Thứ bảy, 23/11/2024 | 14:07 GMT+7

Dự án "“Phổ biến thiết bị nước nóng năng lượng mặt trời nhằm tiết kiệm năng lượng”

30/07/2008

Trung tâm Nghiên cứu năng lượng mới là một đơn vị nghiên cứu và triển khai thí điểm các dạng năng lượng tái tạo trực thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Một trong những thế mạnh của Trung tâm là nghiên cứu, chế tạo và lắp đặt các dạng thiết bị đun nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời.

Năm 2007, Trung tâm đã được Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giao nhiệm vụ triển khai dự án “Phổ biến thiết bị nước nóng năng lượng mặt trời nhằm tiết kiệm năng lượng”. Đây là dự án thuộc Nhóm nội dung thứ 3 “Phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp” trong khuôn khổ Chương trình.

Qua phân tích, đánh giá kết hợp với kinh nghiệm hoạt động thực tế của Trung tâm về thiết kế sản xuất, lắp đặt, bảo trì và bảo dưỡng thiết bị nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời (TBNNMT) trong nhiều năm qua, dự án đã lựa chọn hình thức lập phiếu điều tra để khảo sát, đánh giá thực trạng sản xuất, kinh doanh và ứng dụng của TBNNMT, trên cơ sở đó đánh giá dự báo thị trường TBNNMT trong tương lai. Phiếu điều tra được soạn dưới dạng các câu hỏi ngắn gọn, dễ hỏi và dễ trả lời. Các điều tra viên được huấn luyện về mục đích yêu cầu cũng như phương pháp điều tra sao cho đạt kết quả cao.

Trong năm đầu tiên triển khai, dự án đã lựa chọn thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Tây và thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa để thực hiện điều tra khảo sát điển hình. Việc thực hiện khảo sát điều tra được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 11 năm 2007 với số liệu gần 80 hộ đã và đang sử dụng TBNNMT, và 5 cửa hàng kinh doanh TBNNMT. Với tình hình sử dụng TBNNMT hiện nay ở nước ta chưa nhiều, thì với số lượng hộ sử dụng đã điều tra nói trên là tương đối đầy đủ để đánh giá hiện trạng cũng như các dự báo về nhu cầu thị trường TBNNMT trong thời gian tới.

Qua kết quả phân tích, đánh giá, nói chung các TBNNMT đã và đang được lắp đặt, sử dụng ở nước ta hiện nay có chất lượng mẫu mã chấp nhận được. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, cho đến nay ở nước ta chưa có bộ tiêu chuẩn quốc gia để kiểm định chất lượng TBNNMT và cũng không có một cơ quan nào chịu trách nhiệm về chất lượng thiết bị này. Ngoài ra, dịch vụ lắp đặt, sửa chữa bảo hành vẫn chưa được chú ý đúng mức nhất là trong khâu đào tạo thợ lắp đặt, bảo hành, chưa hình thành được mạng lưới lắp đặt, bảo dưỡng, hướng dẫn sử dụng chuyên nghiệp.

Cũng theo kết quả phân tích, dự báo phát triển thị trường TBNNMT ở Việt Nam trong khoảng 10 năm tới, nhu cầu sử dụng vào khoảng 7,2 triệu m2 bộ thu NLMT. Nếu tính trung bình 450 kWh/m2.năm thì năng lượng tiết kiệm được nhờ sử dụng các bộ thu NLMT tương đương 3.225 triệu kWh/năm.

Xuất phát từ thực trạng về hệ thống tiêu chuẩn kiểm định TBNNMT, dự án đã nghiên cứu và bước đầu soạn thảo các hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật kiểm định chất lượng trong lĩnh vực này thông qua việc tham khảo các hệ thống tiêu chuẩn của Châu Âu và khu vực, đối chiếu, phân tích tình hình cụ thể của Việt nam và yêu cầu về hội nhập quốc tế. Nội dung tài liệu “Các tiêu chí kiểm định TBNNMT” gồm các phần hướng dẫn thủ tục và phương pháp kiểm định một số thông số chính trong của bộ thu NLMT.

