Thứ năm, 07/11/2024 | 10:22 GMT+7

Giảm năng lực cạnh tranh vì tiêu hao năng lượng lớn

10/07/2007

Sáng 9-7 tại TPHCM, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM (ECC) đã khai giảng khóa đào tạo nâng cao năng lực và duy trì hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL) cho các chuyên viên TKNL của TPHCM và một số địa phương phía Nam. Một trong những vấn đề được chú ý tại khóa đào tạo này là cảnh giác với một xu hướng đầu tư mới của các nước phát triển hiện nay là chuyển nhà máy tiêu tốn nhiều năng lượng sang nước khác.

Mơ hồ về TKNL

Hiện nay, chúng ta đang tập trung để đối phó với rác công nghiệp hơn là quan tâm đến sự chuyển dịch đầu tư mới, tập trung vào năng lượng. Ngay cả lực lượng làm công tác TKNL ở một số tỉnh phía Nam còn khá mơ hồ về TKNL. Tại buổi khai giảng, khi được hỏi “Khi đến khóa đào tạo này, vấn đề các bạn quan tâm nhất là gì?”, phần lớn câu trả lời đều quá chung chung. Sau thời gian khá dài mở các lớp đào tạo về TKNL, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc ECC, đã nhận xét còn nhiều lãnh đạo địa phương chưa hiểu đầy đủ về TKNL. Trong thực tế vẫn còn quan niệm tiết kiệm điện là cắt điện. Hay có quan niệm, đối tượng TKNL chỉ là nhà máy. Vì vậy có lãnh đạo một địa phương đã thẳng thừng: “Tỉnh tôi có vài nhà máy nên đâu phải lo TKNL!”.

 

Vì vậy, mục tiêu của khóa đào tạo là cung cấp cho học viên thông tin về xu hướng của hoạt động TKNL, phương pháp xây dựng đề án TKNL, những công cụ triển khai hoạt động TKNL. Đồng thời, qua khóa đào tạo, ECC cũng mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn trong lĩnh vực TKNL ở một đô thị lớn nhất nước.

 

Sau khóa đào tạo, mỗi địa phương có thể tự định hướng và triển khai được hoạt động TKNL tại địa phương mình, theo yêu cầu chung của chương trình mục tiêu quốc gia về TKNL.

 

Thiếu chính sách về TKNL

 

Ông Huỳnh Kim Tước cho biết, hiện nay Trung Quốc đang tìm cách đẩy các nhà máy tiêu tốn năng lượng lớn như thép, thủy tinh, sành sứ... sang các nước khác. Bởi hiện nay, pháp luật về TKNL ở Trung Quốc đã khá hoàn chỉnh, những doanh nghiệp có suất tiêu hao năng lượng lớn khó lòng cạnh tranh được. Theo ông Tước, các đại gia trong ngành thép thế giới đã có mặt ở VN, cung đã vượt cầu trong thép xây dựng ở nước ta. Nếu cho thêm 2 nhà máy thép hoạt động, lợi nhuận thu được chưa hẳn đủ để phát triển thêm nguồn phát điện cho 2 nhà máy này hoạt động. Không phải chỉ Trung Quốc, sắp tới sẽ có thêm một số nước trong khu vực sẽ chuyển dịch nhà máy theo hướng này. Vì vậy, các địa phương phải hết sức tỉnh táo.

 

Trong khi đó, VN đang thiếu nhiều chính sách để khuyến khích người dân sử dụng năng lượng hiệu quả. Tại nhiều nước đã có tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng theo hướng TKNL từ rất lâu, VN lại chưa. Ngay cả luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, dự kiến đến năm 2012 VN mới ban hành được. Suất tiêu hao năng lượng cao cũng làm cho nền kinh tế giảm khả năng cạnh tranh. Hiện nay, suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP của VN cao gấp 1,4 đến 1,7 lần so với Thái Lan và gấp đôi so với những nước tiên tiến khác. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ làm công tác TKNL và chính sách TKNL là hết sức cần thiết.

(Nguồn: Người lao động)