Thứ bảy, 02/11/2024 | 15:34 GMT+7
Trên thực tế, phụ nữ là đối tượng trực tiếp chịu tác động của sự thiếu hụt năng lượng bởi họ vừa là người sử dụng, là người quản lý (chi trả) chi phí điện năng và các nguồn năng lượng khác trong gia đình nên họ ý thức được rất rõ ý nghĩa của việc sử dụng năng lượng hiệu quả.
Đề án triển khai thí điểm Cuộc vận động xây dựng mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mỗi hộ gia đình đã được Văn phòng tiết kiệm năng lượng - Bộ Công Thương giao Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thực hiện. Đây là một trong 12 đề án của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công Thương chủ trì theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo nội dung dự án, cán bộ Trung ương Hội đã tiến hành điều tra, khảo sát về tình hình sử dụng năng lượng, nhận thức của người dân tại 6 tỉnh thành đại điện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam là Hà Nội, Hà Tây, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Ngãi, Đồng Nai. Từ kết quả khảo sát thu thập được, các chị bắt tay vào công việc tuyên truyền, phổ biến các biện pháp, các mô hình cùng nhiều công nghệ sử dụng, quản lý năng lượng sử dụng trong gia đình.
Kết thúc giai đoạn thí điểm đã có 600 hộ gia đình ký cam kết tự nguyện thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, 200 tuyên truyền viên được tập huấn, trang bị kiến thức về sử dụng hiệu quả năng lượng. Đề án thí điểm bước đầu được đánh giá đạt hiệu quả cao do tính thực tiễn và khả năng nhân rộng mô hình. Qua đây, kiến thức về sử dụng hiệu quả năng lượng đã đến với từng chị em trong các chi hội. Với nhận thức được nâng cao, chị em không chỉ chủ động thực hiện các biện pháp đó mà còn tạo thói quen tốt về sử dụng năng lượng hợp lý cho các thành viên trong gia đình.
Khi được hỏi về việc sử dụng năng lượng nói chung, sử dụng điện nói riêng, chị Thuý, hội viên chi hội phụ nữ phường Hào Nam, Hà Nội cho biết với thu nhập của hai vợ chồng chị là 4 triệu đồng, cũng như những gia đình khác, anh chị phải trang trải chi phí sinh hoạt gia đình, cho 2 cháu ăn học, hoá đơn tiền điện lên tới hơn 3 trăm nghìn đồng một tháng đang trở thành gánh nặng cho gia đình chị, qua được tuyên truyền, phổ biến, gia đình chị đã thực hiện một số biện pháp đơn giản, cụ thể và điều đáng mừng là giờ đây gia đình chị đã giảm được một nửa chi phí cho hoá đơn tiền điện, nhờ đó, cuộc sống gia đình cũng phần nào được cải thiện. Chị Thuý cho biết, để thực hiện “chiến lược giảm chi phí năng lượng”, anh chị đã trang bị lại toàn bộ bóng đèn compact kể cả bóng đèn cầu thang và chiếu nghỉ thay vì trước đây sử dụng bóng đèn sợi đốt đồng thời đầu tư lắp đặt bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, qua tìm hiểu chị được biết bình thường bộ phận bảo ôn của bình nóng lạnh có thể giữ được nhiệt độ của nước suốt cả ngày nên chị chủ động bật bình nóng lạnh vào giờ thấp điểm, chị thay bộ rèm cửa làm căn phòng của anh chị “hạ nhiệt” do hạn chế được ánh nắng mặt trời trong mùa hè nóng nực.
Trong các buổi hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ đề án, chị em không chỉ được nghe phổ biến các kiến thức sử dụng năng lượng hiệu quả mà còn chủ động trao đổi kinh nghiệm thực tế, cùng thảo luận nhiều biện pháp dễ thực hiện mà đem lại hiệu quả cao. Quả thực nâng cao hiểu biết của mình, nỗ lực giảm chi phí năng lượng cho gia đình chỉ là một trong những việc rất nhỏ của người phụ nữ so với những việc mà họ làm cho gia đình, cho xã hội nhưng chỉ thế thôi cũng đã đủ khẳng định được vai trò của họ - những người “xây tổ ấm” của chúng ta.
Thu