Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:54 GMT+7

"Chìa khoá" thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư tiết kiệm năng lượng

24/07/2023

Để thúc đẩy tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong các ngành công nghiệp, giải pháp về vốn và kỹ thuật chính là "chìa khoá" cho doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án TKNL.

Việt Nam có nhiều tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều công nghệ, thiết bị sử dụng trong các doanh nghiệp công nghiệp hiện nay đã lạc hậu nên hiệu quả sử dụng thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng. Để thúc đẩy tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong các ngành công nghiệp, giải pháp về vốn và kỹ thuật chính là "chìa khoá" cho doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án TKNL.
Dưới đây là chia sẻ của ông Chu Bá Thi - Chuyên gia năng lượng cao cấp, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam về vấn đề này.
Ông Chu Bá Thi - Chuyên gia năng lượng cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Ông đánh giá về thực tế sử dụng năng lượng trong công nghiệp hiện nay?
Ông Chu Bá Thi
Nhu cầu năng lượng cho sản xuất ngày càng tăng cao, trong khi các nguồn tài nguyên than, dầu, khí đang dần cạn kiệt thì sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp thiết thực, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế gắn với sản xuất xanh và bảo vệ môi trường. Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo như cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26, Việt Nam cần tích hợp ở mức cao các nguồn năng lượng tái tạo và đặc biệt phải thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Theo đánh giá của Hiệp hội năng lượng quốc tế, các giải pháp hiệu quả năng lượng có thể tránh được 40-50% tổng lượng phát thải ở Việt Nam. Với nghiên cứu của WB, nếu Việt Nam thực hiện toàn diện các giải pháp pháp tiết kiệm năng lượng có thể tránh không phải xây dựng khoảng 12GW các nguồn phát mới.
Ngoài ra, các giải pháp tiết kiệm năng lượng là các giải pháp có chi phí thấp nhất chỉ bằng 1/4 chi phí xây dựng các nguồn phát mới. Ngành năng lượng đang đối mặt đồng thời hai thách thức lớn đó là đảm bảo cung cấp an toàn điện với giá hợp lý để người dân và doanh nghiệp có thể đáp ứng, vừa phải thực hiện chuyển  dịch năng lượng với cam kết trung hoà cacbon vào năm 2050. Như vậy áp lực về hạ tầng và tài chính cho ngành điện trong thời gian tới là rất lớn. Quy mô của hệ thống điện trong 10 năm tới sẽ tăng gấp đôi do vậy TKNL có vai trò rẩt quan trọng cần đặt ra như vấn đề cấp bách để đảm bảo an ninh năng lượng và giảm áp lực cung cấp điện của ngành điện.
Hiện nay các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 20 - 30%. Tuy nhiên, thực trang sử dụng năng lượng ở Việt Nam còn rất lãng phí, cường độ sử dụng năng lượng trên GDP của nước ta rất cao so với bình quân trên thế giới, cao hơn cả Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có xu thế sử dụng nhiều tài nguyên đặc biệt là năng lượng. Do đó, cần chấm dứt sử dụng năng lượng lãng phí và cần cải thiện hơn chất lượng sử dụng năng lượng, hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh hơn. Điển hình như các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng như thép, xi măng… cần áp dụng triệt để các giải pháp tiết kiệm năng lượng, điều này không những giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí sản xuất mà còn làm nhẹ áp lực cung cấp năng lượng của hệ thống điện.
Theo nghiên cứu sơ bộ của WB, chỉ cần áp dụng các biện pháp hợp lý hoá quy trình sản xuất; thay thế, cải tạo, nâng cấp các thiết bị cũ, sử dụng hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao… là đã có thể tiết kiệm từ 15-30% nguồn năng lượng hiện hữu tại các phân xưởng, nhà máy sản xuất. Nếu đầu tư công nghệ đồng bộ, tiêu tốn ít điện năng thì khả năng tiết kiệm năng lượng còn cao hơn nhiều.
Vậy đâu là khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp trong đầu tư dự án TKNL?
