành sản xuất công nghiệp. Trên cơ sở các góp ý của học viên đã được đào tạo trong năm 2007, việc soạn thảo và tổ chức các khóa đào tạo về QLNL&HQNL dành riêng cho các cán bộ QLNL từ các phân ngành sản xuất hóa chất, thép, giấy, công nghiệp thực phẩm đã được ĐHBKHN đề xuất và được Văn phòng TKNL phê duyệt thực hiện từ năm 2008. Từ tháng 09.2008 đến 09.2009, ĐHBKHN đã tổ chức 3 khoá đào tạo cho cán bộ QLNL từ 3 phân ngành công nghiệp hóa chất, sản xuất gang thép, và ngành giấy với tổng số khoảng 100 học viên. Trong 3 khóa đào tạo này, ngoài những nguyên lý chung về QLNL&HQNL, thông tin tổng quan và định hướng quy hoạch-phát triển ngành sản xuất hóa chất, gang thép và giấy ở Việt Nam, hiện trạng sử dụng năng lượng & ô nhiễm môi trường, một số quy trình quản lý sản xuất và chất lượng của ngành hoá chất, gang-thép và giấy, một vài quy trình công nghệ tiên tiến có thể được áp dụng trong thời gian tới cũng đã được các chuyên gia từ 3 phân ngành nêu trên trực tiếp soạn thảo và trình bày tại các khóa đào tạo.

Nhìn chung, các hoạt động đào tạo về QLNL&HQNL do ĐHBKHN thực hiện từ 2007 đã được thực hiện theo đúng tiến độ. Các tài liệu được soạn thảo đã phản ánh tương đối đầy đủ nội dung đã được Văn phòng TKNL, Bộ Công Thương phê duyệt. Kết quả đào tạo còn được thể hiện qua việc đánh giá của các học viên về nội dung các bài giảng đã được soạn thảo và trình bày, và đánh giá của các giảng viên về kết quả kiểm tra cuối đợt tập huấn của các học viên.

Việc phối kết hợp hiệu quả giữa Văn phòng TKNL - Bộ Công Thương, ĐHBKHN và các đơn vị thụ hưởng đóng vai trò quyết định đảm bảo tiến độ và chất lượng đào tạo trong thời gian qua. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ từ Văn phòng TKNL, ĐHBKHN đã chủ động liên hệ với lãnh đạo các tổng công ty Hóa chất, Thép, Giấy để cùng phối hợp phân công cán bộ soạn thảo tài liệu và tổ chức đào tạo cho các học viên. Sự tham gia của các chuyên gia từ các tổng công ty này trong việc soạn thảo và giảng dạy các báo cáo chuyên đề về hiện trạng công nghệ và ô nhiễm môi trường trong 3 phân ngành hóa chất, gang thép và giấy ở Việt nam đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các học viên.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện các khóa đào tạo đã xuất hiện những khó khăn chính sau đây.

Khó khăn trong công tác soạn thảo báo cáo chuyên đề: i) Thiếu cơ sở dữ liệu về định mức tiêu thụ năng lượng, chỉ số ô nhiễm môi trường trong các phân ngành sản xuất hóa chất, gang thép và giấy ở Việt Nam, ii) Thiếu các số liệu phân tích tài chính của các hoạt động HQNL đã  được thực hiện tại các cơ sở.

Khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện tập huấn: i) Kiến thức-chuyên môn của các học viên không đồng đều, nhiều cơ sở cử học viên không đúng với yêu cầu của các khóa đào tạo; ii) Thời gian tập huấn ngắn nên không thể giới thiệu kỹ về các hệ thống, thiết bị năng lượng và các quá trình công nghệ điển hình cho các học viên; iii) Khó quản lý học viên trong thời gian đào tạo: nhiều học viên không tham gia liên tục các buổi tập huấn, và do vậy không tham dự kiểm tra cuối đợt tập huấn.

Các kết quả đạt được trong 3 năm tổ chức thực hiện công tác soạn thảo tài liệu và tổ chức đào tạo về QLNL&HQNL do ĐHBKHN thực hiện đã khẳng định sự cần thiết của việc tiếp tục hoàn thiện và triển khai loại hình đào tạo này trong thời gian tới. Để có thể tổ chức và triển khai tốt các hoạt động này, Văn phòng TKNL cần xây dựng các nhiệm vụ có liên kết chặt chẽ giữa đào tạo nguồn nhân lực về QLNL&HQNL với việc thực hiện các dự án trình diễn về QLNL&HQNL trong các phân ngành sản xuất kinh doanh có sử dụng nhiều năng lượng (doanh nghiệp trọng điểm). Đặc biệt, cần tổ chức thực hiện các khoá đào tạo chuyên sâu cho 2 nhóm đối tượng là cán bộ QLNL và kiểm toán năng lượng. Đây có thể coi là những lực lượng nòng cốt giúp cho các doanh nghiệp trọng điểm có thể tổ chức thực hiện thành công kế hoạch hành động về QLNL tại cơ sở.                          

PGS.TS. Phạm Hoàng Lương

                                                                                                                Đại học Bách Khoa Hà Nội