Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:34 GMT+7

Tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả cao điểm mùa nắng nóng 2023

23/07/2023

Đây là một trong những giải pháp quan trọng đặt ra trong lúc này.

Miền Bắc đã bắt đầu vào thời gian cao điểm mùa nắng nóng. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nền nhiệt trên cả nước thời kỳ này có thể cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C. Một số đợt nắng nóng gay gắt sẽ xảy ra trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 với nền nhiệt độ ở nhiều nơi có thể lên tới hơn 40 độ C.
Tuyên truyền tiết kiệm điện cho các hộ đồng bào dân tộc. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Thực hiện công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Đông Bắc về kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia trong những tháng cao điểm nắng nóng năm 2023. 
“Tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả cao điểm mùa nắng nóng 2023”  là một trong những giải pháp quan trọng đặt ra trong lúc này. Người đứng đầu Bộ Công Thương nhấn mạnh: đây cần phải được coi là một giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, đẩy mạnh truyền thông hơn nữa về việc tiết kiệm điện, nhất là với các khách hàng sử dụng điện lớn.
Tuyên truyền tiết kiệm điện trong sản xuất công nghiệp. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, ngay đầu tháng 5, khu vực miền Bắc và miền Trung đã phải đón nhận nắng nóng kỷ lục từ trước đến nay (Tương Dương - Nghệ An 44.2 độ C ngày 7/5/2023, đây là mức nhiệt cao kỷ lục tại Việt Nam từ trước tới giờ, vượt qua mức nhiệt cao 43,4 độ C tại Hương Khê - Hà Tĩnh ngày 20/4/2019), nhu cầu sử dụng điện đã tăng cao đột biến so với các ngày trước đó. Ngày 06/05/2023, mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần và ngay sau dịp nghỉ lễ 30/4-01/05 nhưng phụ tải hệ thống điện quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục mới ~895 tr.kWh (cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 12,34% so với cùng kỳ tháng 5/2022), công suất tiêu thụ cực đại đạt 43.300 MW (cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 9,12% so với cùng kỳ tháng 5/2022).
Dự báo các tháng 5, 6, 7 miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải của hệ thống có xu hướng tăng cao hơn. Để đảm bảo cung ứng điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đã phải huy động các tổ máy chạy dầu từ ngày 17/4/2023. 
Các hồ thủy điện khu vực miền Bắc tiếp tục có nước về kém. Tính đến ngày 11/5/2023, khu vực miền Bắc tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về rất kém, chỉ đạt 50-60% trung bình nhiều năm; các khu vực còn lại, lượng nước về cũng chỉ đạt bình quân 70-90% trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện (một số hồ khu vực miền Trung và miền Nam có nước về kém như: Đại Ninh, Trị An, Đak R’Tih, Sông Côn 2…). 11/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mức nước chết bao gồm: Trung Sơn, Đồng Nai 2, Buôn Tua Srah, Hương Sơn, Trị An, Ialy, Sông Ba Hạ, Xekaman 1, Đakr Tih, Sê San 4; có 21/47 hồ thủy điện lớn có dung tích còn lại dưới 20% và 16 hồ có mực nước thấp hơn mực nước/khoảng mực nước tối thiểu của Quy trình vận hành liên hồ chứa.
Công nhân Công ty Điện lực An Giang tuyên truyền tiết kiệm điện cho các hộ đồng bào dân tộc Chăm tại huyện Châu Đốc. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hiện tượng El Nino sẽ xảy ra vào các tháng cuối năm 2023 làm cho nền nhiệt độ tăng cao và lượng mưa giảm thấp so với trung bình nhiều năm. Điều này làm cho lưu lượng về hồ các tháng cuối năm tiếp tục có xu hướng giảm thấp. 
Trước tình hình diễn biến bất lợi của thủy văn và vào cao điểm nắng nóng ở khu vực miền Bắc, EVN đã và đang thực hiện các phương án đảm bảo cung cấp điện năm 2023, cụ thể, lập kế hoạch, phương thức vận hành toàn hệ thống điện theo diễn biến thời tiết, đặc biệt là “nắng nóng cực đoan” (chuẩn bị nhiên liệu, khả dụng các tổ máy/Nhà máy điện; tăng cường trực vận hành, sửa chữa điện 24/24; chuẩn bị 4 tại chỗ: Chỉ huy, lực lượng, vật tư, hậu cần để xử lý sự cố nếu có).  
Rà soát, củng cố lưới điện, khiếm khuyết để nâng cao độ tin cậy, khả dụng các tổ máy phát điện, các đường dây/trạm biến áp truyền tải, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, tin cậy; Điều chỉnh lịch sửa chữa các nhà máy điện để đảm bảo công suất nguồn cấp điện cho phụ tải (tránh các tháng 4, 5, 6, 7); Duy trì mức nước các hồ thủy điện để đảm bảo sản lượng và công suất cuối mùa khô (phải huy động các nguồn nhiệt điện đắt tiền để duy trì mức nước). Dịch chuyển giờ cao điểm các nguồn thủy điện nhỏ theo hướng dẫn của Bộ Công Thương; Bổ sung các nguồn điện từ nhập khẩu từ Trung Quốc, Lào, đàm phán với các chủ đầu tư để nhận điện từ các dự án nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp. 
Đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào vận hành các đường dây 500kV; 220kV; 110kV để giải tỏa công suất; tăng cường năng lực truyền tải Bắc – Trung, các công trình đấu nối và giải toàn nguồn thủy điện Tây Bắc và các nguồn năng lượng tái tạo khu vực miền Trung, Tây Nguyên. 
Tăng cường tiết kiệm điện trong nội bộ tất cả các đơn vị thuộc EVN, đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện tới tất cả các khách hàng dùng điện cả nước sử dụng điện an toàn, hiệu quả và tiết kiệm. Ký kết thỏa thuận với hơn 10.000 khách hàng để tham gia sự kiện điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại (DR) khi hệ thống yêu cầu.  
EVN đề nghị các khách hàng triệt để thực hành tiết kiệm điện vào mùa nắng nóng để hạn chế sự cố cục bộ lưới điện (ví dụ: mất điện do quá tải TBA), đảm bảo hệ thống điện vận hành ổn định, tin cậy và liên tục. 
Ông Võ Quang Lâm- Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Công điện yêu cầu: "Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát phương án sản xuất điện bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; tăng cường sử dụng các nguồn điện, ưu tiên dành nước của các hồ thủy điện phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn...".
Thực hiện công điện 397 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công thương, Tập đoàn lực Việt Nam đã tổ chức làm việc với các Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam để đảm bảo các nguồn nhiên liệu cho phát điện. Và một nội dung quan trọng trong Công điện của Thủ tướng là vấn đề phối hợp với các địa phương để rà soát và bám sát, kỹ dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng như Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo nguồn nước về các hồ thủy điện, đảm bảo nước cho hạ du… Và đồng bộ với các giải pháp này thì Tập đoàn cũng đã chỉ đạo Công ty mua bán điện và các đơn vị thành viên, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia khẩn trương đàm phán, hướng dẫn các chủ đầu tư, các dự án năng lượng chuyển tiếp để hoàn thiện các hồ sơ, hợp đồng mua bán điện và có thể triển khai công tác mua bán điện với các dự án này. Và ngay trong ngày 13/5 vừa qua thì Tập đoàn đã chỉ đạo Công ty mua bán điện và Tổng công ty truyền tải điện quốc gia hoàn thiện các thủ tục để đóng điện một tuyến đường dây mua điện của 2 nhà máy thủy điện của Lào là Xê-Công 2 và Xê-Công 3 nhập khẩu điện từ Lào về. 
Cũng trong ngày 14/5/2023, Tổng giám đốc EVN cũng đã có buổi họp với lãnh đạo các đơn vị thành viên, đặc biệt là Chủ tịch và Tổng giám đốc các Tổng công ty Điện lực để triển khai các giải pháp tiết kiệm điện.
Thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tập trung tuyên truyền những chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đề ra, cùng như những biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là trong các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. EVN đã và đang tổ chức triển khai tuyên truyền SDNLTK&HQ nói chung và sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả nói riêng sâu rộng và đa dạng trên các kênh truyền thông web/app/fanpage/facebook/youtube/tiktok/zalo/sms…Phối hợp với các tổ chức, Đoàn thể chính trị xã hội và hội tư vấn cho khách hàng cách thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trên phạm vi cả nước. Tham mưu UBND tỉnh/thành phố triển khai kế hoạch tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025 và hàng năm, theo Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 07/05/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025. Triển khai các chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện; thực hiện giảm tổn thất điện năng; khuyến khích doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện (DR); Chương trình giờ trái đất; Tiết kiệm điện trong trường học, công sở, gia đình văn hóa tiết kiệm điện, v.v…Thí điểm nhân rộng các mô hình tiết kiệm điện trong sinh hoạt (thay đèn), sản xuất công nghiệp (ESCO, điện mặt trời mái nhà), nông nghiệp (đèn Hoa Cúc, Thanh Long, nuôi tôm công nghiệp)…Kiến nghị Bộ ngành các nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế chính sách khuyến khích khách hàng tham gia thị trường tiết kiệm năng lượng.   
Theo: Trang tin điện tử ngành Điện