Ông Chu Bá Thi
Mặc dù TKNL đã được coi là một trong các giải pháp hiệu quả và thiết thực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, ổn định phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc đầu tư TKNL trong các doanh nghiệp công nghiệp nói chung còn chưa tương xứng với lợi ích mà đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng mang lại. Theo tôi nguyên nhân chủ yếu đến từ sự thiếu vốn chuyển đổi công nghệ. Việc áp dụng một phần hay đồng bộ các giải pháp TKNL, chẳng hạn như: lắp đặt các thiết bị, hệ thống tiêu thụ năng lượng hiệu suất cao, thu hồi nhiệt thải, tích hợp năng lượng tái tạo… đều cần một nguồn vốn lớn. Tuy nhiên việc tiếp cận các nguồn tài chính cho đâu tư là một thách thức đổi với đa số các doanh nghiệp trong nước.
Để thúc đẩy TKNL trong các ngành công nghiệp Việt Nam thì Nhà nước cần có những khuyến khích ưu đãi về tài chính, những chính sách để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn vốn giá rẻ hơn.
Nhà máy xi măng Visai ninh Bình đã xây dựng hệ thống thu hồi nhiệt  thải để phát điện, giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 12 tỉ đồng/tháng
Ngoài yếu tố tài chính, thì còn có yếu tố nhận thức rủi ro khi đầu tư trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng . Đây là một rào cản khiến đầu tư  TKNL ít khi nằm trong danh mục ưu tiên của doanh nghiệp. Theo tôi, giá năng lượng chưa phản ánh đúng chi phí thực tế cung ứng năng lượng và không có chính sách ưu đãi cho tiết kiệm năng lượng cũng là lý do cho việc chậm trễ triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng tại doanh nghiệp công nghiệp.
Xin ông chia sẻ về các chương trình, dự án đã và đang đưa vào triển khai giữ WB và Bộ Công Thương trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng trong công nghiệp?
Ông Chu Bá Thi
Có thể nói thúc đẩy thị trường TKNL là việc khó và gặp nhiều rào cản bao gồm: nguồn tài chính, chính sách, khuôn pháp lý. Tuy nhiên, những dự án hợp tác giữa WB và Bộ Công Thương đã đóng góp vào thành công của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từng giai đoạn. Cụ thể, trước đây WB và Bộ Công Thương đã thực hiện thành công "Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam - Dự án VEEIE” cung cấp một khoản vay 100 triệu USD thông qua hai Ngân hàng Thương mại là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) cho các doanh nghiệp công nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ năng lượng thực hiện các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng. Dự án VEEIE đã kết thúc và đã giúp cải thiện, nâng cao việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam.
Hiện tại, WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng thông qua “Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam - Dự án VSUEE”. Dự án VSUEE do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ uỷ thác qua Ngân hàng Thế giới, Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản quản lý dự án. Dự án có tổng kinh phí là 11,3 triệu USD, tương đương khoảng 252 tỉ đồng. Kinh phí bao gồm: Hợp phần 1, Vận hành Quỹ chia sẻ rủi ro (RSF) 3 triệu USD và Hợp phần 2, Hỗ trợ kỹ thuật 8,3 triệu USD. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2026.
Ngoài ra, Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ một khoản vay có hoàn trả là 75 triệu USD để thành lập Quỹ RSF, nhằm cung cấp bảo lãnh tín dụng cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng của Việt Nam thông qua Đơn vị quản lý quỹ chia sẻ rủi do (PIE). Quỹ RSF sẽ cấp bảo lãnh cho 50% khoản vay của ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp công nghiệp để đầu tư cải tiến công nghệ, giảm tiêu thụ năng lượng. 
Dự án này được xây dựng từ ý tưởng sáng tạo kết hợp hỗ trợ kỹ thuật và Quỹ chia sẻ rủi do lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam nhằm huy động tài chính từ khu vực tư nhân với các điều kiện vay tốt hơn.