Ngoài ra, để hướng dẫn lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng TBNNMT, dự án cũng đã biên soạn được cuốn “ Hướng dẫn lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng thiết bị nước nóng” gồm 9 Chương dày 200 trang A4. Đây là một tài liệu rất giá trị, đã đề cập một cách chi tiết mọi vấn đề liên quan trực tiếp đến TBNNMT và là tài liệu đầu tiên ở Việt Nam trong lĩnh vực này. Tài liệu sẽ rất hữu ích cho các Công ty, cơ quan nghiên cứu, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực thiết kế, sản xuất, kinh doanh TBNNMT.

Trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá về giải pháp tiết kiệm năng lượng nhờ sử dụng các dạng năng lượng tái tạo nói chung và TBNNMT nói riêng, năm 2007 Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn về nguyên lý hoạt động, cấu tạo, lắp đặt, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng TBNNMT; lớp đào tạo về năng lượng gió; phối hợp với đài phát thanh, truyền hình Trung ương xây dựng một số chương trình quảng cáo trên chương trình phát thanh và truyền hình Trung ương.

Đồng thời với việc tuyên truyền qua các ấn phẩm và kênh thông tin, dự án đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam lắp đặt  nhiều mô hình trình diễn áp dụng TBNNMT quy mô gia đình. Đặc biệt, dự án đã triển khai lắp đặt thành công 03 điểm trình diễn TBNNMT quy mô tập thể tại Công ty  sản xuất đồ gỗ tại Đại Từ, Giáp Bát với tổng diện tích bộ thu 60 m2, bình chứa nước nóng khoảng 6 000 lít phục vụ xử lý gỗ ; hệ thống sử dụng TBNNMT có diện tích bộ thu 80 m2 , bình chứa nước nóng khoảng 8.000 lít phục vụ nước tắm cho thầy trò Trường Đại học Thể dục Thể thao Trung ương 1, Từ Sơn, Bắc Ninh; hệ thống sử dụng TBNNMT có diện tích bộ thu 50 m2 phục vụ sấy vũ khí cho Xí nghiệp sản xuất, kinh doanh tổng hợp- Công ty Vật tư công nghiệp quốc phòng, 92/3, Nguyễn Sơn, Quận Long Biên, Hà Nội.

Các hệ thiết bị đã được lắp đặt, hướng dẫn vận hành, chuyển giao công nghệ cho các đơn vị sử dụng khoảng giữa năm 2007. Các hệ đang hoạt động rất tốt, mang lại nhiều lợi ích kinh tế, môi trường và tiết kiệm năng lượng cho chủ đầu tư. Theo các tính toán sơ bộ, hiệu quả kinh tế và tiết kiệm năng lượng là rất rõ rệt. Lấy ví dụ cụ thể, trong vòng 01 năm, hệ thống TBNNMT lắp đặt tại trường Đại học Đại học Thể dục Thể thao Trung ương 1 đã tiết kiệm được  627.821 kWh tương đương khoảng 502,257 triệu đồng/năm.

Mặc dầu đã triển khai được nhiều hoạt động có kết quả nhưng trong năm 2007, việc thực hiện dự án vẫn còn có một số tồn tại cần khắc phục và rút kinh nghiệm trong thời gian triển khai tới như tiến độ thực hiện một số hạng mục công việc còn chậm, đặc biệt là thủ tục thanh quyết toán của dự án.

Định hướng triển khai các nội dung dự án trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy và phổ biến kinh nghiệm thiết kế, lắp đặt, bảo dưỡng TBNNMT, tiếp tục hoàn thiện việc biên soạn tài liệu “Các tiêu chí kiểm định TBNNMT”./.

Thu Trang