Thứ sáu, 27/12/2024 | 03:26 GMT+7

Giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả

28/06/2023

Việc điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng ít sử dụng tài nguyên năng lượng hoàn toàn có thể thực hiện được.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ, giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025.
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, Ủy viên BCH Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, Ủy viên BCH Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Thưa ông, được biết trong khi nhu cầu điện tăng trưởng trung bình 10-15%/năm nhưng mức lãng phí điện của chúng ta cũng rất lớn, theo tính toán thì gấp 1,5 - 6 lần so với thế giới. Ông lý giải như thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Hữu Thập:
Vấn đề ở đây là ý thức sử dụng điện của người dân và doanh nghiệp chưa cao, từ đó dẫn đến lãng phí điện. Ngoài ra, hiện nay nguồn cung điện mặc dù tăng do các doanh nghiệp đầu tư vào điện tái tạo, nhưng do chính sách còn có nhiều bất cập đã dẫn đến câu chuyện nguồn cung điện dồi dào mà lại không được đưa vào sử dụng.
Ở khía cạnh khác, tại nhiều nước trên thế giới như châu Âu, Bắc Mỹ… nhu cầu năng lượng chỉ tăng khoảng 1%/năm, có những nước đạt tăng trưởng âm, do áp dụng công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trong khi, ở Việt Nam để tạo ra 1 USD GDP đang phải sử dụng gần 1 kWh điện, gấp đôi Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, gấp bốn lần so với Philippines, Indonesia... Điều này đồng nghĩa với những tác nhân đang gây tác hại ngày càng nhiều lên môi trường, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Do đó, bên cạnh việc công khai, minh bạch các thành phần trong biểu giá bán điện thì cũng cần làm rõ nguyên nhân ai là người sử dụng không hiệu quả? Ai là thủ phạm gây lãng phí? Tập đoàn Nhà nước, địa phương, ngành nào?
Như vậy, đã đến lúc phải xây dựng một cơ sở dữ liệu để cùng với việc ngành điện công khai các số liệu đầu vào, mức độ tổn thất thì các ngành, các tập đoàn, doanh nghiệp, khách hàng sử dụng năng lượng đều phải có trách nhiệm trong việc nâng cao ý thức sử dụng điện.
Đi cùng với đó là những chế tài xử lý, giám sát một cách thường xuyên, chặt chẽ. Điều này không chỉ giúp giảm những bức xúc về cách tính giá điện mà còn tăng ý thức sử dụng các giải pháp, thiết bị thay thế, tiết kiệm điện năng, giúp tăng hiệu quả đầu tư của nền kinh tế mà còn góp phần giảm phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, thiết thực bảo vệ môi trường.
Tương quan tiêu thụ điện và Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP. Nguồn: PSI Research
Có những ý kiến còn cho rằng, nguyên nhân lãng phí năng lượng chủ yếu do công nghệ lạc hậu và trình độ tổ chức sản xuất, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Thập:
Lãng phí năng lượng của chúng ta bắt đầu từ thiết kế, lựa chọn công nghệ cho đến vận hành. Theo các báo cáo tổng hợp của Bộ Công Thương, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM (ECC) cho thấy mức lãng phí của Việt Nam rất cao, từ 10-50% theo từng ngành.
Trong đó, tiềm năng tiết kiệm có tính kinh tế cũng rất cao. Người Nhật phải chi tiền với thời gian hoàn vốn trên 7 năm chỉ để cắt giảm 1% mức tiêu hao năng lượng. Ở Việt Nam, phổ biến doanh nghiệp có thể tiết kiệm mức 5-15% trong 3 năm.
Từ các tính toán đã cho thấy, một đồng đầu tư cho tiết kiệm năng lượng sẽ bằng 3 đồng đầu tư cho tạo nguồn cung điện. Thực tế, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam vẫn còn lớn.
Do đó, việc điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng ít sử dụng tài nguyên năng lượng hoàn toàn có thể thực hiện được nếu chúng ta coi trọng giải pháp tiết kiệm năng lượng như một giải pháp tương đương đầu tư cung cấp điện.
Điều này có nghĩa, kết hợp giữa chính sách vĩ mô và chính sách cụ thể để cân đối giữa cung và cầu mà không bị áp lực quá mức trong việc đầu tư thêm các nhà máy sản xuất điện. Đặc biệt, nếu chúng ta có định hướng lựa chọn thu hút FDI phù hợp thì sẽ giảm nhu cầu cung ứng năng lượng.
Ngoài những nội dung nêu trên, ông có thêm đề xuất những giải pháp nào để thực hiện hiệu quả việc tiết kiệm điện năng tiêu thụ theo chỉ đạo của Thủ tướng?
Ông Nguyễn Hữu Thập:
Theo tôi, chúng ta cần phải triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp.
Thứ nhất, vận động doanh nghiệp, hộ gia đình có kế hoạch tiết kiệm điện, cụ thể trước đây dùng điện chiếu sáng để trang trí, nếu không cần thiết có thể tiết giảm.
Thứ hai, chuyển sang sử dụng bóng đèn LED.
Thứ ba, các doanh nghiệp thường sử dụng điều hòa trung tâm (điều hòa tổng) nên tiêu thụ rất nhiều điện năng, một phòng làm việc sẽ tiêu tốn 70% lượng điện vì phải dùng chung cho cả toà nhà. Do đó, nên lắp điều hòa rời nhằm tiết giảm điện năng.
Thứ tư, sử dụng dây chuyền thiết bị máy móc có công nghệ thân thiện môi trường, tiên tiến, hiện đại, tiêu thụ ít điện năng.
Thứ năm, văn phòng, nhà xưởng có diện tích mái nhà không sử dụng có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tăng nguồn cung điện cho doanh nghiệp.
Thứ sáu, tuyên truyền, vận động người dân có ý thức sử dụng máy điều hoà với nhiệt độ phù hợp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo: Diễn đàn Doanh nghiệp