Chủ nhật, 22/12/2024 | 19:43 GMT+7

Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh

19/09/2023

Theo Bộ Xây dựng, qua 15 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng 300 công trình, với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh 2023 tại Tp.Hồ Chí Minh, ngày 18/9, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức tọa đàm “Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh” với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, và đơn vị tư vấn liên quan đến công trình xanh và tiết kiệm năng lượng.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng không đã và đang là một trong những ưu tiên của của nhiều quốc gia trên thế giới.
Với những lợi ích mang lại từ việc sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy việc phát sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực xây dựng.
Nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư ở Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng cũng đã lên kế hoạch triển khai cùng với nhiều giải pháp cụ thể để phát triển theo hướng xanh, phát thải thấp và tiến tới trung hòa các bon như mục tiêu đến 2050 mà Chính phủ đã cam kết.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, để thực hiện được mục tiêu trên còn rất nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực quyết tâm và những hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả của tất cả các bên liên quan.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu khai mạc tọa đàm
Ở Việt Nam, các công trình xanh xuất hiện đầu tiên vào khoảng giai đoạn những năm 2005-2010. Qua hơn 15 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng 300 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Hiện chúng ta chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0.
Hết quý II năm 2023, hiện có khoảng gần 300 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của Lotus (VGBC), Edge (IFC-WB), LEED (Hội đồng CTX Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore) với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 7 triệu m2
Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 đã đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 80 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh và đến năm 2030 con số này là 150 công trình.
Phát biểu tại tọa đàm, nhấn mạnh sự quan tâm của Hà Nội đối với công tác quản lý và phát triển công trình xanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng giải pháp về công trình xanh, tiết kiệm năng lượng cần được nhìn nhận và áp dụng tổng thể trên các khía cạnh môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế; triển khai bao trùm cả đô thị, nông thôn, ở tất cả các giai đoạn của xây dựng công trình. Phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng phải gắn kết với đô thị xanh, không gian xanh và lấy trọng tâm là con người và bản sắc địa phương, hướng tới sự phát triển hài hòa của môi trường sinh thái tự nhiên.
Ông Dương Đức Tuấn kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành nghiên cứu hàng lang pháp lý đối với công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng nhằm khuyến khích và bắt buộc đối với các công trình, dự án đầu tư theo trường hợp cụ thể (liên quan đến tài chính, đất đai, đầu tư xây dựng, quy hoạch, kiến trúc...).
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại tọa đàm.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng; trao đổi kinh nghiệm về các thành tựu đã đạt; đánh giá tiềm năng phát triển; thảo luận về các rào cản, thách thức và đưa ra các đề xuất tháo gỡ các cản trở, nhằm thúc đẩy đầu tư và phát triển công trình xanh ở Việt Nam.
Theo đó, đại diện Bộ Công Thương – cơ quan đầu mối thực hiện Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đưa ra những nhận định, đánh giá về vai trò và tiềm năng của công trình xanh để đóng góp vào các mục tiêu của VNEEP3 và chuyển dịch năng lượng của Việt Nam.
Các tổ chức, đơn vị tư vấn quốc tế đã có chia sẻ về tiềm năng phát triển và đầu tư vào công trình xanh ở Việt Nam và những dự đoán về xu hướng phát triển của lĩnh vực này trong tương lai trên thế giới và Việt Nam; thông tin về các dự án, biện pháp hỗ trợ, chính sách ưu đãi cụ thể.
Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế tham gia trong lĩnh vực này chia sẻ những thuận lợi và khó khăn khi triển khai đầu tư và xây dựng công trình xanh ở Việt Nam, đồng thời đưa ra những quan điểm, kiến nghị thiết thực nhằm tháo gỡ các rào cản để phát triển công trình xanh tương ứng với vai trò quan trọng trong tiết kiệm năng lượng, thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Từ những đề xuất của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Nhà nước thông tin về kế hoạch ban hành cơ chế, chính sách, ưu đãi nhằm khuyến khích và ưu tiên việc phát triển công trình xanh và công trình tiết kiệm năng lượng...
Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023 với chủ đề “Phát triển công trình xanh thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng: Cơ hội và thách thức” do Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, xây dựng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển công trình xanh tổ chức.
Sự kiện bao gồm chuỗi các sự kiện hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khóa đào tạo tăng cường năng lực, cuộc thi kiến trúc xanh sinh viên được tổ chức tại nhiều địa phương trên cả nước trong đó các hoạt động cao điểm diễn ra từ 27 - 28/09/2023 tại TP.HCM.
Khánh An