Thứ năm, 07/11/2024 | 10:22 GMT+7

Hội thảo tham vấn quốc gia: Cơ hội đầu tư các dự án tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam

15/06/2007

(BCN) - Ngày 14/6/2007, tại khách sạn Melia Hà Nội, Bộ Công nghiệp đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo tham vấn cấp quốc gia về cơ hội đầu tư các dự án Tiết kiệm năng lượng (TKNL) tại Việt Nam.

Chủ trì Hội thảo về phía Bộ Công nghiệp có ông Nguyễn Đình Hiệp – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ, Chánh văn phòng TKNL, Bộ Công nghiệp. Đồng chủ trì Hội thảo về phía Ngân hàng phát triển Châu Á, ông Ayumi Konishi, giám đốc quốc gia, phái đoàn thường trú tại Việt Nam.  Đặc biệt buổi hội thảo còn có sự tham gia của đại diện các Bộ, ban ngành và hơn mười ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực nhà nước, tư nhân, các cơ quan thông tấn, báo chí.  

Trong khuôn khổ chương trình Môi trường và Năng lượng sạch, Ngân hàng phát triển Châu Á đã đưa ra sáng kiến Hiệu quả năng lượng để mở rộng các hoạt động của mình trong lĩnh vực năng lượng sạch với một khoản dư vay nợ lên đến 1 tỷ đôla /năm. Vinh dự  nằm trong danh sách 6 nước được ưu tiên, Việt Nam hiện đang trong quá trình triển khai chiến lược quốc gia và kế hoạch hoạt động để khuyến khích việc sử dụng năng lượng sạch. Hiện nay, vấn đề được ngân hàng và các nhà đầu tư hết sức quan tâm là những rào cản và cơ hội đối với các dự án về TKNL và phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

 

Việt Nam là một thị trường TKNL đầy tiềm năng

 

Điều đó được thể hiện ở nhu cầu về chiếu sáng (chiếm 27% tổng lượng điện thiêu thụ) và nếu thay 80 triệu bóng đèn T10-40W bởi loại đèn T8-36-32W thì chúng ta sẽ tiết kiệm được 1.040.000 Kw và thay vì sử dụng 50 triệu bóng đèn sợi đốt 60W, chúng ta dùng loại Compact 11W với độ sáng tương đương ta sẽ tiết kiệm được 2.450.000 Kw. Bên cạnh đó còn có các nhu cầu thay thế các thiết bị trong công nghiệp hay nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời hay năng lượng gió. Trong thời gian gần đây, môi trường hỗ trợ đã và đang được hình thành như các khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dự án và chương trình đã và đang được triền khai rất hiệu quả. Ngoài ra, còn có sự ra đời của nhiều công ty dịch vụ năng lượng (ESCOs) cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm, công nghệ TKNL trên thị trường. Do đó, có thể khẳng định rằng tại việt Nam, tiềm năng về TKNL là rất dồi dào. Đó là cơ hội mở ra cho các nhà đầu tư TKNL như: Tăng cường TKNL tại cấp hộ gia đình thông qua việc mở rộng quy mô các dự án quản lý phía nhu cầu, thay thế bóng đèn TKNL, tiến hành thay thế thiết bị TKNL cho các công ty dịch vụ năng lượng giữ vai trò tiên phong  trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và công cộng….

 

 Và những rào cản...

 

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn phải đối mặt với một số rào cản: Chi phí đầu tư cao; Thu nhập hộ gia đình còn thấp; Nhận thức về TKNL của cộng đồng từ cấp hộ gia đình, tại công sở cho đến các doanh nghiệp còn chưa cao; Mặc dù một số văn bản pháp lý đã được ban hành ở cấp trung ương, bộ và tỉnh nhưng nội dung vẫn chưa thật cụ thể, các chế tài đối với các đơn vị không nghiêm chỉnh chấp hành TKNL cần phải được tăng cường hơn nữa …

 

Tại hội thảo, các bên tham gia đã sôi nổi trình bày các vấn đề liên quan đến cơ chế tài chính, các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển công nghệ sạch, TKNL và bảo vệ môi trường…

 

Hội thảo lần này là cơ hội tốt để các nhà quản lý, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế Việt Nam tiếp cận, lựa chọn cho các dự án TKNL đang và sẽ được triển khai trong thời gian tới. ADB cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác với các ngân hàng Việt Nam nhằm đẩy mạnh các nguồn tài chính hỗ trợ tích cực hơn nữa cho các dự án TKNL, giúp thành viên thứ 150 của WTO phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới, góp phần thực hiện thành công mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: giảm từ 5-8% nhu cầu năng lượng vào năm 2015.

Huyền Anh

Văn phòng TKNL, Bộ Công nghiệp