WB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng thông qua Dự án VSUEE
Nguồn ngân sách nhà nước cho TKNL còn rất hạn chế trong khi muốn thúc đẩy thị trường TKNL, đổi mới công nghệ hiệu quả năng lượng thì cần có sự tham gia của khu vực tư nhân đặc biệt là các ngân hàng và các doanh nghiệp. Do các ngân hàng chưa sẵn sàng cho vay đối với các dự án tiết kiệm năng lượng bởi họ cho rằng rủi do cao vì thế nên doanh nghiệp không được tiếp cận vốn nên không thể thực hiện đầu tư. Quỹ chia sẻ rủi do này thiết kế nhằm cung cấp bảo lãnh một phần cho dự án tiết kiệm năng lượng giúp ngân hàng có công cụ quản lý rủi do và tự tin hơn để cho vay đối với các dự án tiết kiệm năng lượng. Các doanh nghiệp được tiếp cận với điều khoản tốt hơn do có bảo lãnh. Điều này làm giảm gánh nặng ngân sách của nhà nước Nhà nước cho tiết kiệm năng lượng.
Vậy đối tượng nào được hưởng lợi khi tham gia vào Dự án VSUEE? Phân tích lợi ích, các ưu đãi khi doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính cho vay TKNL?
Ông Chu Bá Thi
Đối tượng được hưởng lợi là các ngân hàng, các doanh nghiệp và người lao động tại doanh nghiệp, các các cơ quan/đơn vị trực tiếp tham gia thực hiện dự án TKNL.  
Tham gia dự án VSUEE, doanh nghiệp sẽ được tiếp cận vốn dễ dàng hơn vì có bảo lãnh thì yêu cầu về đảm bảo sẽ thấp hơn. Đặc biệt các khoản vay vốn tốt hơn với giá vay ưu đãi hơn. Với việc tiếp cận vốn vay với các điều kiện tốt hơn thì doanh nghiệp có thể đầu tư công nghệ cải tiến và tối ưu hóa sản xuất để cắt giảm chi phí sản xuất và tiêu thụ năng lượng, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể của mình trong các thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp được quảng bá hình ảnh, được xây dựng nâng cao năng lực, hỗ trợ thực hiện các chương trình marketing. Đặc biệt với doanh nghiệp xuất khẩu thì chứng chỉ giảm phát thải, chứng chỉ sản xuất xanh rất quan trong, với dự án này Bộ Công Thương và WB sẽ có chính sách cung cấp chứng chỉ đó để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu có thể tiếp cận các thị trường khó tính hơn.
Xin ông cho biết đâu là cơ chế để thúc đẩy thị trường đầu tư TKNL tại Việt Nam?
Ông Chu Bá Thi
Để TKNL đạt hiệu quả theo tôi cần tiếp cận toàn diên từ cả hai phía cung và cầu. Chính phủ cần thực hiện đồng bộ 4 giải pháp: (1) Xây dựng khung pháp lý và chính sách đủ mạnh để khuyến khích và áp đặt thực hành tiết kiệm năng lượng, (2) Xây dựng thể chế và tổ chức thực hiện một cách đồng bộ từ trung ương đến địa phương, (3) Nâng cao năng lực kỹ thuật cho các bên tham gia, (4) Có cơ chế và huy động nguồn tài chính giá rẻ để khuyến khích đầu tư hiệu quả năng lượng.
- Nhà nước cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp và người dân tuân thủ thực hiện TKNL. Đồng thời phải có cơ chế khuyến khích ưu đãi hoặc thưởng cho các doanh nghiệp đầu tư vào giải pháp TKNL.
- Ngoài ra việc truyền thông nâng cao nhận thức của nhà nước thì cũng cần đầu tư hơn nữa về nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý ở cấp địa phương như Sở Công Thương, các trung tâm về quản lý năng lượng cũng như kiểm toán năng lượng đánh giá công nghệ và giải pháp TKNL.
- Cần nhanh chóng xây dựng hệ thống giám sát từ doanh nghiệp đến trung ương. Hệ thống này không những giúp cơ quan quản lý nhà nước giám sát về tình hình tiêu thụ năng lượng mà còn là công cụ để chúng ta phát triển sau này đó là thị trường mua bán phát thải carbon credit.
- Cần sửa đổi luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đưa vào các chính sách cơ chế thúc đẩy thị trường TKNL, cơ chế hỗ trợ phát triển thị trường ESCO, các qui định bắt buộc đối với thực hiện tiết kiệm năng lượng… 
- Có cơ chế huy động nguồn vốn rẻ, vốn khí hậu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính giá rẻ đề đầu tư vào các giải pháp TKNL.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
 Anh Thư