Thứ năm, 07/11/2024 | 04:28 GMT+7
NHỮNG THÁNG ĐẦU NĂM 2008
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc thực hiện tiết kiệm điện (TKĐ) tại các tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc đã có những chuyển biến tích cực, khách hàng sử dụng điện đã nhận thức được tầm quan trọng của việc TKĐ, các nội dung của Chỉ thị số 19/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đều đã được UBND các tỉnh, thành phố triển khai và nghiêm túc thực hiện. Năm 2007, các tỉnh, thành phố đã tiết kiệm được 669,2 triệu kWh, đạt 115% so với kế hoạch đề ra (581,9 triệu kWh), tương đương 1% sản lượng điện thương phẩm, trong đó, lĩnh vực sử dụng điện tập trung chủ yếu là các cơ quan công sở khối hành chính sự nghiệp; chiếu sáng công cộng; sản xuất - kinh doanh; sinh hoạt & dịch vụ. Bước sang năm 2008, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập Đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ động làm việc với các địa phương để ký cam kết tiết giảm điện theo chỉ tiêu TKĐ năm 2008 phân bổ cho các tỉnh, thành phố, phấn đấu đạt 1,035 tỷ kWh (bằng 1,5% tổng sản lượng điện thương phẩm 69,031 tỷ kWh). Qua khảo sát và thống kê kết quả TKĐ 4 tháng đầu năm 2008, các tỉnh, thành phố đã tiết kiệm được khoảng 339,6 triệu kWh, bằng 131,2% so với chỉ tiêu kế hoạch giao là 258,9 triệu kWh.
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, năm 2008, thời tiết sẽ còn diễn biến bất lợi, lưu lượng nước về các hồ chứa phía Bắc trong thời điểm đầu mùa khô và cuối năm thấp hơn trung bình nhiều năm; các dự án nguồn điện đều bị chậm tiến độ xây dựng; giá cả các loại nhiên liệu phục vụ cho sản xuất điện liên tục tăng cao..., trong khi phụ tải điện tiếp tục tăng cao về sản lượng, so với 5 tháng đầu năm 2007 sẽ tăng 14,83%, sản lượng ngày cao nhất của hệ thống điện đạt 244 triệu kWh, tăng khoảng 13,5% so với sản lượng ngày cao nhất cùng kỳ năm 2007. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2008, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN phải cân đối và đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị số 19/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về TKĐ trong sản xuất và tiêu dùng. Bộ Công Thương cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương chủ động đối phó với tình hình thiếu điện và kịp thời đề ra các biện pháp TKĐ có hiệu quả trên địa bàn, xác định công tác TKĐ là một nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước.
Kết quả kiểm tra của Đoàn Kiểm tra liên ngành cho thấy, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều thực hiện tốt việc ban hành các chỉ thị về tăng cường thực hiện tiết kiệm trong sử dụng điện; thành lập các ban chỉ đạo thực hiện TKĐ; các thành viên thường trực trong ban chỉ đạo là đại diện từ các cơ quan, đơn vị thuộc các cơ quan nhà nước trực thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc. UBND các tỉnh, thành phố cũng đã chỉ đạo các nhóm khách hàng sử dụng điện ký cam kết với các công ty điện lực địa phương về chỉ tiêu và định mức TKĐ cụ thể, đồng thời, triển khai xây dựng kế hoạch tuyên truyền TKĐ cụ thể, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, với nhiều hình thức phong phú. Các công ty điện lực, điện lực địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn, kiểm tra, giám sát các hoạt động TKĐ cho các nhóm khách hàng. Vai trò của các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng ở một số tỉnh, thành phố đã buớc đầu phát huy tác dụng, thông qua hoạt động tư vấn cho khách hàng về kiến thức sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, cũng như tổ chức các lớp tập huấn kiến thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho một số đối tượng sử dụng điện. Nhiều địa phương đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, thành phố và cấp quận, huyện, thị xã để phối hợp với các điện lực địa phương kiểm tra thực hiện tiết kiệm trong sử dụng điện, tập trung vào 3 đối tượng chính là cơ quan công sở khối hành chính sự nghiệp; chiếu sáng công cộng; sinh hoạt hộ gia đình và dịch vụ. Khối các cơ quan, đơn vị hưởng ngân sách đều xây dựng kế hoạch TKĐ 10%..., đặc biệt, nhiều tỉnh, thành phố đã cắt giảm 50% lượng đèn chiếu sáng công cộng theo đúng quy định của Chỉ thị số 19/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, việc thực hiện cắt giảm trên một số tuyến đường tại một số tỉnh, thành còn mang tính rập khuôn, chưa đúng quy trình, tắt mở hệ thống đèn chưa hợp lý. Một số địa phương chưa có các giải pháp, chế tài cụ thể để áp dụng trong xử lý, nên còn một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc kế hoạch tiết kiệm lượng điện năng tiêu thụ theo quy định.
NHỮNG GIẢI PHÁP CẦN TIẾP TỤC TRIỂN KHAI
Để việc triển khai thực hiện tiết kiệm trong sử dụng điện trở thành hoạt động thường xuyên, tự giác đối với từng đối tượng sử dụng điện, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ sau:
- Hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng trước năm 2010, trong đó có việc ban hành Luật Tiết kiệm năng lượng và các văn bản hướng dẫn tiết kiệm năng lượng đối với các nhóm khách hàng công nghiệp trọng điểm, toà nhà thương mại, trang thiết bị sử dụng năng lượng..., xây dựng và áp dụng giá năng lượng phù hợp để thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng.
- Các Bộ Tài chính, Công Thương... cần sớm ban hành định mức sử dụng điện năng đối với khối cơ quan, đơn vị hưởng ngân sách để thực hiện thống nhất.- UBND các tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương phải chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của địa phương, chú trọng nhóm khách hành sử dụng nhiều năng lượng, các khách hàng trọng điểm, chiếu sáng công cộng..., đồng thời coi việc TKNL là trách nhiệm và nghĩa vụ của cộng đồng, nhằm thực hiện thành công chiến lược năng lượng quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. - Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục vai trò tư vấn, giám sát hoạt động tiết kiệm năng lượng tại địa phương, cũng như phối hợp với Văn phòng TKNL (Bộ Công Thương) triển khai tích cực các chương trình quảng bá sử dụng đèn compact và dàn đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời.
TS.
Vụ trưởng Vụ KHCN - Bộ Công Thương