Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE).
Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Công Thương, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), đại diện các ngân hàng thương mại cùng các cơ quan thông tấn, báo chí truyền hình đến đưa tin về sự kiện.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bển vững (Bộ Công Thương) cho biết, các ngân hàng thương mại hiện nay có hạn chế về chuyên môn kỹ thuật cần thiết để thẩm định các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng do vậy thị trường cho vay đầu tư tiết kiệm năng lượng trong những năm vừa qua chưa thực sự khởi sắc. Hội nghị tập huấn nhằm mục đích hướng dẫn cho các ngân hàng thương mại cách nhận diện và xác định dự án tiết kiệm năng lượng tiềm năng. Tham dự hội nghị các ngân hàng thương mại được trang bị đầy đủ các kiến thức trong lĩnh vực đầu tư tiết kiệm năng lượng khi tham gia vào thị trường đầu tư tiết kiệm năng lượng.
"Hội nghị nhằm hướng dẫn cho các ngân hàng thương mại cách nhận diện và xác định dự án tiết kiệm năng lượng tiềm năng." - ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bển vững.
Ông Chu Bá Thi - Đại diện Ngân hàng Thế giới cho hay, nhiều năm qua, Ngân hàng Thế giới đã đồng hành cùng với Bộ Công Thương và các bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng và tài chính với mong muốn thúc đẩy phát triển bền vững các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng. Trong giai đoạn tiếp theo, Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Công Thương hỗ trợ kỹ thuật bao gồm tăng cường năng lực trong nước về nhận diện thẩm định kỹ thuât, tài chính các khoản vay tiết kiệm năng lượng, các chuyến thăm quan học tập kinh nghiệm ở nước ngoài về các mô hình kinh doanh tài chính hiệu quả năng lượng. Chúng tôi rất mong các ngân hàng nhanh chóng hoàn thành các thủ tục tham gia dự án như ký kết thỏa thuận khung phát hành bảo lãnh với đơn vị thực hiện chương trình để các hoạt động kỹ thuật được thực hiện đạt tiến độ và hiệu quả.
Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Công Thương hỗ trợ kỹ thuật bao gồm tăng cường năng lực trong nước về nhận diện thẩm định kỹ thuât, tài chính các khoản vay tiết kiệm năng lượng.
Dự án VSUEE bao gồm 02 hợp phần: Hợp phần 1: Qũy Chia sẻ rủi ro - GCF và Hợp phần 2: Hỗ trợ kỹ thuật. Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) được Ngân hàng Thế giới và Bộ Công Thương lựa chọn là Đơn vị thực hiện chương trình (PIE). SHB sẽ quản lý và vận hành Quỹ RSF trong suốt 15 năm triển khai Dự án. Với vai trò là Đơn vị quản lý Quỹ Chia sẻ rủi ro (RSF) của Dự án, tại hội nghị, đại diện SHB đã có những chia sẻ về cơ chế của dự án, quy trình phát hành bảo lãnh RSF, điều kiện cấp bảo lãnh RSF, quy trình thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, điều kiện thanh toán nghĩa vụ bảo lãnh, quy trình hoàn vốn… SHB cũng cho biết sẽ hỗ trợ tối đa cho các ngân hàng thương mại tham gia (PFI) trong việc xác định các tiểu dự án hợp lệ, xây dựng và phát triển danh mục các khoản bảo lãnh tiềm năng cũng như quản lý khoản vay trong suốt thời gian triển khai Dự án.
Trong hai ngày tập huấn, cán bộ các ngân hàng tham gia đã cùng tìm hiểu sâu về những nội dung như: tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp, xác định mức tiêu hao năng lượng, công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng, xác định chi phí, tính toán mức tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải, đánh giá tính khả thi các dự án tiết kiệm năng lượng, các mô hình kinh doanh ESCO và thực hành các bài tập tình huống về đầu tư tiết kiệm năng lượng.
Hội nghị tập huấn được kỳ vọng là cơ hội tốt để các ngân hàng thương mại trang bị đầy đủ các kiến thức về dự án tiết kiệm năng lượng, giúp gỡ bỏ các rào cản về mặt kỹ thuật và tài chính giữa các tổ chức tài chính, doanh nghiệp công nghiệp và các công ty dịch vụ năng lượng, từ đó triển khai hiệu quả dự án đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành Công nghiệp Việt Nam (VSUEE) do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ ủy thác qua Ngân hàng Thế giới. Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản Dự án. Mục tiêu của Dự án là thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam, góp phần đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, đảm an ninh năng lượng và thực hiện triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu giảm phát thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu. Dự án sẽ được triển khai trên phạm vi các tỉnh thành trong cả nước từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2026. |
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bển vững