Thứ bảy, 23/11/2024 | 07:58 GMT+7

Hoạt động truyền thông TKNL tại Việt Nam và kinh nghiệm của một số nước trên thế giới

23/10/2007

“Tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường” là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để thực hiện tốt nội dung trên, Văn phòng TKNL, Bộ Công Thương đã triển khai Đề án: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong nhân dân thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) theo Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg ngày 14-4-2006 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó nhiệm vụ chủ yếu của năm 2007 là tổ chức các chương trình truyền thông tổng hợp về sử dụng năng lượng TK&HQ (do Bộ Văn hoá Thông tin tổ chức quản lý và thực hiện); Tuyên truyền trên đài truyền hình, đài phát thanh, các phương tiện thông tin báo chí, các ấn phẩm in về hoạt động TKNL (do VP TKNL-Bộ Công Thương thực hiện); Tổ chức nghiên cứu cơ sở lý luận, đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi để xây dựng nội dung và phương thức giáo dục học sinh về sử dụng năng lượng TK&HQ trong các môn học, các bậc học của chương trình đào tạo (do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện); Đề án xây dựng và duy trì hoạt động Trang thông tin điện tử, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật hỗ trợ hoạt động sử dụng năng lượng TK&HQ của Chương trình (do Bộ Công Thương thực hiện) và đề án triển khai thí điểm cuộc vận động sử dụng năng lượng TK&HQ trong mỗi hộ gia đình (Hội liên hiệp Phụ nữ chủ trì thực hiện). Trong quá trình triển khai nội dung trên, các đơn vị thực hiện liên tục xây dựng đồng bộ các nội dung truyền thông theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới.

Mỗi một quốc gia căn cứ vào đặc thù riêng để áp dụng các hoạt động truyền thông khác nhau như tại Mỹ, hoạt động TKNL tập trung vào các hoạt động công nghiệp, dịch vụ, nghiên cứu khoa học do Chính phủ và các công ty ESCO thực hiện, người dân tự điều chỉnh ý thức thông qua giá năng lượng còn ở Châu Âu, hoạt động truyền thông lại được quan tâm ở mức vừa phải, tập trung thông qua kênh giáo dục, đào tạo, các hoạt động ngoại khoá của học sinh tiểu học; một số thông tin tư vấn tiêu dùng. Bên cạnh đó, Nhật Bản lại đặc biệt coi trọng công tác này, mô hình truyền thông của Nhật Bản là mô hình phổ biến tại nhiều nước Châu Á và cả các nước đang phát triển học hỏi.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam thì việc áp dụng mô hình truyền thông về TKNL của Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước trong khu vực là một sự lựa chọn phù hợp nhất với một số hoạt động cụ thể được biết đến như:

Š   Tuyên truyền, cổ động: đây là hoạt động tuyên truyền có sử dụng hình ảnh của các nhân vật nổi tiếng được khai thác tối đa trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, truyền thanh, Internet...(ngôi sao, chính trị gia...) Chủ yếu thể hiện trên các clip cổ động.

Š   Các sự kiện, cuộc thi, giải thưởng sáng tạo (Nhật Bản, Hàn Quốc...), vận động...

Š   Tuyên truyền bằng pano, áp phích, các ấn phẩm in...

Š   Các phòng trưng bày, khu triển lãm mô hình sử dụng năng lượng và tiết kiệm năng lượng (tại Nhật Bản, Hàn Quốc va trung Quốc đều nỗ lực xây dựng và duy trì các khu triển lãm, mô hình TKNL – Nhật : 05 phòng triển lãm, Hàn Quốc: 03, Trung Quốc: 02). Giới thiệu lưu động di chuyển theo các chương trình hàng năm tới các địa phương.

Š   Tuyên truyền bằng giáo dục ngoại khoá, truyện tranh, các hình ảnh sinh động tập trung cho thiếu nhi...

Š   Tuyên truyền qua hình thức tư vấn tiêu dùng cũng được sử dụng khá rộng rãi tại Nhật Bản.

Từ các hoạt động đó, các nước trong khu vực đã rút ra một số kinh nghiệm:

Trong bối cảnh nhiều nguồn thông tin, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức một số vấn đề khoa học, kỹ thuật là tương đối khó khăn, hiệu quả của tờ rơi, áp phích từ đó bị hạn chế phần nào.

Các nước đều đánh giá cao tầm quan trọng của việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho đối tượng thiếu nhi thông qua giáo dục ngoại khoá, truyện tranh. Các chuyên gia truyền thông đã tập trung vào một số đối tượng như: trẻ em, phụ nữ... nên các mô hình trình diễn trưng bày là rất quan trọng.

Các mô hình thông tin trưng bày lưu động chưa thể hiện nhiều hiệu quả theo kinh nghiệm của Trung Quốc, Nhật Bản, nhưng theo chuyên gia Hàn Quốc có nhiều thuận lợi khi tuyên truyền ở các vùng xa trung tâm và dễ tiếp cận các trường học.

Các clip truyền hình cần nhiều chi phí xây dựng và phát sóng nhưng cũng thể hiện được một vài thành công ở Thái Lan (giá thành xây dựng một clip phim cổ động 45-60 giây từ dao động từ 100 triệu đồng – 1 tỷ đồng Việt Nam, và tại các nước trong khu vực còn cao hơn nữa)

Các cuộc vận động, thi vận động, giải thưởng cho ý tưởng, hoạt động TKNL chỉ có tác động tới từng nhóm đối tượng tuyên truyền nhất định và tuỳ thương tiêu chí và mục tiêu của cuộc thi, vận động theo từng thời kỳ.

Sau gần một năm triển khai các hoạt động TKNL có tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới thấy rằng truyền thông cho các Chương trình truyền thông cho TKNL là rất quan trọng tuy nhiên ở nước ta đây là một lĩnh vực còn tương đối mới mẻ, phức tạp và cần nhiều kinh phí. Các nước trong khu vực mỗi năm chi hàng triệu đến hàng chục triệu đô la cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục nên song song với những nỗ lực của Văn phòng nhằm tìm ra các phương thức hoạt động truyền thông hiệu quả với nguồn kinh phí trong khả năng nhằm phát huy tối đa hiệu quả tuyên truyền cho Chương trình và cho cộng đồng Văn phòng TKNL cũng mong có được sự phối hợp, hỗ trợ, đóng góp cho mục tiêu chung của các báo, tạp chí, các cơ quan truyền thông chuyên ngành và các phương tiện thông tin đại chúng để giúp Việt Nam sớm đạt được mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng TK&HQ.

VP TKNL, Bộ Công Thương