Chủ nhật, 22/12/2024 | 12:28 GMT+7

Đẩy mạnh truyền thông sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả

02/10/2023

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại báo cáo của Bộ Công thương ngày 05/09/2023 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cập nhật Kế hoạch cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 có nhấn mạnh nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về tiết kiệm điện (TKĐ).

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ ngành, địa phương, các tập đoàn năng lượng như EVN, TKV, PVN và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc, tích cực hơn nữa Chỉ thị số 20 ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường TKĐ; Quyết định số 279 của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/3/2018 phê duyệt Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030.
Phóng viên Nguyên Long phỏng vấn ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). 
Một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh áp dụng chương trình DR. Ảnh: Ngọc Lan.
PV: Thưa ông Trần Viết Nguyên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ đảm bảo điện cho đất nước, việc truyền thông về vai trò của sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm được EVN quan tâm như thế nào?
Ông Trần Viết Nguyên: EVN xem công tác “tiết kiệm điện” là giải pháp ưu tiên hàng đầu trong các giải pháp đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt là các tháng nắng nóng, và thời tiết cực đoan khu vực miền Bắc thường có nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến (có những thời điểm hơn 20% so với bình thường). Việc tham gia tiết kiệm điện của cộng đồng người dân và xã hội, đóng góp rất quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Nếu mỗi người dân, hộ gia đình thực hành sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tốt sẽ giúp hệ thống điện vận hành an toàn, tin cậy và hiệu quả cả về mặt kinh tế. 
PV: Chỉ thị 20/TTg cũng nhấn mạnh, mọi tổ chức, cá nhân phải nghiêm túc, quyết liệt thực hiện triển khai việc tiết kiệm điện. Thưa ông Trần Viết Nguyên, ông nhìn nhận như thế nào về các mục tiêu đặt ra tại Chỉ thị 20/TTg cũng như chỉ đạo của TTg tại Chỉ thị này? 
Công nhân PC Sơn La tuyên truyền sử dụng điện an toàn, hiệu quả đến khách hàng. Ảnh: Ngọc Diệp
Ông Trần Viết Nguyên: Chỉ thị 20 (2023 – 2025) của Thủ tướng Chính phủ đưa ra các mục tiêu tối thiểu cả nước phải tiết kiệm được ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ/năm trong đó cụ thể như (i) phấn đấu tiết kiệm 5% hành chính sự nghiệp; (ii) tiết kiệm 2% sản xuất công nghiệp; (iii) tiết kiệm 30% chiếu sáng công cộng; (iv) giảm tổn thất điện năng dưới 6% (2025) và (v) tham gia điều chỉnh phụ tải điện (DR) tối thiểu 1.500MW (2025)... 
Để đạt được các mục tiêu này, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TW phải xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để chỉ đạo triển khai trên phạm vi trực thuộc, đồng thời ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích, động viên doanh nghiệp và người dân thực hiện, kèm theo chế tài kiểm tra, giám sát đôn đốc.  
Nếu chúng ta thực hiện tốt các chỉ tiêu này thì bình quân mỗi năm (2023 – 2025), cả nước có thể tiết kiệm được khoảng 5 tỷ kWh điện, tương đương với việc giảm/giản đầu tư một nhà máy điện có công suất 1.200MW (cần 5 - 7 năm để xây dựng).  
PV: EVN triển khai việc truyền thông cũng như thực hiện Chỉ thị 20/TTg như thế nào thưa ông?
Ông Trần Viết Nguyên: EVN đã truyền thông tới các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn (các Sở Công Thương/UBND tỉnh/thành phố trực thuộc TW). Chủ động cung cấp thông tin về tình hình cung ứng điện, các bài viết tới các cơ quan đoàn thể - chính trị - xã hội, đặc biệt là các cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình. Tuyên truyền tới tất cả các khác hàng dùng điện về tình hình cung ứng điện, kèm theo các giải pháp sử dụng điện như thế nào cho hiệu quả và tiết kiệm. EVN cũng giao chỉ tiêu tiết kiệm điện tại các cơ quan, công sở trực thuộc EVN với chỉ tiêu cao hơn Chỉ thị 20/CT-TTg (tiết kiệm tối thiểu 10% và 15% so với cùng kỳ vào các tháng cao điểm 5, 6,7). Vận động toàn thể cán bộ công nhân viên và gia đình thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiết kiệm điện tối thiểu 10% so với cùng kỳ. Hoàn thiện trang thông tin để theo dõi và cung cấp điện năng tiêu thụ của các nhóm khách hàng như: hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, sản xuất kinh doanh… hàng tháng, đưa ra cảnh báo đối với các trường hợp khách hàng sử dụng điện tăng đột biến (từ 10, 15, 20 % trở lên so với tháng trước hoặc cùng kỳ). 
Cán bộ công nhân viên Công ty Dịch vụ điện lực miền Trung sử dụng thang bộ để tiết kiệm điện. Ảnh: Tầm Xuân.
PV: Các báo cáo của EVN cho thấy, 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm của cả nước có mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm. Từ thực tế nhiều năm đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai các biện pháp TKĐ, ông nhìn nhận như thế nào về tiềm năng TKĐ trong các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm?
Ông Trần Viết Nguyên: Đánh giá của EVN cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong khối công nghiệp là rất lớn. Hiện cả nước có 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, với tổng điện năng tiêu thụ mỗi năm của các cơ sở này khoảng hơn 80 tỷ kWh, chiếm hơn 32% tổng mức tiêu thụ điện toàn quốc.
Nếu các cơ sở này tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ mỗi năm (theo Chỉ thị 20) thì hàng năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh điện, tương ứng với số tiền điện tiết kiệm được hơn 3.200 tỷ đồng.
Để khai thác tối đa tiềm năng tiết kiệm năng lượng, chúng ta không những chú trọng đến cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm mà cần thực hiện các giải pháp truyền thông tới tất cả các cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên. Số liệu năm 2022, cả nước có 16.850 khách hàng có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên với tổng mức tiêu thụ điện hơn 111 tỷ kWh/năm (tương đương với khoảng 46,3% tổng sản lượng thương phẩm của toàn EVN).
Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, đồng thời là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
PV: Quyết định số 279 của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/3/2018 phê duyệt Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 (Chương trình DSM), EVN đã triển khai Quyết định này như thế nào và các kết quả cụ thể của chương trình này?
Ông Trần Viết Nguyên: EVN đã và đang triển khai một loạt các chương trình chính về DSM, bao gồm các chương trình “Giờ trái đất”; Tổ chức cuộc thi “Gia đình tiết kiệm điện”; “Tiết kiệm điện trong nuôi tôm công nghiệp 9 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long”; “Thí điểm tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO”; “Lắp đặt điện mặt trời mái nhà”; “Ứng dụng công nghệ kiểm soát điện năng tiêu thụ”; Xây dựng các ứng dụng, công cụ theo dõi, kiểm soát điện năng tiêu thụ; “Giảm tổn thất điện năng và điện tự dùng”; “Điều chỉnh phụ tải điện - DR”; Tuyên truyền tiết kiệm điện sâu rộng hàng năm trên các phương tiện thông tin đại chúng từ TW tới địa phương...
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo: Trang tin Điện tử ngành điện