Chủ nhật, 22/12/2024 | 13:13 GMT+7

Chuyển đổi xanh, xu hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp

11/10/2023

Ngày 10/10/2023, Sở Công Thương Đà Nẵng phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Sohaco Toàn Cầu, Công ty TNHH Green Yellow Việt Nam và Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar tổ chức hội thảo có chủ đề “Chuyển đổi xanh, xu hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp” với sự tham gia của đại diện gần 300 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Thúy Mai cho biết, thành phố Đà Nẵng xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới của cộng đồng doanh nghiệp.
Từ thực trạng hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố hiện nay đặt ra yêu cầu xanh hóa trong sản xuất, nắm bắt xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam, nhằm có lộ trình chuyển đổi xanh phù hợp với doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp chỉ mới quan tâm nhiều đến số lượng, chưa thực sự quan tâm nhiều đến chất lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp chậm đổi mới trong việc quản trị, công nghệ... Để tháo gỡ các khó khăn đó, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm khơi thông vướng mắc về điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp để chuyển đổi phát triển xanh, đổi mới công nghệ...
Đồng thời, quan tâm xây dựng tài nguyên về con người, xem đây một nguồn nguyên liệu vô hạn để thành phố phát triển bền vững bởi trên địa bàn thành phố không có nguyên liệu hóa thạch, không có nguyên liệu thiên nhiên...
Các doanh nghiệp tham dự hội thảo. 
Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) thông tin, thời gian qua, ngành công thương triển khai hỗ trợ, thúc đẩy triển khai áp dụng các giải pháp để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và chuyển đổi xanh, hướng đến phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, 3 nhóm giải pháp, gồm: Áp dụng các giải pháp về quản lý, công nghệ, thiết bị, kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; áp dụng tổng thể các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất, giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường và tận dụng tối đa các cơ hội áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ...
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, bên cạnh 3 nhóm giải pháp kỹ thuật cụ thể nêu trên, trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình.
Trong đó có các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính phải thực hiện từ năm 2023; xây dựng kế hoạch và tự thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến năm 2025; thực hiện theo hạn ngạch về phát thải khí nhà kính được phân bổ từ năm 2026 trở đi.
Cùng với đó, cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon... sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025. Đây là những cơ chế thị trường sẽ được triển khai nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát, chuyển đổi xanh, hướng đến nền sản xuất bền vững của mình.
Thông qua Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương, trong đó có thành phố Đà Nẵng và cộng đồng doanh nghiệp các giải pháp để chuyển đổi xanh một cách hiệu quả và thành công.
Tại hội thảo cũng giới thiệu một số giải pháp để chuyển đổi xanh trong công nghiệp như mô hình ESCO (dự án điện mặt trời 0 đồng và cung cấp chứng chỉ iREC (chứng chỉ năng lượng tái tạo quốc tế) cho nhà máy; công nghệ quang điện thế hệ mới Ntype Topcon (công nghệ sản xuất pin mặt trời với hiệu suất hấp thụ ánh sáng tốt hơn)…
Theo: Báo Đà Nẵng