Thứ bảy, 23/11/2024 | 02:13 GMT+7
Bản thân mỗi người hãy tạo cho mình thói quen tiết kiệm
Qua nghiên cứu khảo sát, nếu sử dụng đúng cách và áp dụng các giải pháp TKNL một cách hợp lý, hiệu quả, chúng ta có thể tiết kiệm từ 15-20% điện năng. Ví dụ như vấn đề thiết kế trong kiến trúc để có thể dùng ánh sáng tự nhiên trong các tòa nhà. Ngay trong lĩnh vực xăng dầu, nếu mỗi chúng ta tạo cho mình thói quen đi bộ, đi xe đạp thay vì luôn đi xe máy, ôtô thì chúng ta đã tiết kiệm được rất nhiều. Trong nhiều lĩnh vực, có sản phẩm người tiêu dùng chưa thực sự hiểu biết và có ý thức để tiết kiệm đúng cách. Do đó việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân là rất quan trọng. Với doanh nghiệp, nhận thức của người lãnh đạo là quan trọng nhất. Trong cuộc sống, là nhận thức của bản thân mỗi người. Tiết kiệm năng lượng của chúng ta đi sau các nước trên thế giới nhiều năm, do đó chúng ta phải hết sức nỗ lực và quan trọng hơn, cần thực hiện theo một lộ trình để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, sẵn sàng đón nhận sự thay đổi theo hướng tích cực.
ÔNG NGUYỄN MẠNH HÙNG PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM:
Cần điều chỉnh nhiệt độ min của điều hòa
Qua một điều tra của chúng tôi cho thấy, có đến 20% điện năng là được sử dụng để chạy điều hòa. Mà người dân thì chưa ý thức được, càng chạy ở nhiệt độ thấp thì điện năng tiêu thụ càng nhiều. Trong khi điều hòa để ở nhiệt độ 24-250C là đã đủ lạnh. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng điều hòa ở nhiệt độ cao. Nên chăng, có thể yêu cầu nhà sản xuất để chế độ min trên bộ điều khiển là 24-250C, không để thấp như hiện nay (min 16-180C). Tôi tin là, với nhiệt độ trên hoàn toàn không ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
TS. CHU MẠNH HÙNG – PHÓ VỤ TRƯỞNG VỤ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI:
Tiết kiệm năng lượng mỗi ngành có đặc thù riêng
Trong vấn đề tiết kiệm năng lượng, mỗi ngành có một đặc thù riêng. Với ngành Giao thông Vận tải, tiết kiệm chính là rút ngắn các cung đường phải đi, hay làm thế nào chống ùn tắc giao thông, giảm tiêu hao nhiên liệu.
Điều này gắn liền với quy hoạch giao thông. Trong thời gian gần đây, ngành Giao thông Vận tải đã có rất nhiều biện pháp để tiết kiệm năng lượng hiệu quả như: Cuộc thi tiết kiệm năng lượng của TCT Đường sắt Việt Nam, cuối năm tổng kết, người đạt giải cao sẽ được thưởng một chuyến đi nước ngoài; hoặc dùng cabin điện tử trong đào tạo lái xe thay cho các loại xe cũ, vừa giảm tiêu hao nhiên liệu, vừa đảm bảo môi trường.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo quyết liệt để triển khai đề tài “Các giải pháp chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh”. Đây là một đề tài lớn và cũng có nhiều cái khó. Nhưng nếu thực hiện được thì sẽ giảm rất lớn lượng tiêu hao nhiên liệu.
ÔNG NGUYỄN QUANG DŨNG - VỤ TRƯỞNG VỤ KINH TẾ CÔNG NGHIỆP, BỘ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ:
Cần giảm nhập khẩu các công nghệ, thiết bị lỗi thời
Theo tôi, chúng ta phải xây dựng được tiêu chí hỗ trợ của chương trình. Cần rõ ràng tiêu chí ra sao, hỗ trợ bao nhiêu là đủ. Với các chương trình thí điểm, nên tổng kết xem kết quả thế nào mới triển khai đại trà. Đặc biệt, nên đề ra tiêu chuẩn cụ thể để các doanh nghiệp giảm nhập khẩu các công nghệ, thiết bị lỗi thời, tiêu hao nguyên, nhiên liệu lớn. Nhất là các doanh nghiệp nhỏ, có thể chỉ quan tâm tới nhập khẩu được thiết bị rẻ mà không quan tâm tới việc sau đó thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng, công nghệ không đảm bảo môi trường…
ÔNG VŨ THANH SƠN – PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC BÁO CHÍ, BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG:
Nên có những ấn phẩm chuyên sâu cho các đối tượng hay mua sắm
Có thể nói, trong thời gian qua, các chương trình tuyên truyền đã có sức tác động lớn đến các đối tượng của xã hội. Tuy vậy, bên cạnh sử dụng các đơn vị truyền thông, nên có những kênh thông tin riêng, chuyên sâu dành cho những đối tượng nhất định. Cụ thể: Những người không có khả năng tài chính thì không cần yêu cầu tiết kiệm. Nhưng một số đối tượng có khả năng tài chính để sử dụng những trang thiết bị đắt tiền, lại thiếu thông tin về sử dụng năng lượng, không biết lựa chọn sản phẩm nào để tiết kiệm năng lượng. Do đó, nên kết hợp với nhà sản xuất, với các cơ quan tuyên truyền có những ấn phẩm chuyên về tiêu dùng, với những thông tin cụ thể về tiêu thụ năng lượng của các hãng khác nhau với một số sản phẩm chủ yếu, dành cho những đối tượng hay mua sắm tìm hiểu thì sẽ đạt hiệu quả hơn.
THS. NGUYỄN CÔNG THỊNH - VỤ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG, BỘ XÂY DỰNG:
Chuyển chức năng thẩm tra báo cáo năng lượng sang Sở Công Thương
Trong ngành Xây dựng, việc chú ý tới tiết kiệm năng lượng ngay từ khi thiết kế các tòa nhà đang là yêu cầu cấp bách và quan trọng. Nhưng hiện nay, các Sở Xây dựng địa phương đang gặp khó khăn trong vấn đề thẩm định báo cáo năng lượng. Vì vậy, chúng tôi đề xuất ý kiến, chuyển chức năng thẩm tra báo cáo năng lượng sang Sở Công Thương để các dự án nhanh chóng được triển khai.
PGS.TS. NGUYỄN PHÚC KHANH – PHÓ VỤ TRƯỞNG VỤ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, BỘ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO:
Quan tâm tới những dự án sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng khác
Từ khi tham gia Chương trình, chúng tôi đã xây dựng được nhiều tiểu đề án về tiết kiệm năng lượng. Trong năm 2008, ngành Giáo dục - Đào tạo đã triển khai 4 kiểu đề án tiết kiệm trong ngành học giáo dục mầm non, tiểu học, trung học và đại học. Kinh phí để thực hiện các đề án này có thể lên đến hàng trăm tỉ đồng, rất mong Chương trình xem xét hỗ trợ kinh phí. Riêng đối với mô hình chiếu sáng trường học, năm 2009, ngành Giáo dục mong Chương trình mở rộng mô hình đến những vùng kinh tế còn khó khăn.
Một điểm nữa mà chúng tôi thấy là Chương trình mới tập trung vào tuyên truyền tiết kiệm điện là chính. Năm 2009, chúng ta nên quan tâm tới các dự án sử dụng tiết kiệm các
nguồn năng lượng khác.
PV