Thứ bảy, 23/11/2024 | 08:07 GMT+7
Theo lộ trình của đề án, trong năm đầu tiên, Viện Năng lượng lựa chọn và khảo sát trực tiếp hơn 250 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trọng điểm thuộc tất cả các ngành nghề khác nhau trên phạm vi trên toàn quốc. Trong những năm tiếp theo, dự kiến mỗi năm sẽ có thêm 200 doanh nghiệp khác sẽ tham gia chương trình, đồng thời các doanh nghiệp đã tham gia dự án của năm trước sẽ được gửi phiếu điều tra cập nhật về tình trạng của doanh nghiệp đó.
Từ bộ cơ sở số liệu điều tra, đơn vị thực hiện sẽ đánh giá hiện trạng sử dụng công nghệ và tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại một số lĩnh vực sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng, tập trung đặc biệt là các ngành Sản xuất thép và các sản phẩm luyện kim, Vật liệu xây dựng (xi măng, sứ, gạch…), Chế biến thực phẩm, Hóa chất, Giấy và bột giấy, và Dệt may.
Song song với công tác điều tra khách hàng, đơn vị tư vấn tiến hành đồng thời công tác khảo sát tìm kiếm thêm số liệu ở các bộ ban ngành, đặc biệt là các tổng công ty lớn quản lý các doanh nghiệp trọng điểm như Bộ Xây dựng, Tổng công ty Thép, Tổng công ty Xi măng, Tổng công ty Giấy, ... nhằm xác định hiện trạng công nghệ, xu hướng phát triển tương ứng với các chỉ số tiêu thụ năng lượng trong tương lai.
Dựa trên kinh nghiệm tham gia nhiều dự án điều tra đã thực hiện trước đây, Viện Năng lượng đã thiết kế một hệ thống câu hỏi điều tra khá chi tiết tập trung vào những khía cạnh sản xuất, tiêu thụ năng lượng và công nghệ của doanh nghiệp và hiện trạng quản lý năng lượng của doanh nghiệp.
Tháng 7 năm 2007, Viện Năng Lượng cùng với một số đơn vị hỗ trợ đã bắt đầu triển khai công tác điều tra. Tổng cộng đã có 267 phiếu điều tra được gửi tới các doanh nghiệp trọng điểm trên phạm vi 7 tỉnh có các khu công nghiệp tập trung, bao gồm Hà nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Phú Thọ. Kết quả là đã có 241 phiếu điều tra từ 252 doanh nghiệp được gửi về, đạt tỷ lệ tham gia là 90.2 %.
Theo đánh giá của Viện Năng lượng, kết quả trả lời từ các phiếu điều tra của doanh nghiệp có thể tin cậy, tuy nhiên do lượng mẫu điều tra còn hạn chế nên định mức tiêu thụ sản phẩm chưa thể đại diện được cho toàn bộ nhóm ngành.
Từ kết quả điều tra các khách hàng và các ban ngành tổng công ty lớn, Viện Năng lượng cũng đã ước lượng tiềm năng tiết kiệm cho một số ngành và sản phẩm , ví dụ: tiềm năng tiết kiệm năng lượng đối với công nghệ lò đứng là khá lớn, khoảng 9% điện và 10% than; từ 3-5% tổng tiêu thụ năng lượng của ngành hóa chất, và ngành giấy, nếu như thay đổi hoàn toàn theo công nghệ mới của thế giới, có thể tiết kiệm được 50% tổng tiêu thụ…
Trong năm 2008, dự án đang tiếp tục mở rộng với việc điều tra thêm 250 khách hàng trọng điểm khác, nhưng có thể sẽ thay đổi phương thức điều tra hoặc nội dung trong phiếu điều tra nhằm tăng cường tiếp cận các doanh nghiệp. Ngoài ra, Viện Năng lượng dự kiến sẽ xây dựng đường cơ sở định mức; bộ cơ sở dữ liệu định mức tiêu thụ/sản phẩm và sẽ tiến hành so sánh định mức của Việt Nam với một số quốc gia tiên tiến khác nhằm ước lượng tiềm năng tiết kiệm NL của Việt Nam so với trình độ chung của thế giới đồng thời giúp Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hoạch định được những biện pháp cụ thể áp dụng cho các ngành nghề, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí năng lượng và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia phục vụ phát triển bền vững.
Thu