Chủ nhật, 24/11/2024 | 04:47 GMT+7
Tham dự hội thảo có đại diện Văn phòng tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương), đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực khí sinh học và đặc biệt còn có đại diện đến từ nhiều nhà máy, cơ sở đã ứng dụng thành công mô hình khí sinh học quy mô công nghiệp.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe trình bày về tình hình phát triển công nghệ khí sinh học quy mô công nghiệp, trong đó có quy mô trang trại chăn nuôi và thực tế áp dụng công nghệ trên ở một số nhà máy như nhà máy Cồn Lam Sơn, Thanh Hoá, hay công trình khí sinh học bãi rác Gò Cát tại TP.HCM…
Sau khi trao đổi về cơ chế hoạt động, những thuận lợi, khó khăn và hướng giải quyết khi ứng dụng khí sinh học, ban tổ chức cùng toàn thể hội nghị đã có chuyến thực tế tại thôn Đan Hoài, xã Đan Phượng, tỉnh Hà Tây, nơi Trung tâm Công nghệ khí sinh học đang thực hiện một số mô hình thí điểm áp dụng khí sinh học trong quy mô trang trại và quy mô gia đình - đây là một trong những nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công Thương chủ trì.
Trang trại Đan Hoài với hơn 2000 đầu lợn với sự hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia đã xây dựng một hầm ủ khí biogas quy mô lớn 10 đơn nguyên dự định trong thời gian tới sẽ sử dụng khí sinh học chạy máy phát điện phục vụ sản xuất chăn nuôi. Điển hình trên là một trong những thành công ban đầu của dự án khí sinh học trong công nghiệp, mở đường cho một ngành công nghiệp mới đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình tháo gỡ khó khăn về năng lượng của quốc gia trong thời điểm hiện nay.
Văn phòng TKNL-Bộ Công Thương