Cân đối nhu cầu sử dụng điện
Suy kiệt nguồn nước diễn ra ở các hồ thủy điện dẫn đến thiếu hụt nguồn điện trên địa bàn Quảng Nam. Trong khi nắng nóng gay gắt kéo dài, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng lên.
Ông Hồ Tấn Phát (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) cho biết, gia đình có 3 thế hệ chung sống nên phải trang bị các máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện. Để tiết kiệm điện, ông Phát luôn đặt nhiệt độ máy điều hòa từ 26 độ C trở lên. Các quạt được tiết giảm hoạt động, chỉ sử dụng vào lúc quá nóng.
“Rất may là nhà tôi khá thông thoáng, mở hết cửa nên hạn chế sử dụng các bóng đèn. Tôi dặn dò các cháu nhỏ hễ không cần thiết thì nhất quyết không bật các thiết bị chiếu sáng và làm lạnh trong nhà” - ông Phát nói.
Theo dõi, quản lý, vận hành điện ở Công ty Thủy điện Sông Bung.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang chia sẻ khó khăn với ngành điện. Các công ty, cơ sở sản xuất chú ý điều chỉnh phụ tải trong các ngày nắng nóng cực đoan, dừng các công đoạn chưa quá cấp thiết, bố trí lịch sản xuất phù hợp, hạn chế sử dụng các thiết bị công suất lớn vào khung giờ cao điểm, ưu tiên sử dụng các thiết bị giảm tiêu hao điện năng.
Ông Thái Bá Tuấn (chủ cơ sở cơ khí ở thôn Phú Tân, xã Tam Xuân 1, Núi Thành) cho biết, để tiết kiệm điện, cơ sở tổ chức các công đoạn sản xuất thật chặt chẽ, ngăn nắp. Người lao động luôn trong tâm thế hăng hái làm việc đạt năng suất, sản lượng cao và tiết giảm chi phí, nhất là điện năng.
Các biện pháp tiết kiệm điện đã được UBND TP.Tam Kỳ triển khai. Hàng loạt tuyến đường được điều chỉnh thời gian mở đèn trễ 30 phút, tắt đèn sớm 30 phút so với thường ngày. Công suất hệ thống chiếu sáng đã giảm 50% từ 22 giờ đêm ở nhiều tuyến đường.
Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ nói: “Mùa nắng nóng đang cao điểm nên không thể không tiết kiệm điện. Chúng tôi kêu gọi ý thức sử dụng điện tiết kiệm của mỗi người dân, cơ quan, đơn vị, nhà máy trên địa bàn”.
Đảm bảo cung ứng điện
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, xây dựng chi tiết phương án phân phối điện trên địa bàn tỉnh trong mùa khô là hết sức quan trọng. Đó là cách để chủ động cung ứng điện vừa dự lường khó khăn để có thể giải quyết kịp thời.
Ông Bửu giao Công ty Điện lực Quảng Nam phối hợp Sở Công Thương xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể tiết kiệm điện trong mùa khô và năm 2023 đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Phải đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải quan trọng. Trong trường hợp phải thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện, phải thông báo các khu vực, thời gian cụ thể để người dân chủ động sinh hoạt và doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Hạn chế tối đa ngừng, giảm cung cấp điện vào ban đêm và thời gian cao điểm nắng nóng” - ông Bửu nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Khánh - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam, vào cao điểm nắng nóng này, ngành điện luôn sẵn sàng tiếp nhận và xử lý các thông báo mất điện của khách hàng; bố trí tăng cường lực lượng ứng trực, chủ động phương tiện, vật tư, thiết bị dự phòng để kịp thời khắc phục sự cố.
Giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng của ngành điện là yêu cầu các đơn vị cấp huyện tăng cường kiểm tra định kỳ đường dây, trạm biến áp, tăng tần suất đo nhiệt độ tại các vị trí tiếp xúc, đặc biệt là các thiết bị mang tải cao để kịp thời phát hiện các điểm bất thường, ngăn ngừa sự cố.
Công nghệ sửa chữa “nóng” lưới điện đang mang điện (hotline) được áp dụng để không làm mất điện khách hàng và biện pháp cấp điện dự phòng phù hợp đang được ngành điện triển khai.
Thực tế nhiều năm qua, nhờ được đầu tư xây lắp mới, cải tạo trạm biến áp, đường dây nên việc cung ứng điện trên địa bàn tỉnh được cải thiện đáng kể. Sự cố gây mất điện kéo dài giảm nhiều. Tuy vậy, đảm bảo cấp điện ổn định, an toàn và chất lượng trong đợt cao điểm nắng nóng này là áp lực không nhỏ với ngành điện.
Tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả không chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng cao mùa nắng nóng này mà còn được xem là một thói quen, ý thức tốt trong việc đóng góp vào duy trì nguồn năng lượng bền vững, góp phần bảo vệ môi trường.
Theo: Báo Quảng Nam