Ban tổ chức cho biết, năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp (2020, 2022 và 2023) Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức sự kiện "Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam" với mục tiêu tuyên truyền, quảng bá, phổ biến, chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm, bài học về triển khai các công cụ chính sách, các quy định kỹ thuật đặc biệt là các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ và phối hợp giữa các bên liên quan trong việc thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam.
Dự kiến, vào ngày 25/9 tại Hà Nội sẽ diễn ra Tọa đàm trao đổi với lãnh đạo doanh nghiệp về công trình xanh và tổ chức tham quan thực địa công trình xanh. Sau đó, các hoạt động chính của Tuần lễ Công trình xanh sẽ được tổ chức vào ngày 28 – 29/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh với 4 phiên Hội thảo chuyên đề và 1 phiên toàn thể.
Trong đó, mỗi Hội thảo chuyên đề sẽ thảo luận một vấn đề riêng. Một là sự phát triển nhà xưởng xanh, văn phòng xanh, tòa nhà xanh – hướng đến cải thiện chất lượng không gian sống và làm việc. Hai là xu hướng sử dụng vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Ba là ứng dụng các thiết bị và công nghệ tân tiến, hướng đến hiện đại hóa các công trình xây dựng, nâng cao tiện nghi cho người dùng. Bốn là tài chính xanh, tín dụng xanh – tiền đề phát triển bền vững. Cuối cùng, phiên toàn thể sẽ bàn về vấn đề xanh hóa sản xuất vật liệu xây dựng, xanh hóa công trình và phát triển bền vững ngành Xây dựng.
Phát triển công trình xanh, hướng đến phát triển bền vững ngành xây dựng (Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet)
Song song với chương trình hội thảo, Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023 sẽ diễn ra hoạt động triển lãm, với 37 gian hàng của các doanh nghiệp, đối tác trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, tiết kiệm năng lượng.
Sự kiện Tuần lễ Công trình xanh 2023 cùng với nhiều hoạt động khác về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường là những hành động thiết thực của Bộ Xây dựng nhằm hướng tới thực hiện cam kết của ngành Xây dựng nói riêng, của Việt Nam nói chung đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Việc tổ chức Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam thành sự kiện thường niên của ngành xây dựng cũng góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong việc thúc đẩy sự phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.
Công trình xanh Việt Nam đầu tiên xuất hiện khoảng năm 2006-2007, đến thời điểm hết quý I/2023, theo tính toán của Tổ chức tài chính quốc tế IFC, có 276 dự án đạt chứng nhận công trình xanh tại thị trường Việt Nam, tương đương với 6,763 triệu m2 sàn. Trong đó, có 91 dự án đạt Chứng nhận Edge, 148 dự án đạt Chứng nhận Leed và 37 dự án đạt Chứng nhận Lotus; tương ứng với hơn 3,463 triệu m2 sàn đạt Chứng nhận Edge, hơn 2,93 triệu m² sàn đạt Chứng nhận Leed và hơn 369 triệu m2 sàn đạt Chứng nhận Lotus. |
Khánh An