Thứ bảy, 07/12/2024 | 04:07 GMT+7

Tiết kiệm điện – lời giải cho bài toán thiếu điện mùa nắng nóng

09/06/2023

Ngày 9/6 tại Hà Nội, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức toạ đàm với chủ đề “Giải quyết bài toán thiếu điện: Cách nào?”.

Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh hệ thống điện miền Bắc có thể thiếu hụt lên tới 1.600 MW cho đến 1.900 MW trong cao điểm nắng nóng tháng 5,6. Nguy cơ thiếu điện còn tiếp diễn khi tăng trưởng kinh tế mỗi năm từ 6-7%.
Tham dự tọa đàm có các chuyên gia năng lượng, chuyên gia kinh tế và quan tâm của đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.
Toàn cảnh tọa đàm
Thách thức trong cung ứng điện
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, trong giai đoạn 2016-2022, miền Bắc tăng trưởng nhanh điện thương phẩm, cao hơn cả miền Trung và Nam, trung bình đạt 9,9%. Nếu loại trừ 2 năm Covid-19 thì miền Bắc tăng 12-13%.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, chỉ có 3 dự án có công suất lớn được đưa vào vận hành gồm nhà máy nhiệt điện Hải Dương (1.200MW), Nghi Sơn 2 (1.200MW) và Thái Bình 2 (1.200MW).
Dù có công suất lắp đặt lên tới 1.200 MW, song công suất huy động của các nhà máy này chỉ đạt khoảng 600MW.
Tính đến năm 2020, hệ thống nhà máy điện tại Việt Nam có tổng công suất lắp đặt đạt 77.800MW, đứng đầu các nước ASEAN. Trong đó, EVN cùng 3 tổng công ty phát điện 1,2,3 và các công ty thành viên sở hữu 29.901MW, chiếm khoảng 38,4% tổng công suất phát điện trên cả nước. Phần còn lại thuộc về các nhà đầu tư bên ngoài.
"EVN bán điện cho khoảng 92% khách hàng toàn quốc; 8% còn lại do các hợp tác xã, công ty cổ phần, doanh nghiệp" ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN.
Cũng theo ông Lâm, EVN hiện nắm 100% hoạt động truyền tải điện. Trong khi đó, tập đoàn đang bán điện cho khoảng 92% khách hàng toàn quốc; 8% còn lại do các hợp tác xã, công ty cổ phần, doanh nghiệp phát điện bán trực tiếp trên địa bàn.
Về phân bổ nguồn, những năm qua, hệ thống điện năng lượng tái tạo phát triển rất mạnh, song phần lớn tập trung ở những vùng tiềm năng như Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Trong khi đó, khu vực miền Bắc phát triển chủ yếu là thủy điện, nhiệt điện.
“Mặc dù nguồn năng lượng tái tạo phát triển nhiều, nhưng không phát triển ở miền Bắc, phân bổ không đều. Đây là một trong những khó khăn, thách thức rất lớn cho việc vận hành hệ thống điện quốc gia, đặc biệt ở khu vực phía Bắc”, ông Lâm nhấn mạnh.
Tại toạ đàm, ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, dự báo trong tháng 6, tháng 7 năm nay, nắng nóng sẽ đạt đến cực hạn. Khoảng đầu tháng tháng 7, tần suất lũ về cao, nước về thượng nguồn sông Đà nhiều hơn nên nếu không có gì thay đổi, căng thẳng cấp điện tại miền Bắc mùa hè năm nay sẽ được giải tỏa.
"Dự báo trong tháng 6, tháng 7 năm nay, nắng nóng sẽ đạt đến cực hạn" - ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia 
Dù vậy, hiện tượng El Nino tái diễn năm nay, cộng với năm nay là năm nhuận, mùa khô sẽ có thêm 1 tháng vẫn sẽ khiến áp lực cấp điện gia tăng. Đến tháng 8 cấp điện được giải tỏa khi qua giai đoạn mùa khô và các nhà máy điện được vận hành ổn định.
"Do đó, chúng tôi vẫn cần sự đồng hành của khách hàng trong việc duy trì hệ thống điện miền Bắc ổn định. Nếu không tiết kiệm điện và có những giải pháp cấp bách, khi thủy điện Hòa Bình về mực nước chết thì chúng ta sẽ mất 1.920 MW nữa. Tình hình lúc ấy sẽ rất khó khăn và căng thẳng hơn rất nhiều. Khi nhà máy có vai trò điều tần hệ thống này không còn nữa, thì ảnh hưởng rất lớn không chỉ miền Bắc mà cả hệ thống điện quốc gia. Cho nên rất cần sự chung tay của khách hàng khu vực phía Bắc”, ông Trung kêu gọi.
Tiết kiệm điện là giải pháp tối ưu
Ông Võ Quang Lâm cho biết, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay (nắng nóng và khô hạn kéo dài) thì việc tiết kiệm được từng kWh điện là vô cùng quý giá. Trong thời gian qua mỗi ngày cả nước tiết kiệm được khoảng hơn 6 triệu kWh điện, nếu so sánh với nhu cầu sử dụng điện hiện nay (khoảng 800 triệu kWh) thì đây là con số khá đáng kể góp phần chung tay cùng ngành điện giải quyết bài toán thiếu điện.
"Nếu doanh nghiệp tích cực tiết kiệm điện thì chúng ta sẽ có nguồn lực lớn để dành năng lượng cho nhu cầu khác" - ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN.
Ngày 08/06/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023-2025, trong đó có một số chỉ tiêu đã được đặt ra cao hơn so với giai đoạn trước đây. Cụ thể như: sản lượng điện tiết kiệm trong khối hành chính sự nghiệp đặt mục tiêu 5%, chiếu sáng đặt mục tiêu tiết kiệm 30%, quảng cáo 50%. Đặc biệt, trong khối doanh nghiệp đặt mục tiêu tiết kiệm 2% điện tiêu thụ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trọng điểm.
Hằng năm, căn cứ trên sản lượng điện tiêu thụ của các doanh nghiệp, chính phủ đã ban hành danh mục các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Theo số liệu năm 2022 thì có khoảng gần 5000 doanh nghiệp trọng điểm, số lượng doanh nghiệp này chiếm khoảng 34% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc. Chính vì thế, nếu các doanh nghiệp tích cực triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là sử dụng năng lượng một cách an toàn, hiệu quả hơn thì sẽ có nguồn lực lớn để dành năng lượng cho các nhu cầu khác.
"Trên cơ sở chỉ thị 20 của Thủ tướng, EVN cũng đã làm việc với UBND các tỉnh trên cả nước và các địa phương cũng đã đặt ra các mục tiêu cao hơn để phấn đấu vượt chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính Phủ giao. Cụ thể, trong khối hành chính sự nghiệp không những phấn đấu tiết kiệm 5% mà tiết kiệm 10%; chiếu sáng phấn đấu tiết kiệm 50%..." - ông Lâm thông tin.
Anh Thư - Phương Loan